Cần thẳng thắn nhìn lại môn tích hợp

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/07/2023 06:05 GMT+7

Rất nhiều nghịch lý, rối rắm của môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã được chỉ ra qua thực tiễn triển khai 2 năm học chứ không chỉ là những lo ngại bước đầu khi tiếp cận chương trình, sách giáo khoa nữa.

Có lẽ đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần nhìn nhận thẳng thắn hơn về môn học này.

TÁC GIẢ VIẾT SÁCH TÍCH HỢP CŨNG "CHỊU"

Một giáo viên (GV) trường THCS ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Ngày 21.7 vừa qua, thầy tham dự lớp tập huấn (trực tuyến) dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên (KHTN) với tác giả viết sách giáo khoa (SGK). Giảng viên buổi tập huấn là một phó giáo sư, giảng viên của trường sư phạm chuyên ngành sinh học, tác giả viết sách KHTN (phân môn sinh học). Khi GV một số trường thắc mắc các nội dung liên quan đến sinh học thì thầy trả lời "băng băng", nhưng các câu hỏi về vật lý, hóa học thì thầy nói "nội dung này phải trao đổi với tác giả viết sách phần vật lý, hóa học" chứ thầy không giải đáp được.

"Một ví dụ sinh động để thấy điều rất phi lý rằng chính người biên soạn SGK, trình độ cao còn không trả lời được nội dung trái môn mình giảng dạy, nghiên cứu, vậy mà lại yêu cầu GV được đào tạo đơn môn phải dạy liên môn", thầy giáo này nói.

Thực tế là ngay cả giảng viên ở các trường sư phạm cũng chỉ có kiến thức đơn môn lý hoặc hóa hoặc sinh, không dạy được tích hợp KHTN; vậy nhưng cũng bồi dưỡng theo từng đơn môn rồi cấp chứng chỉ cho GV dạy tích hợp.

Cần thẳng thắn nhìn lại môn tích hợp - Ảnh 1.

Sau 2 năm triển khai dạy học các môn tích hợp ở bậc THCS như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý cho thấy có nhiều vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một GV tên A.B gửi ý kiến tới Báo Thanh Niên chia sẻ nỗi khổ khi yêu cầu GV đơn môn đi bồi dưỡng để dạy tích hợp: "Mấy "cụ" viết sách đâu có hiểu cái cảnh phải phân công chuyên môn, GV dạy bộ môn hóa sau 3 tháng học phải dạy được cả sinh và lý. Các vị có thấy rằng chưa chắc học chuyên môn lý mà đã dạy tốt lý, chỉ chết học sinh (HS) thôi nếu cứ bắt họ dạy. Về cơ bản, 1 GV cần phải có kiến thức tốt và chuyên sâu cho từng môn học rồi hãy nghĩ đến việc dạy môn tích hợp".

Một GV khác của Q.Ba Đình (Hà Nội) thì chia sẻ dù đã tham gia lớp bồi dưỡng do Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, nhận được chứng chỉ dạy môn tích hợp nhưng cô chỉ tự tin khi dạy phân môn vật lý mà mình được đào tạo 4 năm và giảng dạy hàng chục năm qua ở trường THCS, còn phân môn khác thì vừa dạy vừa lo HS hỏi sâu kiến thức ngoài SGK.

Cô chỉ ra thực tế: "Dạy để cho qua bài trong SGK và chạy hết chương trình thì cũng xong, nhưng HS ngày nay đâu chỉ đọc SGK, các em có rất nhiều kênh tìm kiếm thông tin và nếu GV trả lời qua quýt hoặc cung cấp thông tin hời hợt, thiếu chính xác thì các em sẽ phản biện ngay, rất xấu hổ".

Dạy để cho qua bài trong SGK và chạy hết chương trình thì cũng xong, nhưng HS ngày nay đâu chỉ đọc SGK, các em có rất nhiều kênh tìm kiếm thông tin và nếu GV trả lời qua quýt hoặc cung cấp thông tin hời hợt, thiếu chính xác thì các em sẽ phản biện ngay, rất xấu hổ.

Một GV ở Q.Ba Đình (Hà Nội)

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết: "Tất cả GV của trường đã được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng GV dạy môn KHTN. Chúng tôi phân công mỗi GV KHTN dạy cả 3 phân môn lý, hóa, sinh". Tuy nhiên, ông Khang nêu thực tế: GV "gốc lý" thì rất vất vả và thiếu tự tin khi phải dạy hóa, sinh và ngược lại.

