Chuyện vui bên vườn mai

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
04/02/2024 07:06 GMT+7

Một vườn mai rộng đến hơn 2 ha là một điều hy hữu ở thời điểm hiện tại. Vậy mà chỉ cách TP.HCM 40 km, vườn mai Tám Vui (Long Thành, Đồng Nai) là một điểm đến lý thú cho những "tao nhân, mặc khách" nhất là trong dịp tết Nguyên đán, lúc vườn mai đang nở rộ…

Tôi và anh Nguyễn Vui (Tám Vui) chơi với nhau đã hơn 20 năm. Khởi đầu từ một nhóm bạn ưa thích đàn hát nhạc bolero, sau mới biết anh là Giám đốc Công ty Vĩnh Cửu, một doanh nhân có tâm hồn nghệ sĩ. Tình thân chúng tôi càng gắn bó hơn khi cháu gái của nhà thơ - nhà báo Phạm Chu Sa (đồng nghiệp với tôi ở Báo Thanh Niên) trở thành con dâu của anh, cho nên chúng tôi thường có những dịp ngồi lại với nhau. Mỗi dịp như thế là một kỷ niệm khó quên…

Chuyện vui bên vườn mai- Ảnh 1.

Anh Tám Vui giữa vườn mai nở rộ

ảnh: NVCC

Khi đã ở tuổi về hưu, anh trao quyền điều hành công ty lại cho con trai và lui về "vui thú điền viên". Mảnh đất mà anh chọn thuộc xã Tam An (H.Long Thành, Đồng Nai) có diện tích 3,5 ha (trong đó anh dành 2 ha để… chỉ trồng mai, phần đất còn lại trồng cây ăn trái, ao nuôi cá…).

Một ngày đầu xuân chúng tôi đến thăm trang trại của anh (cùng đi có các nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, Võ Ngọc Lân). Chúng tôi đã vô cùng thích thú bởi hai bên lối đi dẫn vào khu vườn là hai hàng cau vươn cao, thẳng tắp, soi mình trong nắng sớm, làm cho những người vãn cảnh, vốn mang tâm hồn nghệ sĩ, đều liên tưởng đến những câu thơ của Hàn Mặc Tử: Sao anh không về chơi thôn Vĩ/Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/Lá trúc che ngang mặt chữ điền… (Đây thôn Vĩ Dạ). Mà quả là chúng tôi đang bắt gặp một không gian rất Huế bởi ngự chính giữa vườn, vàng rực màu hoa là ngôi nhà rường đúng chất Huế: mái ngói, cột gỗ, lót gạch tàu.

Chuyện vui bên vườn mai- Ảnh 2.

Hàng cau, nhà rường và vườn mai

Tám Vui dẫn chúng tôi đi giới thiệu từng ngõ ngách của khu vườn. Ấn tượng đầu tiên là… mai, vô số những gốc mai được trồng thành từng hàng, từng liếp. Song song giữa những liếp mai là các mương nước thả hoa sen, hoa súng và thả cả cá. Vậy là tối hôm đó chúng tôi được thưởng thức món cá lóc cuốn bánh tráng, cá trê nướng dầm nước mắm gừng… Nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng vốn kín tiếng, vậy mà sau khi có chút men, anh đọc thơ liên tục, hết Hành phương Nam (Nguyễn Bính) lại đến Hồ trường (Nguyễn Bá Trác dịch từ văn học cổ Trung Hoa). Trong cái lạnh se se đầu năm, nghe cái giọng Quảng Nam của ông Hạng sang sảng mà thấm thía: Đôi ta lưu lạc phương Nam này/Trải mấy mùa qua én nhạn bay/Xuân đến khắp trời hoa rượu nở/Mà ta với người buồn vậy thay… Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu/Mà uống không cạn mà không say/Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã/Mà áo khinh cừu không ai may…; hoặc: Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi?/Trời đất mang mang, ai người tri kỷ/Lại đây, cùng ta cạn một hồ trường…, nghe nó "đã" gì đâu!

