Có cả trăm doanh nghiệp, vì sao Việt Á được chọn tham gia nghiên cứu kit test?

27/12/2023 14:22 GMT+7

Có cả trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, vì sao Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được chọn tham gia nghiên cứu đề tài kit test và thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng?

Sáng 27.12, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội đưa ra xét xử vụ án liên quan đến Công ty Việt ÁHọc viện Quân y. Trong số 7 bị cáo hầu tòa, có 4 người là các cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y.

Có cả trăm doanh nghiệp, vì sao Việt Á được chọn tham gia nghiên cứu kit test?- Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á và Học viện Quân y

PHÚC BÌNH

Nghiên cứu một đằng, nghiệm thu một nẻo

Cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự T.Ư cho thấy, tháng 1.2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất với Bộ KH-CN về việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu một bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus Corona.

Đề tài được Bộ KH-CN phê duyệt với kinh phí gần 19 tỉ đồng trích từ ngân sách, giao Học viện Quân y chủ trì, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) làm chủ nhiệm.

Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á lãnh 25 năm tù

Quá trình phê duyệt, vì động cơ vụ lợi, cộng thêm quen biết với bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) từ trước, ông Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN) đã yêu cầu ông Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng tham gia đề tài. Theo phân công, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình, còn Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test.

Cũng trong thời gian nhóm nghiên cứu Học viện Quân y triển khai đề tài, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt, đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) dựa trên các tài liệu y học công bố trên internet, đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất kit test.

Phan Quốc Việt chỉ đạo vợ mang bộ kit ra Hà Nội, để thượng tá Sơn chạy thử song song với bộ sinh phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu. Kết quả xác định bộ kit do Công ty Việt Á có hiệu quả tốt hơn.

Với diễn biến trên, thay vì sử dụng kết quả nghiên cứu từ đề tài, các bị cáo Hùng, Việt và Sơn thống nhất sử dụng bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp, để nghiệm thu giai đoạn 1 công trình nghiên cứu.

Bằng sự gian dối này, đề tài được thông qua (không đúng bản chất), Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho bộ kit test.

Công ty Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá, bán cho các đơn vị y tế trên khắp cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng. Phan Quốc Việt bồi dưỡng cho bị cáo Hùng 350.000 USD, cho bị cáo Sơn gần 2,5 tỉ đồng.

Có cả trăm doanh nghiệp, vì sao Việt Á được chọn tham gia nghiên cứu kit test?- Ảnh 2.

Các bị cáo Phan Quốc Việt (trái) và Hồ Anh Sơn

PHÚC BÌNH


"Đạo diễn" kit test Việt Á khai gì?

Theo cáo buộc, ông Trịnh Thanh Hùng là người có vai trò xuyên suốt từ khi đề xuất đề tài nghiên cứu đến lúc bộ kit test được thông qua. Hội đồng xét xử hỏi bị cáo này vì sao Công ty Việt Á lại được chọn tham gia đề tài.

Ông Hùng khai, trước khi Học viện Quân y có công văn đề xuất gửi Bộ KH-CN, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn gọi điện nói rằng nhóm nghiên cứu đã tiếp cận được tài liệu của các chuyên gia nước ngoài, thấy khả thi cao và đề nghị Bộ KH-CN hỗ trợ phê duyệt đề tài.

XEM NHANH 20H ngày 27.12: Người 'đạo diễn' kit test Việt Á | Bản án phúc thẩm 'chuyến bay giải cứu'

Trả lời cựu thượng tá Sơn, ông Hùng cho hay cần hợp tác với một doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 13485 (hệ thống quản lý chất lượng trang thiết bị y tế), bởi đây là điều kiện bắt buộc để Bộ Y tế cấp phép nếu việc nghiên cứu thành công. Sau khi sàng lọc, ông Hùng quyết định giới thiệu Công ty Việt Á, rồi ông Sơn và Phan Quốc Việt liên hệ, trao đổi với nhau.

Về việc tại sao lại chọn Việt Á mà không phải công ty khác, cựu Vụ phó Bộ KH-CN cho biết, thời điểm ấy nhu cầu về trang thiết bị phòng, chống dịch rất cấp bách, yêu cầu cần có kit test trong thời gian nhanh nhất, nhưng nếu chỉ Học viện Quân y làm thì rất khó. Bởi lẽ, học viện chỉ là đơn vị nghiên cứu, nếu có thành công cũng không thể cấp phép, vì không có chứng chỉ ISO như đã nêu.

Trong khi đó, tại thời điểm triển khai đề tài, với hiểu biết của bản thân, ông Hùng thấy không có doanh nghiệp nào ngoài Việt Á đủ điều kiện để phối hợp tham gia nghiên cứu. Chưa kể, theo ông Hùng, việc đưa doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu còn nhằm thực hiện chủ trương chung của Nhà nước "lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động công nghệ, đổi mới, sáng tạo".

Trình bày tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt cũng khẳng định Việt Á là một trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực trang thiết bị y tế. Việt được ông Hùng gợi ý tham gia đề tài vì thấy công ty đủ điều kiện.

Đáng chú ý, viện kiểm sát hỏi có biết Công ty Việt Á đang nghiên cứu quy trình chế tạo bộ kit test, cùng thời điểm với đề tài của Học viện Quân y hay không? Cựu thượng tá Hồ Anh Sơn khai có biết, vì khoảng đầu tháng 2.2020, tại một buổi họp ở Bộ KH-CN, ông Hùng nói rằng "cứ yên tâm làm, Việt Á sắp có sản phẩm rồi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.