Ngôi mộ trong Vườn quốc gia Bến En
Khoảng năm 2018, anh Hà Văn Hoàng, nhân viên bảo vệ của Vườn quốc gia Bến En (H.Như Thanh, Thanh Hóa) trong lúc đi tuần tra đã phát hiện một ngôi mộ nằm ở khu vực phía tây nam Vườn quốc gia Bến En, giáp ranh với địa phận xã Xuân Bình (H.Như Xuân, Thanh Hóa).
Vị trí ngôi mộ ở gần cầu suối Hận. Trên tấm bia mộ bằng đá có khắc hình ngôi sao, và ghi thông tin người nằm dưới mộ là bà Lê Thị Thành, tạ thế ngày 5.6.1965; quê tại xã Nông Trường, H.Triệu Sơn (Thanh Hóa).
Sau khi phát hiện ngôi mộ, anh Hoàng đã đăng thông tin kèm hình ảnh bia mộ lên mạng xã hội facebook mong muốn tìm kiếm thân nhân của người đã khuất. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay anh Hoàng không nhận được phản hồi của ai.
Đến đầu tháng 2.2023, đạo diễn Nhân Sơn (Nguyễn Thị Thu Trang) từ Hà Nội vào Vườn quốc gia Bến En tìm bối cảnh làm phim, thì tình cờ nghe được câu chuyện phát hiện ngôi mộ của anh Hoàng. Sau đó, đạo diễn Nhân Sơn đã cùng với nhà báo Nguyễn Quốc An (công tác tại Đài PT-TH Thanh Hóa) tìm về xã Nông Trường để tìm người thân cho người đã khuất.
UBND xã Nông Trường đã xác nhận thông tin người mất ghi trên bia mộ trùng khớp với bà Lê Thị Thành, quê thôn 5, xã Nông Trường, là nữ TNXP nhập ngũ tháng 2.1961. Sau đó được xác định đã hy sinh nhưng không biết phần mộ ở đâu.
62 năm bặt vô âm tín
Ngày 25.4, PV Thanh Niên đã tìm gặp người thân của nữ TNXP Lê Thị Thành, và gặp được bà Lê Thị Hương (88 tuổi, ngụ xã Vân Sơn, H.Triệu Sơn), là chị gái bà Thành và cũng là người thân duy nhất còn lại ở quê nhà.
Dù tuổi đã cao, tai lại khó nghe, nhưng sau khi nhờ con ra dấu hỏi về người em gái Lê Thị Thành, bà Hương liền rơi nước mắt nhớ về những ngày tháng trước khi người em gái của mình lên đường đi TNXP.
"Thành là em gái tôi. Lúc đó, hoàn cảnh quá khó khăn lắm. Tôi không nhớ khi đó Thành bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ dì (gọi em gái thay cho con - PV) ấy còn rất trẻ và đã xung phong đi TNXP. Kể từ ngày đi (năm 1961 - PV) rồi hy sinh cho đến nay, gia đình không nhận được tin tức gì. Giờ tôi chỉ mong muốn sớm đưa tro cốt dì ấy về quê nhà mai táng, để tôi thắp cho dì ấy nén hương. Đừng để dì ấy ở nơi rừng sâu núi thăm nữa".
Vừa dứt lời kể, bà Hương liền đứng dậy đi về phía bên phải bàn thờ gia tiên, nơi đặt chiếc bàn cũ và chỉ có một bát hương rất đơn sơ, là chỗ bà thờ cúng bố mẹ mình và người em Lê Thị Thành. Sở dĩ bà thờ như vậy vì ở quê xã Nông Trường hiện không còn ai, anh em của bà Hương đều đã chết hoặc sinh sống xa quê.
Khi lần tìm về xã Nông Trường, được sự hỗ trợ của ông Lê Ngọc Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã Nông Trường, PV Thanh Niên đã may mắn tìm và gặp được bà Hồ Thị Chường (81 tuổi, ngụ thôn 3, xã Nông Trường), là đồng đội của bà Lê Thị Thành.
Bà Chường có thời gian khoảng gần 1 năm cùng ở đơn vị C113 CT đường sắt Thanh Hóa - Vinh, làm nhiệm vụ tại khu vực dốc Bò Lăn (H.Nghĩa Đàn, Nghệ An).