Buổi sáng, sau khi đi ra ngoài ngõ "nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên", chúng tôi len lỏi vào những liếp mai đang nở rộ, những cánh mai còn đọng hơi sương đang run rẩy trong những làn gió đầu xuân se lạnh, như khêu gợi lả lơi với lũ bướm ong…

Chuyện vui bên vườn mai- Ảnh 3.

Một góc vườn mai

Khi quây quần bên tách trà trong nhà rường, thong thả, anh Tám Vui mới kể về vườn mai của anh: "Tôi mua đất này năm 2007, nhưng do bận bịu việc kinh doanh nên chưa ra sức chăm sóc. Đến năm 2020, sau khi đã thấm mệt bởi lăn lộn chốn thương trường tôi mới "rửa tay, gác kiếm" nhưng "ngồi không" thì "ngứa tay, ngứa chân" không chịu được. Bản tính của tôi cũng rất yêu thích loài hoa mai nên mới bày ra chuyện trồng mai. Hiện nay, sau nhiều đợt tuyển chọn và cấy trồng, vườn mai 2 ha của tôi có 4.000 gốc mai (từ 8 - 12 tuổi) và… chưa từng bán một gốc nào. Đặc biệt, các cội mai trong "Vườn mai Tám Vui" đều được tuyển chọn một cách kỹ lưỡng (không chơi hàng chợ) mà đối tượng là các chủng loại mai chất lượng cao: Hoa nhiều nụ, nở thành nhiều cánh, bung to như mai giảo Thủ Đức, hoa nở từ 6 - 12 cánh, mai Cúc Thọ Hương từ 12 - 24 cánh, các chi (cành) phải nhiều và đủ dáng - thế mạnh mẽ như cây thông Noel, phần đế (gốc) phải đủ lớn để tạo sự vững vàng cho thân và tán cây mai. Tán cây cũng là một yếu tố quan trọng để tuyển chọn, phải là loại mai có những nhánh trổ ra san sát từ dưới gốc trở lên ngọn như hình tháp (chứ cây mai mà từ gốc lên khoảng nửa thước mới ra cành thì bỏ đi). Loại mai tán dày này gọi là "mai lùm" (mai cổ thụ).

Theo kinh nghiệm của anh Tám Vui thì mai giảo Thủ Đức là chất lượng nhất, hơn hẳn các loại mai khác. "Nghề chơi cũng lắm công phu" nhưng đã "lỡ theo" thì phải theo cho trót, anh cho biết những cây mai giống anh chọn mua về trồng (loại cao cấp) thường có giá cao hơn loại "thường thường bậc trung" khoảng 2 - 3 lần. Nhưng khi trồng trong vườn, qua quá trình thụ phấn (bởi gió, ong bướm…) chúng lại lai tạp nên "có sao chịu vậy"!

Đặc biệt trong "Vườn mai Tám Vui" dù chưa bán gốc mai nào nhưng anh cũng đã quyết định giữ lại một vài gốc mai mà đối với anh là "rất đặc biệt" mà anh coi như "người thân trong gia đình". Anh đang có ý định chăm sóc, tạo dáng - thế những cội mai của mình thật ấn tượng, chỉ để trưng bày ở những công sở, dinh thự…

Không chỉ là một doanh nhân, anh Tám Vui còn mang một tâm hồn nghệ sĩ (yêu thích nhạc và thuộc nhiều bài thơ cổ). Vườn mai của anh đã đón chào khá nhiều "tao nhân, mặc khách" đến thăm (Phạm Văn Hạng, Trần Từ Duy, Phạm Chu Sa Thiên Hà, Võ Ngọc Lân, Phùng Hiệu, Kỳ Nhân…). Ngày xuân, bên chén rượu nồng, cùng nhau thưởng ngoạn một vườn mai vàng rực đang xôn xao trong gió… Quả là lý thú!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.