Có cần quy định 'made in Vietnam' không?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/08/2023 07:01 GMT+7

Quy định hàng “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam) được Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018, nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành. Nhưng xung quanh việc này, cũng có nhiều quan điểm trái chiều.

"Make in Vietnam" mới quan trọng

Một trong những "điểm nghẽn" khiến việc xây dựng tiêu chí xuất xứ hàng hóa cho hàng sản xuất tại Việt Nam, theo Bộ Công thương, là do vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp (DN) xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Lúc đầu Bộ báo cáo Chính phủ xây dựng thông tư "sản xuất tại Việt Nam", thế nhưng năm 2019, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành thì phát sinh chính sách vượt thẩm quyền của Bộ Công thương nên xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.

Có cần quy định 'made in Vietnam' không? - Ảnh 1.

Quy định không rõ ràng trong dán mác “made in Vietnam” gây thiệt thòi cho hàng Việt chất lượng

ĐỖ TRƯỜNG

Trước đó, năm 2021, Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành quy định "sản xuất tại Việt Nam" sẽ chỉ tập trung đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ hàng hóa. Việc xây dựng văn bản "sản xuất tại Việt Nam" ở cấp nghị định lúc này lại không còn cần thiết nữa. Đến tháng 5.2022, Chính phủ lại đồng ý cho Bộ Công thương xây dựng quy định ở cấp thông tư, thay vì nghị định. Song có những vướng mắc về thẩm quyền ban hành đang "vênh" với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công thương. 

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương nhận định hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém. DN xuất nhập khẩu đã quen với các khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số hồ sơ; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán các thông số nên việc tuân thủ không khó khăn. Ngược lại, quy định này sẽ là trở ngại với các DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho DN. Thế nên, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, Bộ Công thương cho rằng: "Việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho DN là chưa phù hợp".

GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng làm thế nào để thu hút hàng sản xuất tại Việt Nam càng nhiều càng tốt mới là quan trọng. Việt Nam có 2 cụm từ liên quan vấn đề này mà bao năm qua cứ loay hoay không xây dựng đến nơi đến chốn cho dù ý tưởng ban đầu rất hay. Đó là "made in Vietnam", xác nhận nguồn gốc sản phẩm tại Việt Nam. Với khái niệm này, tiêu chí quan trọng nhất cần làm là cho người mua trên toàn cầu biết hàng hóa này được làm từ đâu. 

Vì vậy, theo ông, hàng gắn mác "made in Vietnam" có thể là niềm tự hào của DN từ Việt Nam, là thương hiệu sản phẩm thuộc về quốc gia và xác định Việt Nam đã thực sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong quy trình vận hành hàng hóa của thế giới. Hàng hóa thế giới chỉ cần có 3 khái niệm đơn giản: nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất tại đâu và đóng gói bởi ai. Trước đây, Mỹ đòi hỏi hàng "made in USA" phải có tỷ lệ nội địa hóa 75%, nay thấp hơn nhiều do nhiều nơi sản xuất linh kiện, các bộ phận khác nhau, nên phải đưa vào tiêu chí xuất xứ là vậy. Có mặt hàng thực phẩm chức năng A. của Việt Nam, nhưng đưa sang gia công, đóng gói tại Mỹ vẫn ghi là "made in USA".

Theo ông Vinh, ngày nay, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc trong danh sách các nước xuất khẩu hàng may mặc và da giày sang Mỹ. Những sản phẩm này tại Mỹ gắn "made in Vietnam" ngày càng phổ biến và có thể hiểu đó là thương hiệu gia công. Thế giới thay đổi nhiều rồi nên không nhất thiết phải loay hoay trong tiêu chuẩn "made in Vietnam" cho thị trường nội địa nữa. VN sau này nói nhiều về khái niệm "make in Vietnam" (tạm hiểu là hãy đến và sản xuất tại Việt Nam). Đây là khái niệm rất hay và cần thiết. 

"Make in Vietnam như một lời kêu gọi nhà đầu tư hãy đến sản xuất tại VN đi. Chúng tôi đang có nhiều thứ hay ho hấp dẫn cho nhà đầu tư, những dây chuyền sản xuất các nước định đưa vào Trung Quốc, Ấn Độ hay Malaysia, hãy nói với họ "make in Vietnam" và nỗ lực cải cách, tự tạo hấp dẫn đáng kể để mời gọi. Đó là bước đi chiến lược và Việt Nam lúc này rất cần cho một chiến lược "make in Vietnam", chứ không phải "made in Vietnam" nữa. Có được hàng hóa "make in Vietnam", thì hàng "made in Vietnam" không thành vấn đề nữa", GS Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.

