Bước tiến của Thái Nguyên T&T
Năm 2019, đội nữ Thái Nguyên, nay là Thái Nguyên T&T, từng đối diện nguy cơ giải thể. Từng góp mặt ở sân chơi bóng đá nữ trong nhiều năm dưới cái tên TNG Thái Nguyên hay Gang thép Thái Nguyên, nhưng đội bóng xứ chè đã rẽ vào "đường cụt" cách đây 5 năm.
Nguồn đầu tư từ doanh nghiệp cạn dần, tỉnh không nuôi nổi CLB, khiến nhiều cầu thủ mất thu nhập. Nhiều gương mặt chọn đi làm công nhân, dẫu lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn... khá hơn đá bóng.
Tình cảnh của CLB Thái Nguyên phản ánh sự đối lập trong làng bóng đá nữ Việt Nam. Trong khi đội tuyển quốc gia được đầu tư, thì CLB nữ năm nào cũng thiếu nhà tài trợ. Nếu đội nữ Thái Nguyên rút lui, giải nữ chỉ còn 5 địa phương tham gia, gồm Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, TP.HCM và Sơn La.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của T&T Group đã đưa đội nữ Thái Nguyên trở lại đường đua. Sau khi doanh nghiệp tiếp quản đội bóng xứ chè, đãi ngộ của cầu thủ được cải thiện, chế độ dinh dưỡng, tập luyện tốt hơn so với trước đây. Nhiều gương mặt quyết định trở lại với bóng đá, giúp đội nữ Thái Nguyên T&T đủ quân số thi đấu.
Năm 2022 chứng kiến bước ngoặt lịch sử của CLB Thái Nguyên T&T cũng như bóng đá nữ Việt Nam. Đội bóng xứ chè chiêu mộ thành công hậu vệ Nguyễn Thị Mỹ Anh và tiền đạo Lê Hoài Lương từ đội nữ TP.HCM. Lần đầu tiên, bóng đá nữ Việt Nam xuất hiện định nghĩa "phí hợp đồng" (hay tiền lót tay).
Đây là khái niệm quen thuộc của bóng đá nam, nhưng với bóng đá nữ, lâu nay cầu thủ thường gắn bó với một CLB đến hết sự nghiệp, hoặc chỉ ra đi khi đội chủ quản không còn nhu cầu sử dụng. Thương vụ với Mỹ Anh giúp Thái Nguyên T&T thay đổi luật chơi. CLB có cầu thủ giỏi, còn bản thân cầu thủ có thêm thu nhập và lựa chọn.
Sau 2 năm, đội bóng xứ chè tiếp tục mang về Trần Thị Kim Thanh (đương kim Quả bóng vàng Việt Nam), Nguyễn Thị Bích Thuỳ (đương kim Quả bóng đồng Việt Nam) và Trần Thị Thu. CLB nữ Thái Nguyên T&T có lần đầu tiên về ba ở giải vô địch quốc gia trong cùng năm, phá được thế "chân kiềng" Hà Nội, TP.HCM và Than Khoáng sản Việt Nam.
Bóng đá nữ cần đầu tư bền vững
Sự xuất hiện của doanh nghiệp ở cấp CLB là rất cần thiết với bóng đá nữ Việt Nam. Bóng đá nữ không thể phát triển nếu doanh nghiệp chỉ đầu tư cho đội tuyển (thưởng, tài trợ tập huấn), mà bỏ quên đến gốc rễ, tức là giải trong nước.
Lâu nay, giải nữ được "bao nuôi" bởi một nhà tài trợ duy nhất: Thái Sơn Bắc. Còn ở cấp CLB, ngoại trừ Thái Nguyên T&T và Than Khoáng sản Việt Nam, các CLB còn lại sống bằng ngân sách của tỉnh/thành phố.
Khó trách doanh nghiệp không mặn mà với bóng đá nữ. Những khán đài trống vắng, khả năng thu lời thấp, hiệu quả hình ảnh không nổi trội... là lý do khiến các đội nữ thiếu sức hút.
Trong bối cảnh đó, việc có doanh nghiệp bỏ tiền để phát triển cho CLB đã là đáng quý. Trong những năm qua, Tập đoàn T&T Group đã tài trợ cho đội nữ Thái Nguyên, năm 2020 là 1,9 tỉ đồng; năm 2021 là 1,6 tỉ đồng; năm 2022 là 3,8 tỉ đồng và năm 2023 là 3,2 tỉ đồng.
2 năm qua, CLB Thái Nguyên T&T mang về 4 tuyển thủ quốc gia. Ghế HLV cũng có sự thay đổi, khi đội ký hợp đồng với Văn Thị Thanh - HLV nữ đầu tiên ở Việt Nam có bằng AFC Pro. Ngay ở sân chơi đầu tiên (giải giao hữu quốc tế Hà Nội), Thái Nguyên T&T đã thắng CLB Bắc Kinh, Manila Diggers và hòa CLB Hà Nội để vô địch.
Sau 5 năm đầu tư, CLB Thái Nguyên T&T đã trưởng thành và nhận được sự tôn trọng của đối thủ, nhưng đội bóng này cần một danh hiệu nữa để tạo cú hích. Cơ hội sẽ đến ở Cúp quốc gia nữ 2024, diễn ra từ ngày 28.11.
Bình luận (0)