Có cần phải đổi GPLX hạng B1 sau ngày 1.1.2025 không?

04/09/2024 16:05 GMT+7

Theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kể từ 1.1.2025, giấy phép lái xe hạng B1 sẽ không còn được cấp cho người điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg như hiện hành.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành kể từ 1.1.2025, với nhiều quy định mới về phân hạng giấy phép lái xe (GPLX).

Có cần phải đổi GPLX hạng B1 sau ngày 1.1.2025 không?- Ảnh 1.

Từ 1.1.2025, GPLX sẽ được chia thành các phân hạng mới (ảnh minh họa)

ẢNH: PHÚC BÌNH

Theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ năm 2008, GPLX được chia thành 13 phân hạng.

Trong đó, hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển các loại phương tiện như hạng B1.

Tới đây, theo quy định tại luật mới, GPLX được chia thành 15 phân hạng. Trong đó, hạng B1 và B2 của luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ được gộp chung thành hạng B, cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg.

Hạng B1 sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 (xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW). Điều này đồng nghĩa, kể từ thời điểm 1.1.2025, người được cấp mới GPLX hạng B1 sẽ không còn được lái xe ô tô nữa.

Có cần làm lại GPLX?

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, bản chất của sự thay đổi nêu trên là về tên gọi của các phân hạng GPLX. Theo quy định tại luật Giao thông đường bộ năm 2008, hạng B1 cấp cho GPLX ô tô. Còn theo quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hạng B1 (mới) cấp cho xe mô tô, hạng B1 (cũ) được đổi tên thành hạng B.

Vậy từ 1.1.2025 người đang có GPLX hạng B1 có phải đổi sang hạng B để được tiếp tục điều khiển ô tô hay không?

Luật sư Tâm cho hay, để tránh gây xáo trộn, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ: GPLX được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.1.2025) thì được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX.

Trong đó, GPLX hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe được tiếp tục điều khiển xe ô tô số tự động chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải dưới 3.500 kg.

GPLX hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe được tiếp tục điều khiển xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

Trường hợp GPLX cấp trước ngày 1.1.2025 mà người có GPLX muốn đổi sang GPLX theo quy định mới thì thực hiện như sau: hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động; hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.

"Người đang có GPLX hạng B1 có thể yên tâm là sau ngày 1.1.2025 (nếu GPLX còn thời hạn) vẫn được điều khiển ô tô như bình thường", luật sư nói.

Có cần phải đổi GPLX hạng B1 sau ngày 1.1.2025 không?- Ảnh 2.

Quy định mới về phân hạng GPLX nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế (ảnh minh họa)

ẢNH: PHÚC BÌNH

Vì sao thay đổi phân hạng GPLX?

Theo đại diện Cục CSGT Bộ Công an, phân hạng GPLX theo quy định hiện hành tại luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều điểm không tương thích với Công ước Vienna năm 1968 và nhiều quốc gia trên thế giới.

Ví dụ như ô tô, thông lệ quốc tế sẽ phân hạng GPLX căn cứ vào số chỗ ngồi và khối lượng toàn bộ của phương tiện, chứ không căn cứ vào hoạt động kinh doanh vận tải.

Thực tế trên dẫn tới việc đổi GPLX của Việt Nam sang GPLX quốc tế hoặc ngược lại gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, thay đổi phân hạng GPLX như quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa để phù hợp với thông lệ thế giới, vừa là nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các công ước quốc tế.

Quy định mới về phân hạng GPLX còn tạo thuận lợi cho việc công nhận GPLX của Việt Nam tại nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế và đồng bộ trong hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện trong nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.