Nâng tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng hàng Việt

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng, nếu đưa quy định mới mà khiến DN khó khăn hơn, tốn kém hơn trong lúc này thì hoàn toàn không nên. Chưa kể hàng gia công xuất khẩu gắn "made in Vietnam" đã rõ ràng. Thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam gắn truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ rất tốt và đang kinh doanh bán trong nước lẫn xuất khẩu. 

"Thế nên, khó làm quá thì chính sách nên tập trung hỗ trợ cho DN nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, nâng chất lượng lên là cần thiết", ông Hòa đề xuất và nhấn mạnh, thêm một bộ tiêu chí cho hàng sản xuất tại Việt Nam hay sản phẩm của Việt Nam thật ra không cần thiết. Không chỉ DN mất thêm chi phí mà Chính phủ cũng tốn nhiều công sức, tiền bạc để soạn, bàn đi bàn lại… "Câu chuyện về hàng hóa từ năm 2018 (trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19), đến nay khác rất nhiều. Chẳng hạn, với thương hiệu ti vi Asanzo, sau khi báo chí, chuyên gia nói đó là nhập từ Trung Quốc toàn bộ, chỉ lắp ráp tại VN, không thể là "made in Vietnam" được. Kế đó, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công thương soạn quy định, tiêu chí về "sản xuất tại VN" thế nào. Bây giờ có cần thiết không? Cá nhân tôi cho là không. Hãy có quy định đơn giản hơn và không tốn nhiều chi phí, bởi hàng hóa sản xuất lúc này là cần kíp để bán ra được, tăng thị phần, chất lượng, chính sách tập trung các yếu tố cạnh tranh được tại thị trường trong nước và mở rộng ra nước ngoài mới quan trọng", ông Hòa nêu quan điểm.

Từ quan điểm đó, ông Đỗ Hòa góp ý, lúc này cần một chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, tăng sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị quan trọng hơn nhiều. Và khi đó, tự khắc hàng hóa của DN nhỏ sẽ đạt tiêu chí "made in Vietnam" để bán trong nước lẫn xuất khẩu. Còn lắp ráp tại Việt Nam thì tỷ lệ nội địa bao nhiêu được công nhận là hàng sản xuất tại Việt Nam đã có chính sách, không cần quy định thêm cho rắc rối. 

Thực tế, sở hữu thương hiệu mới quan trọng, bởi thế giới tràn ngập đôi giày Nike "made in Vietnam", "made in China", nhưng người ta mua nó bởi chịu trách nhiệm về đôi giày đó cuối cùng là người Mỹ. "Nhập khẩu linh kiện hay nguyên liệu, sản xuất tại VN, tạo công ăn việc làm cho người Việt, tăng thị phần cho hàng hóa được sản xuất bởi người trong nước thì vẫn có lợi hơn khi người Việt muốn mua hàng trên Shopee, Lazada… phải chờ chuyển từ Trung Quốc về mới có. Nhập khẩu, lắp ráp bán cũng là cách tạo ra công ăn việc làm, có lãi, đóng thuế tại Việt Nam, có giá tốt hơn thì không có gì phải lăn tăn", ông Đỗ Hòa bổ sung.

Chính vì chưa có bộ tiêu chí hàng Việt trong khi chúng ta lại kêu gọi phải có hàng Việt để phục vụ thị trường nội địa. Điều này "đẻ" ra nhiều DN chỉ chuyên nhập khẩu hàng từ chiếc bánh, đến nồi cơm điện, máy xay sinh tố… từ Trung Quốc, mang về cơ sở ở nhà, đóng gói bao bì thành "made in Vietnam" để tiêu thụ. Không có tiêu chí, nhưng để bán được nhiều hàng hóa, nhiều DN lạm dụng cụm từ hàng Việt, chỉ tham gia công đoạn đóng gói bao bì tại Việt Nam, còn lại hết 80 - 90% là nhập khẩu, chất lượng không được kiểm soát, vẫn cứ gọi là hàng Việt.

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.