Ngay từ khi chương trình GDPT 2018 còn trong quá trình dự thảo, nhiều nhà giáo đã không đồng tình với việc các môn học đang đứng độc lập vào chung một môn tích hợp ở cấp THCS. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn quyết tâm thực hiện. Trả lời báo chí, các chuyên gia xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học tích hợp gọi đó là xu thế phù hợp với đổi mới giáo dục.
Khi chương trình được ban hành, thực nghiệm, Bộ GD-ĐT giao cho các nhà xuất bản tự thực nghiệm rồi áp dụng đại trà nên một bộ phận giáo viên bị động trong quá trình giảng dạy hằng ngày. Nhà trường phải phân công nhiều giáo viên dạy một môn tích hợp dẫn đến khó khăn trong việc triển khai chương trình GDPT 2018.
Sách tích hợp nhưng chưa thấy "tác giả tích hợp"
Hiện sách giáo khoa ở lớp 6, 7, 8 có những môn học mới như: lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; nội dung giáo dục địa phương…
Đáng chú ý là các tác giả sách giáo khoa thì vẫn đứng riêng lẻ, phân môn của ai thì người đó viết. Nội dung kiến thức các phân môn trong sách tích hợp vẫn đang được bố trí đứng riêng, độc lập với nhau. Nội dung các module tập huấn gần như vẫn đang bố trí riêng theo từng phân môn chứ chưa mang tính tích hợp. Tuy nhiên, theo quy định trong chương trình GDPT 2018 của Bộ GD-ĐT, môn tích hợp chỉ do một giáo viên "tích hợp" giảng dạy.
Đây là một điều khiên cưỡng vì đội ngũ chuyên gia viết chương trình, viết sách giáo khoa, cùng giảng viên đã, đang và sẽ đào tạo giáo viên dạy môn học tích hợp đều là những người nghiên cứu, giảng dạy đơn môn mà lại hướng giáo viên dạy đa môn.
Trong khi đó, trình độ giáo viên THCS trước đây là CĐ, hiện nay là ĐH, còn các chuyên gia, giảng viên ĐH đều có học vị, học hàm cao hơn rất nhiều. Phần lớn những tác giả chương trình, sách giáo khoa là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Học vị thấp nhất cũng thạc sĩ - nhưng số thạc sĩ rất ít.
Thế nhưng, một cuốn sách giáo khoa có nhiều chuyên gia cùng đảm nhận viết, biên soạn mà còn chưa ra tích hợp thì một giáo viên "tích hợp" liệu có hoàn thành yêu cầu, mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đề ra hay không?
Nhà trường gặp quá nhiều khó khăn trong việc triển khai giáo viên dạy môn tích hợp. Với 4 khối lớp, kiến thức cấp THCS có hàng trăm bài học khác nhau, không phải một vài bài mà năm nay có thể phân công giáo viên này dạy khối này, sang năm lại được phân công dạy khối khác. Làm thầy mà không tường tận kiến thức mình đang dạy thì làm sao học trò phục thầy, tin thầy?
Sách giáo khoa thiết kế 1 sách - 1 môn học nhưng có đến 2- 3 thầy, thậm chí 6 thầy (nội dung giáo dục địa phương) dạy, khiến cho học sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Giáo viên ở nhiều trường học lúng túng chưa biết thực hiện như thế nào cho hiệu quả và đạt được mục tiêu như chương trình đã đề ra.
Các chuyên gia soạn môn tích hợp phải dạy thử vài tiết tích hợp
Khi giáo viên bắt tay vào giảng dạy chương trình mới, các nhà xuất bản cung cấp đường dẫn (link) một số tiết dạy thực nghiệm những môn tích hợp.
Đa phần những tiết mẫu này được xây dựng công phu từ nhiều người, mang tính "mẫu" hơn là cách dạy đại trà. Phần lớn những tiết này là do giáo viên dưới cơ sở thực hiện .
Quá trình áp dụng đại trà những môn tích hợp phát sinh nhiều vấn đề, nhất là giáo viên phải dạy những tiết học theo chủ đề. Hơn nữa, chương trình mỗi lớp không đơn thuần là 1-2 tiết mẫu, chẳng hạn môn khoa học tự nhiên có đến 140 tiết/năm học.
Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên trước đây thì chỉ đào tạo đơn môn và dạy đơn môn hàng chục năm qua nên giáo viên đã quen với cách đào tạo và cách dạy cũ. Những kiến thức phổ thông dù không phải là quá khó nhưng vì quá lâu không tiếp cận nên dần mai một. Vì thế, dạy được cả nội dung trong sách tích hợp là cả một quá trình gian nan và khó khăn vô cùng.
Nếu các chuyên gia Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa tích hợp đứng ra dạy mẫu vài tiết, nhất là những tiết chủ đề để giáo viên thấy được những thuận lợi khi dạy tích hợp thì có lẽ sẽ có tác động lớn đến đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Các chuyên gia có thể lấy luôn giáo viên làm học sinh giả định thì thầy cô dưới cơ sở sẽ... "phục sát đất". Lúc đó, giáo viên sẽ không còn kêu ca, phàn nàn về sự đổi mới khi chuyển nhiều môn học độc lập của chương trình 2006 sang các môn học tích hợp ở chương trình GDPT 2018 đối với cấp THCS.
Bình luận (0)