"Không ai một mình có thể kéo thị trường chứng khoán đi lên"
Tại Đối thoại tháng 7 về nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 19.7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam phải được nâng lên một bước sau hơn 20 năm ra đời và phát triển.
Nhấn mạnh "không ai một mình có thể kéo thị trường chứng khoán đi lên, tất cả phải cùng nhau tiến bước, đưa thị trường lên một chặng đường phát triển mới về chất", ông Chi khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong hành trình này.
Theo ông Chi, thị trường chứng khoán chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải nhiều, tỷ trọng phải lớn trong hoạt động của thị trường. Thực tế, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khá lớn, số lượng các nhà đầu tư mở tài khoản để đầu tư chứng khoán lên tới gần 8 triệu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính trăn trở: "Trong cơ cấu các nhà đầu tư, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức ở mức rất khiêm tốn (khoảng 14% - PV). Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Phải làm thế nào để thay đổi điều này và thúc đẩy phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường?".
Nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) nhận ra từ lâu và báo cáo Thủ tướng đưa vào chiến lược phát triển thị trường chứng khoán.
"Không cần phải có 8 triệu tài khoản, chỉ cần 6 triệu, 5 triệu nhưng một nửa số đó là nhà đầu tư tổ chức thì đã rất vui lòng, rất tuyệt vời", ông Chi nói và cho rằng, muốn đạt được điều này, cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư như quỹ hưu trí tự nguyện đang được thử nghiệm.
"Cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa ra quy định rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả và nghiêm túc, vì nếu có vấn đề gì xảy ra thì hậu quả vô cùng to lớn.
Vừa rồi, Quốc hội cũng thông qua luật Bảo hiểm xã hội, giao Chính phủ quy định các quy định liên quan quỹ hưu trí tự nguyện. Khi quy định rõ ràng được thực thi, khuyến khích để huy động từ quỹ này trở thành nguồn lực đầu tư trên thị trường, đây là dư địa rất lớn", ông Chi nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng lưu ý, các đơn vị chuyên môn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chú ý và đặt trọng tâm trong các hoạt động sắp tới của cơ quan quản lý nhà nước; làm sao cởi bỏ những điều kiện ràng buộc quá chặt chẽ hoặc thay bằng điều kiện khác để hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thuận lợi hơn, tạo điều kiện để họ tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán.
'Thị trường như người mặc áo chật, cần bước tiến mới"
Đề cập sâu tới vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng vào năm 2025.
Hiện tại, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 90%. Đây là yếu tố khiến thị trường chưa ổn định, nhà đầu tư còn đầu tư theo tâm lý. "Tương tự các thị trường phát triển, muốn thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức phải chiếm 50 - 60%", bà Phương nói.
"Hiện, thị trường đã đạt được độ lớn, như người mặc áo chật, cần bước lên bước tiến mới. Ngay trong hôm nay, chúng tôi sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến lần cuối cho việc sửa đổi 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin.
Cuối tháng 7, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tại Singapore, lấy ý kiến nhà đầu tư lần cuối, trước khi ký ban hành", bà Phương thông tin.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang tiếp tục làm việc với bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Các bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Điển hình như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản; cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Bình luận (0)