CMC thúc đẩy hợp tác công nghệ Việt Nam và Nhật Bản

Thành Luân
Thành Luân
23/05/2024 12:59 GMT+7

"Đổi mới sáng tạo" là chủ đề chính trong buổi phỏng vấn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO với Chủ tịch điều hành Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính vừa diễn ra ở Hà Nội.

JETRO đang cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài những thông tin đa dạng liên quan đến thành lập công ty tại Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc đầu tư vào Nhật Bản. Theo đó, trưởng đại diện JETRO Hà Nội Nakajima Takeo đã trực tiếp phỏng vấn và trao đổi với Chủ tịch CMC.

Toàn cảnh buổi phỏng vấn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO với Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành CMC Nguyễn Trung Chính

Toàn cảnh buổi phỏng vấn của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản - JETRO với Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành CMC Nguyễn Trung Chính

CTV

Hiện nay, hoạt động đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation) trong các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, JETRO phối hợp với Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology) thực hiện phỏng vấn với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như CMC, FPT, Momo, Next100, VNG, Ecopark về nhu cầu đổi mới sáng tạo mở. Nội dung cuộc phỏng vấn sẽ được biên soạn thành "Tuyển tập về đổi mới sáng tạo mở của Việt Nam" và sẽ được sử dụng để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Chia sẻ về một trong những lý do JETRO lựa chọn Tập đoàn CMC để tham dự cuộc phỏng vấn lần này, đại diện JETRO cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao năng lực công nghệ và vị thế của Tập đoàn công nghệ CMC. Đây cũng là doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Viễn thông lớn thứ hai tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi muốn thúc đẩy đầu tư, hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo kết quả trong một khảo sát của JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục xem Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng thứ hai (chỉ đứng sau thị trường số 1 là Mỹ). Bản chất của đổi mới sáng tạo chính là kết nối, hợp tác để thúc đẩy sự phát triển, trong đó có sự phát triển của các doanh nghiệp hai bên.

Trong gần 10 năm gần đây, hoạt động start-up của các công ty ở Việt Nam được hình thành. 5 năm vừa qua các công ty start-up có mức độ trưởng thành nhanh chóng, năng lực quản trị, quy mô gọi vốn, đội ngũ cũng có nhiều tiến bộ hơn trước. Thị trường có những đòi hỏi cao hơn. Các công ty start-up Việt Nam đang có xu hướng giảm.

Chủ tịch CMC cho biết: Công nghệ và con người là hai yếu tố quan trọng quyết định thành công hay thất bại trong các dự án start-up. Đồng thời, năng lực quản trị kỹ thuật công nghệ làm sao tạo ra được các sản phẩm dịch vụ tốt.

“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn các công ty có công nghệ phù hợp với sự phát triển của tập đoàn và nằm trong chiến lược phát triển công nghệ của CMC. Chúng tôi chú trọng năng lực kỹ thuật công nghệ của công ty đối tác cũng như các ý tưởng mới sáng tạo của các công ty. Tiếp theo là yếu tố về đội ngũ lãnh đạo có tâm huyết, dẫn dắt tốt và làm chủ các làn sóng công nghệ là điều chúng tôi quan tâm”, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ về yếu tố để lựa chọn đầu tư vào các start-up.

Bên cạnh đó, Tập đoàn công nghệ CMC đã và đang có kế hoạch mở rộng tại thị trường Nhật Bản, như tăng cường đầu tư mở rộng các trụ sở và văn phòng của CMC Japan ở 5 tỉnh lớn của Nhật Bản. Theo kế hoạch CMC sẽ phối hợp với các khách hàng đối tác Nhật Bản để phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.