Chuyện vua rác David Dương ở xứ Tây và ở… xứ ta

19/06/2019 16:43 GMT+7

Là người tâm huyết với câu chuyện xử lý rác, David Dương cho biết những bước tiến của công ty ông trong thời gian qua đang mở ra nhiều thuận lợi, cả ở Mỹ và Việt Nam.

Từ “cuộc chiến” tái ký hợp đồng thu gom rác ở San Jose

Xây dựng một “đế chế rác” tại San Jose và để giữ được nó luôn trên đà phát triển là điều không hề dễ dàng - đó là chia sẻ của “vua rác” David Dương khi nói về cuộc chiến giành quyền tái ký hợp đồng thu gom rác với chính quyền San Jose.
Năm 2019 là năm đáo hạn hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose. Công ty California Waste Solutions (CWS) của David Dương đã yêu cầu thành phố này tăng giá gần 60% cho dịch vụ xử lý rác, theo ông Dương thì việc tăng giá là điều bình thường và đó cũng mức giá cạnh tranh trên thị trường. Với mức tăng giá này, phí cho việc thu gom rác của của mỗi hộ gia đình sẽ tăng từ 9,47 đô la lên 15,10 đô la. Chính quyền thành phố không chấp nhận mức phí đó, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau để không tiếp tục tái ký hợp đồng thu gom rác với CWS. Điều này dẫn đến nguy cơ cho sự sống còn của công ty vốn đã tồn tại 26 năm trên thị trường thu gom rác thải.
CWS quyết tâm sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ công việc của mình.
Ông David Dương
Ông David Dương
       
Vào tháng 1.2018, các nhân viên của CWS tập trung tại Tòa thị chính San Jose để phản đối việc chính quyền không chấp thuận gia hạn hợp đồng thu gom rác thải của công ty. Là người lèo lái con thuyền CWS, David Dương đã cùng những nhân viên của mình đấu tranh đến cùng để đòi quyền lợi và chống lại sự đối xử bất công bằng. “Cộng đồng người Mỹ gốc Việt không chấp nhận bất cứ một đối xử nào không công bằng. Con cháu của chúng ta sau này sẽ được đối xử công bằng nếu chúng ta tranh đấu và đòi hỏi được đối xử công bằng từ thế hệ này” - David Dương nhấn mạnh.
Một cuộc điều trần giữa CWS với Sở Tài nguyên - Môi trường (ESD) tại San Jose có mặt đông đảo người Mỹ gốc Việt đã diễn ra. Rất nhiều lý lẽ được đưa ra để thoái thác việc gia hạn hợp đồng với CWS. David Dương đã dùng lập luận sắc bén của mình để bác bỏ tất cả. Cuối cùng, chính quyền San Jose buộc phải đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom và xử lý rác cho 166.000 ngôi nhà tại thành phố này trong vòng 1 năm. Sau 1 năm, chính quyền sẽ cân nhắc tiếp để tiến tới ký hợp đồng 15 năm với công ty. Về phía chính quyền thành phố cũng có trách nhiệm giáo dục người dân về ý thức bảo vệ môi trường theo chương trình mà CWS đề ra. Mức phí cuối cùng mà hai bên đồng thuận là 13,15 đô la phí thu gom rác cho mỗi hộ gia đình mỗi tháng.
Việc được gia hạn hợp đồng 1 năm cũng được xem là một thắng lợi bước đầu của CWS trong “cuộc chiến” giành quyền thu gom rác cho thành phố San Jose. “Với thắng lợi bước đầu này chúng tôi rất tự tin sẽ làm tốt để giành được hợp đồng 15 năm cho công ty”, ông David Dương hào hứng chia sẻ. Nhìn lại hành trình đấu tranh vừa qua, ông cho biết đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, song với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường, CWS đã vượt qua được khó khăn một cách ngoạn mục.

…Đến câu chuyện cải tiến công nghệ xử lý rác tại… xứ ta

Tại Việt Nam, dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh tại Long An do Công ty TNHH Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) của David Dương đầu tư với rất nhiều tâm huyết đã chính thức đi vào hoạt động.
Để có được kết quả này là nhờ việc công ty mạnh dạn đề xuất với chính quyền tỉnh Long An đứng ra xây dựng hai cây cầu VWS1 và VWS2 dẫn vào Khu công nghệ Môi Trường Xanh. Cuối tháng 3.2019, hai cây cầu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cầu được thiết kế có trụ tháp cao 30 m, cùng với hệ dây cáp văng và dây cáp treo, gồm 3 nhịp có chiều dài 74,57 m; bề rộng cầu là 32 m, bố trí 6 làn xe và 2 làn bộ hành cùng với dải phân cách. Cây cầu này là một trong những hạng mục công trình quan trọng của Dự án Khu công nghệ Môi trường xanh, giúp dự án nhanh chóng được đưa vào hoạt động.
Sau khi đưa vào hoạt động, nơi đây sẽ tiếp nhận và xử lý tất cả các loại chất thải thông thường, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại, chất thải điện tử, chất thải y tế, phân hầm cầu, bùn cống rãnh và tất cả các loại chất thải cần xử lý cho TP.HCM, Long An và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các tỉnh thành lân cận có khoảng cách vận chuyển phù hợp sẽ phát triển theo hướng tái chế, tận dụng và thu hồi các sản phẩm có giá trị từ chất thải. Đặc biệt, khu công nghệ sử dụng công nghệ tái chế để cho ra các sản phẩm hữu ích, tái tạo năng lượng..., hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Tại Khu công nghệ Môi Trường Xanh, tỷ lệ chôn lấp dưới 9%. Với dự án này, David Dương quyết tâm đưa vào những công nghệ xử lý rác thải bền vững cho môi trường.
Ông David Dương cho biết: “Việc khánh thành cầu dẫn vào Khu công nghệ Môi Trường Xanh là bước đi đầu tiên thể hiện quyết tâm của VWS trong việc thực hiện dự án thay đổi công nghệ xử lý rác thải được Chính phủ quan tâm ủng hộ và chúng tôi đã đệ trình lên chính quyền TP.HCM. Hiện nay, chúng tôi rất nóng lòng chờ đợi thành phố bật đèn xanh để bắt tay ngay vào thực hiện dự án. Thật lòng, tôi dành hết tâm huyết cho dự án này vì mong muốn việc xử lý rác sẽ được thực hiện theo hướng tiên tiến, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam”.
Là người luôn tâm huyết với công nghệ xử lý rác thải, tháng 11 năm ngoái, David Dương từng mua 6 xe vận chuyển rác hiện đại công nghệ Mỹ, thân thiện với môi trường, tặng cho TP.HCM, Kiên Giang và Long An, mỗi xe chuyên dụng có trọng tải 10 tấn rác là 500.000 USD (trên 12 tỉ đồng).
Sau sự kiện này, David Dương cho biết, mới đây một hãng xe chuyên dụng của Mỹ đã tìm đến ông để bàn bạc kế hoạch có thể hợp tác sản xuất hoặc lắp ráp tại Việt Nam các loại xe như xe chở rác chuyên dụng, xe cứu thương, xe cứu hỏa và xe dùng trong quân đội. Là người luôn mong muốn đóng góp cho Việt Nam những công nghệ mới để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, David Dương vui vẻ cho biết, đây cũng là một ý tưởng rất đáng quan tâm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.