Cô bé 'nấm lùn' ước mơ thành chuyên gia tâm lý

06/07/2018 06:46 GMT+7

Từ câu chuyện kém may mắn của cuộc đời mình, cô bé 'nấm lùn' Nguyễn Thị Ngọc Hân mong ước trở thành chuyên gia tâm lý để giúp những người đồng cảnh ngộ vượt qua mặc cảm.

Vất vả từ nhỏ

Gặp Hân ở ký túc xá làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dáng người nhỏ nhắn nhưng bước đi rất nhanh, tôi chạy theo và có ý muốn trò chuyện. Giọng nói nhỏ nhẹ như dáng người của em, Hân mở lời chào và nói: “Chị cần em giúp gì ạ?”.

Sau lời chào hỏi thân thiện đó, tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với em, cô bé được mọi gọi với cái tên thân thương “cô bé nấm lùn”.

Hân sinh ra ở Tiền Giang, hiện em là sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Từ nhỏ sinh ra đã không được may mắn, lớn lên em chỉ cao 1,2 m, nhưng em không mặc cảm với số phận mà đã nỗ lực từng ngày để học thật giỏi và không phụ lòng mong đợi của ba mẹ.

Gia đình Hân cũng thuộc diện khó khăn. Năm học lớp 6, mẹ sinh em bé mà bố Hân bị bệnh thoái hóa khớp lại cố gắng mưu sinh nên bệnh tình ngày càng nặng và không thể lao động được. Đấy cũng là khoảng thời gian mà tưởng chừng con đường học vấn của cô bé giàu nghị lực này đã phải dừng lại.

Tin rằng với sự lạc quan, Hân sẽ gặt hái được nhiều thành công trên bước đường sắp tới HOA NỮ

“Thấy gia đình lúc đó cái ăn cũng còn khó khăn thì làm sao em dám nghĩ đến chuyện tiếp tục đi học. Cộng với suy nghĩ không biết với ngoại hình như thế này thì học ra trường có ai nhận làm việc hay không? Nên lúc đó em đã có ý định nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Nhưng ba mẹ can ngăn, mẹ bảo khổ mấy mẹ cũng lo cho em ăn học. Nghe mẹ nói thế, em lại càng quyết tâm học thật giỏi”, Hân tâm sự.

Chính từ quyết tâm đó, cô bé nấm lùn đã phải vừa đi học, vừa tranh thủ thời gian rảnh chăm em cho mẹ đi làm và nhận đan các hàng thủ công từ lục bình để kiếm tiền phụ gia đình.

Không những thế, từ nhỏ chặng đường đi học của Hân cũng gặp nhiều gian nan. Em kể lúc còn học tiểu học, học gần nhà thì em đi bộ đến trường nhưng đến cấp 2, trường xa nhà nên em đi xe đạp. Xe đạp của em chỉ như những xe đạp dành cho trẻ, nên việc mỗi ngày đạp 5 km đến trường khiến Hân tốn rất nhiều sức lực.

“Nhiều lúc mệt quá em cũng nản, nhưng chặng đường phía trước còn dài, nếu dừng lại thì em sẽ không chạm được đến ước mơ”, Hân tâm sự.

Tốt hay xấu là do mình

Ước mơ tạo cho Hân động lực để cố gắng mỗi ngày chính là giúp được nhiều người đồng cảnh ngộ. Vì để sống mạnh mẽ và lạc quan được như ngày hôm nay, Hân đã trải qua những tháng ngày buồn tủi và mặc cảm về bản thân.


“Dù rất lạc quan nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận một số phận kém may mắn như thế này. Nên đã không ít lần em soi gương và khóc một mình, hay những lần nhìn thấy những bạn bè đồng trang lứa khác, các bạn xinh đẹp, hay thậm chí chỉ bình thường thôi là em đã thấy tủi thân. Nhưng nghĩ lại, em vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vì em còn lành lặn trong khi nhiều bạn khuyết tật khác dù họ bất hạnh nhưng vẫn sống tốt. Vậy tại sao mình lại bi quan và mặc cảm”, Hân trải lòng.

Hơn thế nữa, Hân luôn suy nghĩ: “Cha mẹ đã lo cho mình nhiều rồi. Nếu mình không sống tốt, thì ba mẹ sẽ buồn lòng như thế nào...”.

Và thế là, Hân gạt hết mọi ý nghĩ tiêu cực hay mặc cảm để sống tốt mỗi ngày. Nhưng cũng từ đó, Hân thấu hiểu được nỗi lòng của những người đồng cảnh ngộ, hoặc thậm chí những mảnh đời kém may mắn hơn: “Nếu sinh ra không được lành lặn như bao người, các bạn dễ rơi vào bi quan, bế tắc và trầm cảm. Nên ước mơ lớn nhất và luôn cháy bỏng trong em là trở thành chuyên gia tâm lý, để em có thể cùng trải lòng, tư vấn để các bạn vượt qua những vấn đề về tâm lý”.

Với ước mơ cháy bỏng đó, nhưng hiện Hân lại theo học ngành lưu trữ học vì lúc thi đại học em không đủ điểm để vào học ngành tâm lý. Dù rất buồn và nhiều lần muốn thi lại nhưng Hân nghĩ việc học và thi lại sẽ tốn nhiều thời gian và kinh phí nên lại thôi.

“Nhưng em vẫn nuôi ước mơ này. Nếu sau này ra trường, đi làm được vài năm và có tiền để lo cho ba mẹ cũng như tự nuôi bản thân, lúc đó chắc chắn em sẽ thực hiện ước mơ của mình”, Hân quyết tâm.

Theo chân em đến gần phòng ký túc xá nơi em đang ở để chia tay em ra về, trong đầu tôi cứ lởn vởn câu châm ngôn sống mà em chia sẻ: “Mỗi người sinh ra đều có một cuộc đời riêng, không ai giống ai. Nhưng dù là bất hạnh hay kém may mắn thì hãy vượt qua bằng tất cả sự cố gắng. Cuộc đời ai khi sinh ra cũng như một trang giấy trắng, tốt hay xấu đều là do mình tự vẽ lên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.