Chị Lan Anh (31 tuổi, quê Thanh Hóa) từng học đại học ngành công nghệ thông tin. Cuối năm 2011, chị không may bị phỏng nặng do nổ bình gas mini. Với sự giúp đỡ của những người hảo tâm cùng số tiền chắt chiu trong suốt 7 năm bán vé số dạo của mình, chị đã trải qua gần 10 lần cắt ghép da.
Năm 2017, cuộc gặp “định mệnh” đã kết nên duyên vợ chồng giữa chị và anh Đặng Vũ Trường Duy (làm bảo vệ, ngụ Q.12, TP.HCM). Giữa năm 2018, chị Lan Anh sinh được bé gái Đặng Ngọc Bảo Châu, tên thường gọi là Bảo Bảo (Thanh Niên Online phản ánh qua bài viết Chàng Sài Gòn quyết cưới 'cô bỏng vé số').
|
|
Chị Lan Anh cho hay khi Bảo Bảo mới ra đời, nhiều lần chị tâm sự cùng con: “Sắp tới, Bảo Bảo đi bán với mẹ nha, để mẹ có tiền mua sữa cho con. Nếu mẹ để con ở nhà, cũng không có ai trông giữ…”.
Bé Bảo Bảo bị viêm phổi vào trào ngược dạ dày, phải nằm viện cả chục ngày. Chờ cho con bớt bệnh, “cô bỏng” mới bắt đầu cuộc mưu sinh (giữa tháng 9.2018), khi Bảo Bảo được ba tháng 10 ngày tuổi. Cũng may, người ta thương tình cho chiếc xe đẩy, nên Bảo Bảo có chỗ ngã lưng dọc đường gió bụi.
|
Hầu như ngày nào cũng vậy, mẹ con “cô bỏng” rời phòng trọ lúc 7 giờ sáng và trở về khi chiều muộn. Hai mẹ con có mặt trên nhiều tuyến đường, hẻm phố thuộc các quận: 3, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận… Trung bình mỗi ngày, chị bán khoảng 100-120 tờ vé số, kiếm được hơn 100.000 đồng.
tin liên quan
Chuyện tình cổ tích những cặp 'đũa lệch': Chàng Sài Gòn quyết cưới 'cô bỏng vé số'“Bảo Bảo như biết thân biết phận, rất ngoan. Khi nào trong xe đẩy nóng quá hoặc đói bụng, bé mới khóc đòi mẹ bế”, chị Lan Anh kể. Chị chia sẻ thêm: “Nhiều người nói Bảo Bảo bất hạnh, sinh trong gia đình nghèo phải bươn chải sớm. Còn mình, vừa thấy hạnh phúc được cận kề Bảo Bảo, vừa xót xa vì bất đắc dĩ phải mang con ra đường kiếm sống trong lúc con còn quá bé. Mình chỉ mong ước sau này nuôi con nên người, cho con học hành đến nơi đến chốn, dẫu có phải khổ cực trăm bề”.
|
Sau bài báo Chàng Sài Gòn quyết cưới 'cô bỏng vé số', một số độc giả thắc mắc: “Vì sao học xong đại học ngành công nghệ thông tin, chị không làm về chuyên môn mình đã học, sẽ đỡ vất vả hơn và thu nhập cũng tốt hơn nhiều?”. Chị Lan Anh tâm tình: “Công việc nào cũng tốt cả. Quan trọng mình thấy vui. Đi bán vé số, mình tiếp xúc thấy nhiều hoàn cảnh bi đát hơn mình mà họ vẫn mỉm cười. Và nhận ra mình còn may mắn. Mình chỉ… xấu thôi, nhưng còn đi đứng được”.
Buổi tối, sau khi cho con ngủ, vợ chồng chị cần mẫn làm yaourt, rau câu. Hai người dự định thời gian đầu rao bán trong xóm và những người quen, sau đó dần mở rộng ra bên ngoài…
Dù sức khỏe, gương mặt và cơ thể bị ảnh hưởng bởi di chứng bỏng, dù mỗi ngày dầm mưa dãi nắng nhọc nhằn mưu sinh, song chị Lan Anh vẫn sống lạc quan, hồn hậu. Chị cảm kích bày tỏ: “Mình mạnh mẽ như ngày hôm nay cũng nhờ mọi người luôn chia sẻ và động viên. Mình có tình cảm rất đặc biệt với Sài Gòn này. Đây là nơi tái sinh mình lần thứ hai!”.
Bình luận (0)