Chuyến xe đêm - Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền

31/01/2021 06:09 GMT+7

Xe chạy suốt đêm, chị gần như thức trắng. Kim đồng hồ nhích dần qua nửa đêm rồi chầm chậm về sáng. Mỗi lần giở ống tay áo khoác nhìn đồng hồ chị lại thầm trừ lùi giờ xe sẽ đến nơi. Cố thả lỏng cơ thể và tâm trí nhưng chị thấy mình càng tỉnh dù không phải là thắc thỏm lo lắng hay nôn nóng bồn chồn.

Hồi 7 giờ tối nhận điện thoại từ chồng: “Sao anh thấy chân tay lạnh ngắt, đau khắp toàn thân, nhức buốt phía sau cổ. Cơm canh nấu mà bỏ luôn, uống ly sữa rồi đi nằm, càng lúc càng lạnh”. Suy nghĩ nhanh trong đầu, chị quyết định gọi mua vé xe về nhà. Chị nói với các con: “Bố khỏe quanh năm, chẳng bao giờ than bệnh. Như vậy chắc trầm trọng, mẹ phải về”. Con gái chị bàn: “Hay lần này mẹ về kêu bố vô đây luôn đi”. Con trai không nói gì, cậu tới lui trong nhà một lát rồi ôm quả bóng rổ xuống sân chung cư, nói: “Con vận động một chút rồi quay lên đưa mẹ ra bến xe”.
Chỉ một đêm thôi, sáng mai mình sẽ có mặt ở nhà - là câu lặp đi lặp lại mãi trong đầu chị suốt con đường từ nhà ra bến xe rồi lên xe.
Có lẽ chị không quyết định nhanh như vậy nếu không có cuộc trò chuyện với em gái qua messenger. Cô em chốt hạ: “Bất cứ người lớn tuổi nào đều có khả năng bị tai biến. Có người triệu chứng rõ ràng để phòng nhưng có người hoàn toàn không biết, kiểu như nó đến rất lạ, bất thình lình dù tim mạch, huyết áp lâu nay bình thường. Cuộc đời luôn có những bất ngờ, chẳng ai lường được điều không may”.
Chị hiểu, cơ thể mỗi người khác nhau, sức chịu đựng riêng không ai giống ai. Hàng tỉ người trên hành tinh này có hàng tỉ vân tay khác nhau mà. Dù các tài liệu có liệt kê hết những biểu hiện của một chứng bệnh nào đó thì vẫn có những điều tiềm ẩn khó nhận biết, dễ bỏ qua. Tuy toàn bộ cấu trúc của con người được cấu thành bởi một số lượng tế bào như nhau, và ngay cả tâm lý con người cũng xoay quanh ngần ấy trạng thái nhưng mỗi người không giống nhau từ hình hài cho đến tư tưởng, kể cả cha mẹ với con cái. Như ngay lúc này đây chị không tài nào ngủ được thì giường cạnh bên tay phải là một cô gái khá trẻ. Không phải tò mò nhưng chị để ý lúc lên xe cô có mở điện thoại lướt quẹt một chút rồi cất vào túi và nằm im không cục cựa, vẻ như đang ngủ. Cho là cô không ngủ thì cũng rất khác chị là cô không xoay trở gì cả. Trong khi đó chị cứ loay hoay hết nghiêng trái, rồi qua phải, hết mở mắt rồi nhắm mắt, hết coi đồng hồ lại mở, tắt điện thoại. Bên trái là một người đàn ông trung niên. Chị nghe tiếng anh ta ngáy khi xe chưa thoát ra khỏi những con đường loằng ngoằng trong phố. Về khuya tiếng ngáy càng to khiến chị có chút ghen tị, thế gian sao mà có người sướng đến vậy chứ! Ăn được, ngủ được là tiên - ông bà xưa nói rồi. Chị nghĩ thêm, có thể anh ta đã làm chút bia rượu nên vừa ngả lưng là chìm ngay vào giấc ngủ.
Lâu lắm rồi chị không đi xe đêm. Chị sợ trắng đêm nghĩ ngợi xa gần đâm sốt ruột đường dài, cảm giác như người đi xuyên đêm trong cô độc. Bóng tối luôn thích làm bạn đồng hành với nỗi buồn, cô đơn, tâm trạng.