KHỔ GIÁO VIÊN, THIỆT HỌC TRÒ

Nhiều GV cũng chia sẻ ngày xưa quan niệm GV biết 10 dạy 1, nay có vẻ như chúng ta đang làm ngược lại khi bắt GV phải dạy trái môn. Vị thế người thầy trong mắt học trò có nguy cơ lung lay khi đứng trước học trò mà GV không tự tin, không khiến cho trò "tâm phục, khẩu phục".

Đây cũng là lý do nhiều trường và GV vẫn áp dụng cách dạy môn KHTN bằng cách một môn học nhưng có tới 3 GV của 3 phân môn dạy, phân công GV đơn môn hiện có dạy theo đúng môn mình được đào tạo. Việc sắp xếp thời khóa biểu được các trường nói là "vô vàn khó khăn", thậm chí phải thay đổi theo tuần chứ không thể áp dụng cả học kỳ như trước kia. Mặc dù vậy, điều này cũng đã nảy sinh rất nhiều bất cập.

Cần thẳng thắn nhìn lại môn tích hợp - Ảnh 3.

Học sinh lớp 7 tại TP.HCM trong một giờ học môn tích hợp lịch sử và địa lý

ĐÀO NGỌC THẠCH

Một GV phân tích: Nếu dạy học theo chủ đề, trung bình mỗi chủ đề khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi. Có nghĩa là HS học xong mỗi môn học cách nhau cả tháng. Vậy cho hỏi, sau khi học qua chủ đề lý và sinh, quay về chủ đề hóa thì HS còn nhớ nổi kiến thức không? Chưa kể, mỗi chủ đề toàn gộp rất nhiều kiến thức bắt HS phải "tiêu hóa" hết. Đó là sự thiệt thòi của HS, còn với GV cũng "kinh khủng" không kém. Ví dụ, tháng này đến chủ đề của môn hóa thì GV phân môn hóa sẽ phải "vắt kiệt sức" với số tiết thực dạy trong tuần. Trong khi đó, GV lý, sinh lại rảnh rang, thong dong chờ đợi đến lượt.

Gửi ý kiến đến Thanh Niên, độc giả Nguyễn Huy viết: "Rất mong Quốc hội lắng nghe ý kiến GV. Việc tích hợp bây giờ chỉ là giảm đi về con số đầu điểm, còn HS gần như vẫn phải học các môn như vậy không thay đổi. Vậy thì tích hợp để làm gì?".

CHỌN LỐI NÀO ?

Những ngày vừa qua, bài viết của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang đăng trên Báo Thanh Niên đề nghị bỏ một số môn dạy tích hợp để "lối cũ ta về" dạy đơn môn như trước kia nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của dư luận, trong đó phần lớn là các nhà giáo đang trực tiếp chỉ đạo thực hiện hoặc đứng lớp giảng dạy môn học này.

Tại phiên họp với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27.7 về kết quả giám sát thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tích hợp cũng được một số đại biểu nhắc đến và gọi đây là vấn đề "khó khăn nhất" mà các đại biểu nhận thấy khi giám sát việc thực hiện đổi mới. Đáp lời, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là "một thách thức lớn đang đặt ra" và cho rằng trước mắt có "2 con đường" cho môn tích hợp: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình phù hợp để có đội ngũ GV phù hợp dạy tích hợp…

Cần thẳng thắn nhìn lại môn tích hợp - Ảnh 4.

Giáo viên dự giờ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong một tiết dạy môn tích hợp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bình luận về phát biểu này, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho rằng: "Lực lượng chủ yếu dạy môn KHTN có độ tuổi từ 25 - 45. Họ được đào tạo chính quy đơn môn 4 năm ở trường đại học sư phạm và trải qua rất nhiều năm giảng dạy. Kiến thức chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm giảng dạy phong phú. Nếu bây giờ đào tạo chính quy GV dạy môn KHTN thì ít nhất 20 - 30 năm nữa mới thay thế được đội ngũ hiện tại. Khoảng thời gian này, theo chu trình đổi mới, VN có thể sẽ thêm một cuộc "đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT" nữa. Nói như vậy để thấy "con đường thứ hai" mà Bộ trưởng Kim Sơn đưa ra không khả thi. Vậy, chỉ có thể thực hiện con đường thứ nhất mà bộ trưởng nêu là "quay về như cũ thành các đơn môn". 

Chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công GV phù hợp

Báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra việc phân công GV dạy các môn học mới như môn KHTN chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công GV phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời làm tăng áp lực của GV.

Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (việc xếp thời khóa biểu) còn chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, phân công GV đảm nhận các môn học mới, trong khi những GV đó vẫn phải đảm nhiệm môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 dẫn đến ở một số thời điểm GV phải dạy KHTN ở lớp 6, 7 vượt quá nhiều so với định mức/tuần, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy các môn học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.