"Tôi đi TNXP năm 1961, thuộc C113 CT đường sắt Thanh Hóa – Vinh cùng với chị Thành. Khi vào làm nhiệm vụ vận tải đạn phục vụ chiến tranh chống Mỹ ở khu vực dốc Bò Lăn được khoảng gần 1 năm thì chị Thành chuyển đi khu vực khác. Từ đó chúng tôi không liên lạc được với nhau. Tháng 4.1964 tôi trở về địa phương nhưng không thấy chị Thành trở về, và sau đó nghe thông tin chị ấy đã hy sinh, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ, chưa đưa hài cốt về quê. Tôi thì không biết chữ, cũng không có thông tin nên chừng ấy năm không biết lối mô mà tìm cả. Giờ nếu đã phát hiện ra phần mộ chị ấy thì tốt quá rồi", bà Chường nói.
Nữ TNXP Lê Thị Thành xứng đáng là liệt sĩ
Như vậy, bước đầu có thể xác định phần mộ của cựu TNXP Lê Thị Thành đã được tìm thấy ở Vườn quốc gia Bến En, tuy nhiên, sự hy sinh của nữ cựu TNXP này có phải do chiến tranh hay không, để từ đó có cơ sở để xác định liệt sĩ cho bà.
PV Thanh Niên tiếp tục gặp ông Lê Trung Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa, là người từng gặp những đồng đội của bà Thành – những người đã chứng kiến sự hy sinh của bà.
Ông Sơn kể: "Tháng 9.1966, khi tôi đang ở đội TNXP N47, một lần cùng đồng đội qua địa phận H.Như Xuân thì vô tình gặp anh Nguyễn Huy Chương (quê xã Thuần Lộc, H.Hậu Lộc) khi đó là kế toán trưởng của đội TNXP C113, là đơn vị của bà Thành. Khi đó còn có cả anh Đại đội trưởng và cô Bí thư đoàn, nhưng tôi không nhớ tên. Các anh chị ấy rủ kể cho tôi nghe về việc bà Thành hy sinh. Bà Thành thuộc đội đường sắt Thanh Hóa – Vinh nhưng sau đó Mỹ đánh phá ác liệt dọc đường 15 (QL15 bây giờ), bà Thành được điều động phục vụ chiến đấu, và trong lúc phục vụ chiến đấu thì bị trúng bom bi của máy bay Mỹ và hy sinh. Đồng đội của bà đã đưa bà vào khu vực gần con suối chôn cất. Lúc đó (tháng 9.1966 - PV) tôi còn cùng các anh chị ấy đi bộ hơn 10 km từ trục đường 15 vào sâu trong rừng để thắp hương cho bà. Khi vào thắp hương, tôi còn nói với đồng đội của bà ấy là "bà ấy xứng đáng là liệt sĩ". Sau này, khi làm Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh tôi cũng là người ký giấy chứng nhận TNXP cho bà ấy".
Ngôi mộ nằm sâu trong rừng quốc gia Bến En được xác định là phần mộ của nữ TNXP Lê Thị Thành hy sinh khi đang phục vụ chiến đấu
MINH HẢI
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Triệu Sơn cho biết, việc làm thủ tục công nhận là liệt sĩ không hề đơn giản, và phải có nhiều yếu tố chứng minh.
Theo ông Hùng, nếu phần mộ đã tìm thấy thì gia đình của nữ TNXP Lê Thị Thành phải chủ động tìm kiếm, đấu mối với các cơ quan, đơn vị liên quan để làm hồ sơ. Theo ông Hùng, thì nếu bà Thành là TNXP thì phải có cơ quan, đơn vị do Bộ GTVT quản lý.
Cũng theo ông Hùng thì gia đình phải làm thủ tục để cung cấp, báo cáo với Hội cựu TNXP của huyện. Sau đó, đề nghị Bộ GTVT tra cứu xem (bà Thành - PV) thuộc đơn vị nào. Những TNXP tham gia chiến trường đều phải có đơn vị thuộc Bộ GTVT quản lý. Nếu không trực thuộc Bộ GTVT thì sẽ không có hồ sơ lưu, và rất khó được công nhận là liệt sĩ.
"Khi có đầy đủ căn cứ, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện có văn bản gửi Bộ GTVT để tra cứu xác minh. Nếu đúng người, đúng đơn vị thì Bộ GTVT sẽ cấp giấy chứng nhận hy sinh và gửi hồ sơ cho Bộ LĐ-TB-XH. Khi hồ sơ đầy đủ thủ tục, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định công nhận bằng Tổ quốc ghi công", ông Hùng cho hay.
Bình luận (0)