Sự việc một chiếc xe ô tô tông vào người nghi trộm chó được xác nhận xảy ra sáng 18.10 tại con hẻm trên đường Tân Thới Nhất 17, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Theo đó, 2 người đi xe máy chở theo bao tải đựng chó đã dừng trước một căn nhà trong hẻm trên, người ngồi sau cầm theo con chó bước xuống xe, dùng chân đạp lên con chó này để rút một vật giống mũi tên cho vào bao tải.
Ngay lúc đó, ô tô mang biển số 51H-518.xx lao tới từ phía sau, tông vào 2 người này và xe máy. Sau cú tông, cả 2 người và xe máy văng về trước, bao tải đựng chó rơi xuống đường.
Người cầm lái định lên xe máy rời đi thì tài xế ô tô tiếp tục tông vào chiếc xe máy và kéo đi thêm một đoạn. 2 thanh niên liền bỏ chạy về hướng ngược lại.
Lời kể tài xế ô tô tông 2 thanh niên nghi trộm chó ở TP.HCM
Tài xế ô tô nói gì?
Theo xác minh của Thanh Niên, người lái chiếc ô tô trên là anh Đ.V.H - ngụ khu vực này. Sau sự việc, anh H. đã làm tường trình ở Công an P.Tân Thới Nhất.
Giải thích với PV, anh H. cho hay, anh vốn là người yêu quý chó và gia đình cũng bị nhiều lần mất trộm chó, đồ đạc, mất xe nên rất bức xúc.
"Sáng nay đi đường gặp 2 người đang trộm chó, tôi không kiềm chế được nên lái xe tông vào chiếc xe máy của họ. Lúc đó tôi cũng sợ bị phản kháng nhưng đang ngồi trong xe nên tôi nghĩ an toàn hơn", anh H. nói.
Cũng theo tài xế lái ô tô, anh từng chạy bộ đuổi trộm chó và bị đe dọa ngược lại, thậm chí bị tấn công ở ngay khu vực này nhiều lần. Anh cho rằng, anh điều khiển xe ô tô tông vào xe máy chứ không cố ý tông vào người nên "nghĩ mình làm đúng".
Cần cân nhắc khi bắt tội phạm quả tang
Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho hay, trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật. Có thể thấy trong trường hợp này, có thể người lái ô tô đã trực tiếp chứng kiến hành vi vi phạm đang xảy ra hoặc đang đuổi bắt người trộm chó - tức hành vi phạm tội quả tang.
LS Lê Trung Phát nhận định, trong trường hợp này, bất kỳ ai cũng được quyền bắt giữ người phạm tội quả tang để giao cho cơ quan chức năng xử lý.
"Có thể thấy, người lái ô tô đã dũng cảm trong việc truy bắt tội phạm trong tình huống này. Đây là hành động đáng khen. Thế nhưng, xét về mặt pháp lý, thì người lái xe ô tô đã sử dụng biện pháp bắt giữ người phạm tội quả tang có phần vượt quá giới hạn cho phép", LS Phát nhận định.
Theo LS, tài xế ô tô trong trường hợp này không thể sử dụng xe ô tô để tông mạnh từ phía sau như vậy, bởi dù hành động có thể ngăn chặn được sự tẩu thoát của người vi phạm, nhưng có thể tạo ra một thiệt hại vượt mức giới hạn cho phép.
"Hành động này của tài xế có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người trộm chó. Rất may, có thể hậu quả để lại cho sức khỏe và tính mạng chưa xảy ra. Chứ nếu hậu quả xảy ra, có thể người lái xe phải đối mặt với tội phạm được quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự do có hành vi "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội", LS Phát giải thích.
Điều 136 Bộ luật hình sự 2015: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a. Đối với 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;b. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Bình luận (0)