Tôi có thời gian công tác ở Côn Đảo khoảng 19 năm (1977 - 1996), trong đó có hơn 6 năm (1985 – 1991) tham gia công tác ở Ban quản lý rừng cấm Côn Đảo (có lúc đổi tên gọi thành Ban quản lý rừng đặc dụng Côn Đảo). Chừng đó năm công tác giúp tôi có những trải nghiệm về hoạt động bảo tồn thiên nhiên, trong đó có rùa biển ở Côn Đảo.
Rùa biển từng được chế biến thành đặc sản để… đãi tiệc!
Còn nhớ, từ tháng 5.1975, rùa biển (hay còn gọi là vích), đồi mồi, san hô đen cùng nhiều loại ốc… được khai thác để làm hàng mỹ nghệ, thực phẩm. Đã từng có một xí nghiệp chuyên sản xuất hàng tiểu thủ công mỹ nghệ, trong đó có các mặt hàng sử dụng nguyên liệu từ đồi mồi, vích. Việc đánh bắt, mua bán và tiêu thụ rùa biển diễn ra hết sức bình thường. Chân bơi và bộ đồ lòng của rùa biển được xem là món nhậu rất… "bén mồi". Thịt rùa biển được chế biến thành nhiều món đặc sản giống như thịt bò để đãi tiệc. Chưa hết, thịt rùa biển có khi còn dùng để... nuôi heo. Thời đó, chưa có những quy định pháp luật về cấm săn bắt, buôn bán, tiêu thụ nhiều loài động vật, trong đó có rùa biển, nên những sự việc nêu trên diễn ra một cách tự nhiên.
Đến ngày 1.3.1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có quyết định số 85/CT, quy định khu rừng cấm Côn Đảo thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Côn Đảo bấy giờ cũng đứng trước vận hội mới để đổi mới và phát triển. Có một ban lãnh đạo mới với nhiều quyết tâm và tham vọng xây dựng nơi đây thành một đảo giàu đẹp, văn minh…
Thay đổi tầm nhìn về rùa biển
Khoảng giữa năm 1987, Giáo sư Võ Quý (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài nguyên - Môi trường, ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐH KHXH-NV Hà Nội) và bà Elizabeth Kemf thuộc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam ra thăm Côn Đảo. Cả 2 đều có ý kiến là nên cấm đánh bắt, tiêu thụ rùa biển để bảo vệ loài này. Khuyến nghị này nhanh chóng được sự chấp thuận và trong 3 năm (1987, 1988 và 1999) chính quyền địa phương (cấp huyện) đã có những văn bản liên quan đến quản lý và bảo vệ các loài động vật, trong đó có rùa biển.
Tôi nhớ có một lần cùng Giáo sư Võ Quý và bà Elizabeth Kemf đi ghe từ khu trung tâm sang phía hòn Bà, thì được một kiểm lâm viên "khoe" cách đây vài ngày khi lặn bắt cá thì có bắt được một con đồi mồi, đang rộng (nhốt) ở phía sau ghe. Dù được giải thích con đồi mồi này chỉ được nuôi nhằm phục vụ trưng bày nhưng bà Elizabeth Kemf vẫn kiên quyết yêu cầu thả ngay xuống biển.
Những lần ra đảo sau đó, Giáo sư Võ Quý cũng đề nghị Côn Đảo nên bảo vệ những loài khác như trai tai tượng (thường được khai thác lấy cùi ốc). Tôi có lần nói vui với Giáo sư Võ Quý: "Cứ mỗi lần thầy ra đảo là sau đó Côn Đảo phải 'nhịn' một món ngon".
Những người đầu tiên bảo tồn rùa biển
Rùa biển thường lên đẻ trứng nhiều ở các hòn đảo nên việc cấp thiết cần làm là triển khai lực lượng kiểm lâm đóng ở những nơi mà trước đó hầu như công tác bảo vệ của chúng tôi chưa vươn tới được.
Cụ thể, hòn Bảy Cạnh và hòn Tre Lớn, nơi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng được ưu tiên lập các trạm bảo vệ trước. Cuối năm 1990, chúng tôi đã có lực lượng bảo vệ ở hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn và hòn Cau… góp phần quan trọng bảo vệ rùa biển trước các mối đe dọa khi lên đẻ trứng. Đây cũng là giai đoạn gặp nhiều khó khăn về biên chế, kinh phí, phương tiện hoạt động. Ban đầu, nhà trạm được dựng lên bằng những vật liệu tận dụng và có trạm chỉ được bố trí 1 người. Việc thông tin, liên lạc từ các hòn về khu trung tâm trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện bằng cách… đốt lửa. Có hôm do biển động nhiều ngày, ghe không tiếp tế được thực phẩm kịp thời nên các kiểm lâm viên đã bám tre bơi từ hòn Tre Lớn về hướng bãi Ông Đụng với khoảng cách hơn 3 km để kiếm thức ăn.
Chính những con người bám trụ, sống đơn độc ở các hòn đảo như Võ Văn Bé, Nguyễn Hữu Ngụ, Trần Công Bình, Hồ Hoàng Sơn, Nguyễn Văn Cương và những anh em khác mà tôi không nhớ hết tên… là những người đầu tiên trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rùa biển. Những đóng góp thầm lặng đó đã góp phần ngăn chặn bước đầu tình trạng săn bắt trộm rùa biển lấy trứng tại Côn Đảo.
Chế tác thẻ đeo nhựa buộc dây cước cho rùa mẹ
Từ gợi ý của Giáo sư Võ Quý, chúng tôi nghĩ rằng để có thể làm tốt công tác bảo tồn rùa biển, bước đầu cần có những nghiên cứu để hiểu đặc tính sinh học của loài này.
Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm các tài liệu liên quan đến rùa biển vốn rất ít ỏi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Để có thể theo dõi hoạt động của rùa biển thì việc cần làm là đeo thẻ cho rùa mẹ. Lúc này, anh Hồ Hoàng Sơn đã "chế tác" ra những tấm thẻ bằng nhựa, khắc chữ CD 01, CD 02… và đục lỗ để luồn dây cước buộc vào chi trước của rùa.
Vào thời điểm đó, do chưa nắm được đặc tính sinh học của rùa biển nên kiểm lâm thường phải thức trắng đêm, canh chúng lên bãi đẻ trứng để đeo thẻ. Việc đeo thẻ cho rùa được thực hiện trước tiên ở bãi Cát Lớn, hòn Bảy Cạnh và thẻ có ký hiệu CD 01 đã được gắn cho một rùa mẹ, sau đó thì triển khai sang hòn Tre Lớn.
Có thể nói, hai người đầu tiên đeo thẻ cho rùa biển ở Côn Đảo là Trần Đình Huệ và Nguyễn Hữu Ngụ. Dĩ nhiên, "công nghệ" đeo thẻ rất đơn sơ này không mang lại kết quả như mong muốn (do cước lâu ngày bị mục). Dù vậy, công cuộc bảo tồn rùa biển sau đó được tiếp tục và cho đến nay đã đạt nhiều thành tựu, có ý nghĩa về nhiều mặt.
Theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ thì vích (tên khoa học là Chelonia mydas) là một loài rùa biển thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Điều 244, bộ luật Hình sự quy định, người nào có một trong các hành vi như: săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ tùy tính chất, mức độ có thể bị phạt tù từ 1 đến 15 năm.
Bình luận (0)