Thật tình, chị cố hướng suy nghĩ về những điều không liên quan đến mục đích chuyến đi mà chị biết đó là một sự lảng tránh. Thế nhưng, nghĩ ngợi mông lung đến đâu, cố né thế nào, vẫn không thoát khỏi. Anh đang nằm một mình ở nhà, lạnh run và toàn thân đau nhức. Trong chị bỗng dấy lên một niềm thương cảm và có chút hối hận vì đã năm năm rồi hai người chịu cảnh vợ chồng Ngâu. Tuy nhiên, chị không hiểu mình ân hận điều gì khi năm năm trước chị phải bỏ hết tất cả những công việc có thu nhập khá để vào thành phố khi phát hiện con trai bị bệnh. Một quyết định trong chớp nhoáng thấy con trai gầy sụt mười kí lô, thêm bàn tay cầm đôi đũa run run. Hỏi con về các biểu hiện gần và bằng quan sát rất nhạy bén, chị biết con đang có vấn đề về tuyến giáp. Y như rằng, con chị bị cường giáp, cần phải chữa trị gấp nếu không sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch.
Cứ tưởng xa nhà một thời gian rồi quay về khi bệnh tình con đã ổn, thế nhưng lửng thửng mà đã năm năm bỏ anh ở lại một mình, lủi thủi cơm nước sớm trưa chiều tối. Đôi lúc chị thẳng thắn tự hỏi lòng và rồi khẳng định một điều mà có nhiều người cho là không phải lắm: ở với con an tâm và thoải mái hơn ở với chồng. Chị không hiểu tình yêu của mình dành cho chồng đã vơi đi hay không còn nữa, hay chị chưa an tâm vì thể trạng cậu con trai.
Nhiều bạn bè chị tỏ vẻ ái ngại, sao để ổng tự lo đêm hôm một mình? Nặng nề hơn có người nói thẳng: “Vợ chồng về chiều phải bên nhau, bỏ chồng mà đi không phải đạo”, khiến chị càng thêm áp lực. Đôi lúc chị nghĩ, con người thường thích thốt ra những điều chủ quan theo họ nghĩ cho sướng miệng, tưởng là quan tâm, chia sẻ nhưng không phải. Ở trong chăn mới biết chăn có rận là thế!
Thế nhưng, dù chị tự phản biện bảo vệ mình thế nào cũng chỉ như con nhím xù lông. Ngẫm lại, người đời nói chẳng sai. Vợ chồng già tối lửa tắt đèn có nhau, con chăm cha sao bằng bà chăm ông… Những điều này luôn hành hạ tâm trí chị mỗi khi chị nghĩ về người đàn ông quanh quẩn ra vô một mình trong căn nhà rộng. Bởi vậy, thời gian thoi đưa với những chuyến xe hay máy bay đi về đôi lúc khiến chị mệt mỏi mà không tìm được hướng giải quyết. Ở với con thì nghĩ đến chồng, ở với chồng lại không an tâm về con. Thêm ý nghĩ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà (*) khiến chị càng áp lực hơn.
Tuy nhiên, bảo chồng vào ở luôn với con cái, gia đình đoàn tụ thì anh lại không chịu. Anh muốn giữ cái nhà cho con có chỗ đi về những ngày lễ tết. Vào thành phố tất nhiên sẽ bán nhà đồng nghĩa bứng luôn gốc rễ một nơi chốn tìm về. Không có quê buồn lắm! Anh còn có bạn bè, vài công việc giúp người này, người khác; vào trong đó, hàng ngày trong nhà bó gối nhìn ra, chưa chắc đã tốt hơn.
Chị lại suy nghĩ tình huống xấu nhất, nếu anh có mệnh hệ gì thì chị sẽ làm sao. Một kịch bản nhanh chóng được viết ra trong đầu. Tuy nhiên điều chị lo lắng là chắc chắn mình sẽ rất sợ. Cần phải can đảm như thế nào. Chị vốn nhát gan, hồi nhỏ chị sợ ma. Lớn lên, chị biết không có ma nhưng một nỗi sợ mơ hồ nào đó khi chị phải đương đầu với bóng tối một mình.
