Chuyện xúc động sau xe nước 'kỳ lạ' ở TP.HCM: Chủ và khách đều không nói tiếng nào

05/11/2023 11:12 GMT+7

Một xe nước 'kỳ lạ' ở trung tâm TP.HCM khi cả người bán lẫn người mua đều không nói với nhau câu nào. Đằng sau xe nước, là câu chuyện xúc động về 4 chị em bị khuyết tật không nghe nói được (câm điếc).

Đó là xe nước của "bà" Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi, anh Lộc thuộc giới tính nam, bị câm điếc và thuộc cộng đồng LGBT) nằm trước hẻm 329 đường Điện Biên Phủ (P.4, Q.3). 

Xe nước "kỳ lạ" khi mọi hoạt động mua bán đều diễn ra trong im lặng.

4 chị em không may mắn 

Một ngày đi làm thường nhật, đang dừng đèn đỏ ở một góc đường Điện Biên Phủ (Q.3), chợt ánh mắt tôi dừng lại ở một xe nước có dòng chữ "bất thường" được dán phía trước : "Tôi là người câm điếc. Xin vui lòng chỉ tay vào món cần mua!". Xe nước với đủ loại thức uống được bài trí bắt mắt.

Chuyện xúc động sau xe nước 'kỳ lạ' ở TP.HCM: Chủ, khách sao không nói tiếng nào? - Ảnh 1.

Xe nước đặc biệt của bà Lộc.

CAO AN BIÊN

Sẵn đang khát nước, tôi ghé lại hỏi thăm chủ xe - "bà" Lộc và bất ngờ khi biết người phụ nữ đối diện mình thuộc cộng đồng LGBT. Bà chủ câm điếc, không biết chữ, thật không dễ dàng để có thể trò chuyện cùng bà. May mắn thay, những người hàng xóm tốt bụng gần đó, vốn biết rõ về câu chuyện phía sau xe nước này, làm người phiên dịch cho tôi.

Bà Lộc cho biết gia đình mình có 5 anh chị em, bà là con út. Trong đó, 4 chị em gái của bà đều bị câm điếc bẩm sinh, một người anh trai cũng bị tật ở mắt và chân, không đi lại được. Cha bà mất cách đây gần 40 năm trước, còn mẹ bà cũng qua đời 2 năm nay, để lại các chị em bà bao bọc lẫn nhau trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm này.

Xe nước được bà bán gần 20 năm nay, là kế sinh nhai mà bà cùng những chị em trong nhà mưu sinh, nuôi sống lẫn nhau. Mỗi ngày, xe nước mở bán từ 12 giờ trưa có tới tối muộn. Các chị em bà, làm đủ thứ nghề tự do, từ giặt đồ, rửa chén, phụ việc… để có miếng cơm manh áo hằng ngày.

Chuyện xúc động sau xe nước 'kỳ lạ' ở TP.HCM: Chủ, khách sao không nói tiếng nào? - Ảnh 2.

Gia đình bà Lộc thuộc diện khó khăn của địa phương.

CAO AN BIÊN

“Hồi đó tới giờ, tôi bán nước nhưng không dán bảng. Nhiều người không biết tôi câm điếc nên hỏi mua nước, hoặc hỏi đường, tôi không biết ý, may mắn là người gần đó tới giúp đỡ, giải thích. Gần đây, nhiều người biết được hoàn cảnh của tôi nên có trang trí lại xe nước, dán tấm bảng này, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn", bà Lộc cho biết.

Ở xe nước này, thật là “kỳ lạ" và cũng thật dễ thương, khi cả người bán lẫn người mua không nói với nhau câu nào, chỉ dẫn tả qua hành động và ánh mắt. Anh Hồ Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ Q.10) bỗng trở thành khách quen của xe nước này nhiều tháng nay.

Anh cho biết hồi trước, anh vẫn hay đi làm trên đường này, nhưng không để ý tới xe nước của bà Lộc. Bỗng một ngày, anh tình cờ thấy tấm bảng, vì ngưỡng mộ nghị lực của bà chủ khiếm khuyết nên hễ có dịp ngang qua là anh ghé mua. Có khi, vì khát, nhưng đa phần vì anh muốn ủng hộ tinh thần chủ xe.

Tình làng nghĩa xóm

Cạnh xe nước của bà Lộc, là hàng cá của vợ chồng ông Trần Tú Hải (60 tuổi). Ông Hải, làm công nhân vệ sinh môi trường, lúc rảnh rỗi lại sang hàng cá của vợ. Ông cho biết mình là hàng xóm của gia đình bà Lộc từ xưa tới nay, vô cùng thương hoàn cảnh của các chị em.

“Đi hết hẻm này hỏi nhà có mấy chị em đều bị câm điếc, ai cũng biết. Thương lắm! Mấy chị em đùm bọc nhau sống, vợ chồng tôi bán gần cô Lộc này, giúp được gì thì giúp. Khi thì phiên dịch cho khách, khi thì bã thiếu tiền mượn mấy chục mua đồ ăn, nhưng vợ chồng tôi cho luôn, không đòi", ông bày tỏ.

Len lỏi vào con hẻm sâu 329 đường Điện Biên Phủ, tôi tìm tới tận nhà của chị em bà Lộc. Trong nhà lúc này, có 3 chị em. Căn nhà nhỏ, giản đơn, không khí im ắng khi không ai nghe nói được, chỉ có vài tiếng nói của người hàng xóm gần đó.

Chuyện xúc động sau xe nước 'kỳ lạ' ở TP.HCM: Chủ, khách sao không nói tiếng nào? - Ảnh 3.

Câm, điếc, không biết chứ, bà Lộc được những hàng xóm gần đó giúp đỡ.

CAO AN BIÊN

Bà Nguyễn Thanh Xuân (60 tuổi) sống đối diện nhà bà Lộc cho biết mình quen gia đình này từ nhỏ, vì các chị em bà ai cũng có khiếm khuyết, nên hàng xóm ai cũng thương.

“Gia đình này khổ lắm, hàng xóm có dư gì thì cho đó, phần cũng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mạnh thường quân, mà sống mấy chục năm qua”, bà Xuân nói. Kế bên, bà Trần Thị Cúc (64 tuổi), là chị ruột bà Lộc, cũng gật gù, diễn tả rằng những năm qua, gia đình bà sống trong tình thương và sự cưu mang của hàng xóm, những người tốt bụng. Đó cũng là điều bà vô cùng biết ơn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND P.4, Q.3 xác nhận gia đình của bà Lộc có 4 chị em đều câm điếc, thuộc diện khó khăn của phường. Những năm qua, gia đình được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sống trong tình yêu thương và sự giúp đỡ của hàng xóm.

Xe nước của bà Lộc vẫn cứ như vậy, đều đặn mỗi ngày mang theo gánh nặng mưu sinh nhưng cũng đầy nghị lực, lạc quan vào cuộc sống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.