Không chỉ nghệ sĩ cải lương mà hiện nay nhiều ca sĩ, người mẫu... cũng có thói quen khấn 'tổ' trước khi ra diễn.
Nghệ sĩ Hoài Linh thường chuẩn bị rất chu đáo cho lễ giỗ tổ |
Nghệ sĩ khấn gì trước khi ra diễn?
Xuất phát từ các đoàn hát bội, trong hậu trường sân khấu thường có một bàn thờ tổ. Mỗi khi đào, kép chuẩn bị bước ra sân khấu thì sẽ đến khấn tổ để cầu cho việc hát xướng thuận lợi.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, việc thờ cúng tổ xuất phát từ giai thoại về hai vị hoàng tử mê xem hát đến kiệt sức, ôm nhau chết. Lý giải cho việc không thờ một nhân vật rõ ràng, NSND Đinh Bằng Phi cho rằng: "Thực tế, ông tổ sân khấu là ông tổ vô danh. Người xưa đặt ra giai thoại về hai vị hoàng tử là để thần thánh hóa lên. Thờ ông tổ là thờ đứa bé mê hát bội. Họ coi ông tổ như đại diện cho khán giả. Đó cũng là cách biết ơn của nghệ sĩ đối với những người nuôi sống họ hằng đêm, không có gì phải giải thích theo kiểu thần thoại, hoang đường cả".
Cũng theo NSND Đinh Bằng Phi, việc chọn thờ hai vị hoàng tử không rõ thời nào chỉ mang tính tượng trưng. "Ngày xưa, các đoàn hát đi diễn, mang theo một bức tượng thì sợ rớt dọc đường nên phải làm thêm một tượng nữa để "sơ cua". Người xưa cho rằng hai ông cùng là hoàng tử, ngang hàng nhau nên không ai tranh giành với ai", NSND Đinh Bằng Phi cho biết.
Được biết, ngày trước mỗi lần diễn đến cảnh có trẻ sơ sinh thì cô đào lại "thỉnh" một trong hai bức tượng ông tổ ra sân khấu vì ngày xưa chưa có búp bê. Trước khi đưa ra sân khấu, cô đào xá "ông tổ" ba xá để mời tham gia vở diễn. Làm như thế không bị cho là "phạm thượng" mà trái lại, người ta cho rằng "ông tổ" vốn là trẻ con, rất ham vui, thích được ra sân khấu.
Ca sĩ Thanh Duy dâng lễ cúng tổ trong ngày giỗ tổ sân khấu
|
Trong lời khấn của nghệ sĩ cũng thường nhắc đến những người có công ơn với họ là các bậc Thánh, Hiền, Tổ, Sư, Thập nhị công nghệ, những nhân tài xuất chúng... Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng cho biết: "Trước khi ra sân khấu, nghệ sĩ phải khấn tổ, cũng giống như bước vào nhà thì mình phải thưa ông bà, cha mẹ vậy thôi".
Nội dung lời khấn cũng là mong vở diễn được suôn sẻ, nghệ sĩ làm tròn vai. Nghệ sĩ Thoại Mỹ tiết lộ: "Thường trước khi ra sân khấu, tôi sẽ khấn hôm nay mình thể hiện vai gì và cầu cho tổ độ lúc nào cũng có sắc có hương, có danh có diện, để thể hiện tốt vai diễn của mình".
Ngoài việc khấn tổ, một số nghệ sĩ còn đặt phấn son và những đồ dùng liên quan đến sân khấu lên bàn cúng tổ rồi khấn vái, sau đó mang về sử dụng như một cách để xin "lộc tổ". Trong ngày giỗ tổ sân khấu hằng năm, nghệ sĩ thường cúng hoa quả, gà, heo quay... Riêng heo cúng, sau khi dâng lên tổ thì phần lưỡi sẽ được chia ra mỗi người một miếng ăn để "lấy giọng".
Thờ tổ tại nhà
NSƯT Kim Tử Long cho biết cứ đến ngày giỗ tổ sân khấu (12.8 âm lịch), nghệ sĩ thường đi thành từng đoàn, đến các rạp, các sân khấu để thắp nhang, khấn tổ. Tại nhà riêng, nhiều nghệ sĩ cũng đặt bàn thờ tổ để bày tỏ lòng thành kính của mình.