Vậy nhưng, lần gần nhất lúc má chị qua đời, má là người duy nhất mà chị không cảm thấy sợ khi phải ngồi một mình với bà mà ngược lại, chị thấy rất ấm áp khi ở bên má giây phút còn lại hiếm hoi của thân xác bà trên dương thế. Cũng là lần đầu tiên trong đời chị chứng kiến nghi thức khâm liệm người mất. Thấu hiểu phận người hạt bụi, tung hoành ngang dọc đến đâu ai rồi cuối cùng cũng về hòa vào lòng đất mẹ. Má chị nằm đó, trông bà thật tội nghiệp và nhỏ bé. Chị sửa soạn hành lý cho má chuyến đi cuối cùng của đời người. Xếp vuốt thật thẳng những chiếc áo dài, quần áo ngắn, chị làm công việc này cẩn thận và tỉ mỉ. Chị chợt nhớ đến những ngày đôi chân thoăn thoắt má ra vào dọn cái này, nấu cái kia, nhất là những ngày tết. Ba chị vốn thích ăn ngon và biết đãi đằng lễ nghĩa, không chỉ chuẩn bị đầy đủ trong nhà mà còn biếu họ hàng, ơn nghĩa. Tờ mờ sáng bà đã trở dậy mở cửa đi chợ sớm để mua thịt còn nóng hổi dính tay về giã chả lụa. Lúc chị còn ngái ngủ mắt nhắm, mắt mở xuống bếp thì má chị đã xắt xong thịt chuẩn bị cho vào cối đá, trong khi má đứng giã thịt thì nhiệm vụ của chị là ngồi cầm đôi đũa tém vén cho thịt không bị rơi ra ngoài. Chị nhớ chưa bao giờ chị rửa cái cối đá này vì nó nặng lắm, cả cái chày nữa, má làm hết. Mười tám tuổi chị đã đi học xa, còn trước đó cũng chỉ mình má âm thầm làm này kia mà không nhờ đến con cái. Nghĩ đến đây chị ứa nước mắt.
Hết món mặn rồi đến món ngọt cũng mình má lặng lẽ dưới bếp. Những đêm trời lạnh, học bài xong chị xuống phụ với bà khi thì canh chảo mứt đang sên đường, khi thì gói bánh đậu xanh vào giấy. Toàn những việc nhẹ nhàng. Phần nặng nhọc nhất má đã làm xong xuôi từ khi chị còn ngủ hay bận học bài. Một đời những người mẹ có gì vui ngoài việc đem lại hạnh phúc cho chồng, con. Chẳng ai đòi hỏi sự hy sinh này cả, tất thảy đều tự nguyện.
Cũng như lúc này, nhớ lại cái ngày cuối cùng má còn tỉnh táo trước khi rơi vào hôn mê rồi mất, bà đã nắm lấy tay chị và vuốt ve đôi chân chị nữa. Khi ấy bà nằm trên giường còn chị thì ngồi ghế bên cạnh nhưng chân lại gác lên thành giường cạnh chân má. Vuốt tay rồi lần xuống chân chị, bà nói: “Má thương con quá!”. Câu nói ấy mãi không thể nào quên được!
Cô gái bên phải choàng tỉnh dậy, ngồi bật lên nhìn ra bên ngoài rồi quay sang hỏi chị: “Cô không ngủ được chút nào sao?”. Tự nhiên chị thấy vui vui, cảm giác như đang đi miên man trong đêm trường với tâm trạng cô đơn lạnh lẽo bỗng gặp một đống lửa ấm áp. Chị gật đầu cười nhẹ: “Cháu ngủ được không? Cô thấy cháu nằm im quá”. Cô gái cười: “Cháu cũng chập chờn thôi, nhưng hình như có chút ngủ sâu vì cháu đang mơ thì bừng tỉnh. Giấc mơ đẹp nữa nên thấy tiếc”. Cả hai cùng cười nhẹ, rồi cô gái nằm lại, kéo chăn lên trùm đầu. Chị mong cô nối tiếp giấc mơ. Những giấc mơ đẹp thường hiếm hoi và biến mất nhanh, ít ai nhớ được mạch lạc, chi tiết câu chuyện mà đa phần chỉ là thoáng qua. Nhiều mảnh ghép thoáng qua làm nên cuộc đời dài.