Nghệ sĩ Thanh Hằng dù đã có 15 năm định cư ở Úc nhưng không ngày nào chị quên thắp nhang cho ông bà ngoại (cũng là nghệ sĩ sân khấu) và bà ngoại Bảy (cách Thanh Hằng gọi nghệ sĩ Phùng Há). Với chị, họ chính là tổ nghiệp, là người đã soi đường dẫn lối cho mình.
"Người Việt định cư ở Úc không nhiều, nói chi đến nghệ sĩ nhưng tới ngày giỗ tổ hằng năm, chúng tôi vẫn tập trung lại, dâng lên bàn thờ tổ những nén nhang, những mâm hoa quả để bày tỏ lòng thành", Thanh Hằng chia sẻ.
Tại nhà riêng của mình, nghệ sĩ Thoại Mỹ không thờ "cốt ông" mà chỉ lập bài vị, đề chữ Tổ nghiệp để thờ. Theo chị, điều cốt lõi nhất vẫn là lòng thành của nghệ sĩ dành cho những người đi trước, những người đã có công ơn với ngành sân khấu.
Cùng quan điểm này, nghệ sĩ hài Thúy Nga cho rằng quan trọng vẫn là sự thành tâm và người nào có tài, có đạo đức thì sẽ được "tổ" đãi mà thôi.
Thúy Nga cúng tổ tại nhà riêng ở Mỹ
|
Những ngày qua, việc danh hài Hoài Linh xây dựng nhà thờ tổ sân khấu tại Q.9 (TP.HCM) cũng đã thu hút sự quan tâm của khán giả lẫn giới nghệ sĩ. Dù gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý nhưng việc danh hài tự dốc tiền túi xây dựng một nhà thờ tổ khang trang, rộng rãi đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của anh chị em đồng nghiệp.
"Không bàn đến những vấn đề khác, riêng chuyện Hoài Linh biết nghĩ đến tổ nghiệp, nghĩ đến ân trên, có tình có nghĩa là điều rất đáng quý", NSND Kim Cương chia sẻ.
Nghệ sĩ hài Thúy Nga cũng cho biết thêm: "Từ trước đến nay, chưa có nghệ sĩ nào đứng ra xây dựng một nhà thờ tổ hoành tráng đến vậy. Anh Linh làm được là điều rất đáng ngưỡng mộ. Có nhà thờ tổ, sau này nghệ sĩ lại có thêm một nơi để tề tựu. Anh Linh cũng rất thận trọng, nhiều người xin đóng góp nhưng ảnh không nhận. Bản thân tôi cũng từng xin ảnh được góp một phần nhỏ, mãi sau đó ảnh mới đồng ý cho tôi góp một ít cây xanh, ghế đá trong khuôn viên".
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, Hội cũng có Ban ái hữu là nơi tổ chức giỗ tổ hằng năm nhưng nơi đó không lớn. Việc Hoài Linh xây dựng nhà thờ tổ để các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực có thể tìm về cội nguồn, tìm về tổ nghiệp và gặp gỡ, trò chuyện với nhau để tăng sự thân tình, theo ông đó là điều đáng quý.
Tuy vậy, vì vướng những vấn đề pháp lý nên hiện tại dự án nhà thờ tổ của Hoài Linh dù sắp sửa được hoàn thành nhưng đã bị đình chỉ thi công. Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hiện Hoài Linh đã sang Canada cùng đoàn phim Dạ cổ hoài lang (đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) để thực hiện các cảnh quay ở đây, và theo lịch anh sẽ về Việt Nam vào ngày 5.3.
Về phía cơ quan chức năng, UBND quận 9 cho biết sẽ xem xét công trình này có đủ điều kiện tồn tại hay không đồng thời phối hợp với đại diện nghệ sĩ Hoài Linh xác định chính xác diện tích có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất ở là bao nhiêu rồi mới xem xét việc xử lý vi phạm.
Bình luận (0)