Chị xem đồng hồ tay. Hai tiếng nữa sẽ về đến nhà. Chị mở điện thoại vào ứng dụng bản đồ. Còn hơn trăm cây số. Đêm tưởng dài mà nhìn lại mới đầu hôm còn ở nhà thành phố. Một đời người cộng lại có bao nhiêu đêm trắng để nhận ra sức công phá mạnh mẽ và nhanh chóng của thời gian? Mới ngày nào má kể những mối tình thời con gái, đẹp đẽ, dịu dàng, chiều chuộng, ân cần, bao dung, không hề có nỗi buồn hay nước mắt. Cũng có thể khi thuật lại cho những đứa con thì những giọt nước mắt đã được giấu đi, chỉ có tiếng cười khúc khích bên thềm hiên nhà, ngoài vườn, dưới gốc cây ô - ma nhà ngoại, cùng những lời răn đe của ông. Chị lại nhớ đến gương mặt má như ngủ khi mất, vẻ mãn nguyện và thanh thản, trông thật nhẹ nhàng.
Chị đang đi vào vùng đất tỉnh nhà. Trời dần tỏ mặt người. Xe ngừng hơi lâu ở bùng binh một thành phố. Chị nhắm mắt lâng lâng tâm trạng sắp được về nhà, một cảm giác thật khó tả khi những nơi này quá quen thuộc trong mấy chục năm đời công chức thường đi công tác của chị.
Trên xe bắt đầu lao xao vài người xuống dọc đường. Một người đang chờ xuống nói chuyện với tài xế. Câu chuyện quanh quẩn thời tiết, cơn bão vừa qua và dự kiến những ngày mưa dầm sắp đến có thể có lụt lớn.
Chị hỏi tài xế điểm dừng nơi chị xuống có xe thồ hay không. Tài xế khẳng định giọng chắc nịch: “Nhiều, nhưng nhớ trả giá kẻo bị chém đẹp”.
Chị bấm điện thoại gọi cho chồng và hồi hộp nghe chuông reng bên kia. Ban đầu chị định lặng lẽ trở về vì sợ nhỡ có tình huống xấu nhất xảy ra, không ai nghe máy, sẽ gây hoang mang cả đêm. Vậy nên chị như muốn vỡ òa vì mừng khi nghe giọng anh “A lô” có chút hơi khàn.
Chị hỏi vội: “Anh thấy trong người sao, đã đỡ chưa?”, và thở phào khi nghe anh trả lời: “Đỡ nhiều rồi”.
Lúc này chị mới nói thật: “Em về gần đến nhà lắm rồi. Anh không phải ra đón, em đi xe thồ”.
Chị hình dung được vẻ ngỡ ngàng trong câu hỏi hơi thừa của anh: “Đi xe đêm sao?”.
Khi chị vô nhà thì thấy anh vừa tắm xong. Chị thiếu điều kêu trời! Trong các tình huống giả định đặt ra, chị bỏ quên chi tiết này.
- Tối qua anh bị lạnh như vậy, sao sáng ra lại tắm?
Anh không nói gì. Vẫn cái kiểu cứng đầu của người luôn chủ quan về sức khỏe của mình.
Chị thay giày, tìm đôi dép rồi mang ba lô lên lầu. Anh bảo: “Anh đạp xe một vòng”. Chị lại ngỡ ngàng: “Có khỏe không mà đạp xe?”.
Anh không nói gì.
Chị lắc đầu không tài nào hiểu nổi, liệu có phải người đàn ông mấy chục năm của chị đó không? Vẫn bướng bỉnh và tự mình biết mình như thế. Chờ anh đạp xe về rồi cùng đi ăn sáng, chị sẽ thuật lại lời dặn của con gái kêu bố vào thành phố không ở nhà một mình nữa, dù chị biết rất khó thuyết phục anh điều này.
Giờ này ở thành phố, chị sẽ ngồi uống ly nước, ngắm mặt trời lên trên sông, bắt đầu một ngày mới. Sau đó chị sẽ vào bếp nấu thức ăn cho con gái mang đi làm, và đồ ăn sáng cho con trai. Mới xa thành phố một đêm trên xe thôi mà chị cảm thấy nhớ quá chừng cái bếp thân thiện, bộ bàn ăn ấm cúng mấy mẹ con quây quần bữa cơm chiều hay tối.
Chị nhìn quanh, mọi thứ không hay đổi, từ bộ salon, cái tủ gỗ cho đến bàn viết của anh, thân thuộc quá, như chẳng hề có năm năm chị đi xa. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà (*), thân này ví xẻ làm đôi được! Còn lại một mình, chị bâng khuâng, bởi nơi nào cũng ấm áp và thân yêu quá đỗi! 
(*) Lời bài hát Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.