Cơ cấu lương ngành y như các ngành khác là bất hợp lý

24/10/2024 07:09 GMT+7

Ở nước ta lâu nay nghề y vẫn luôn được coi là nghề cao quý và vinh dự nhưng chế độ lương và đãi ngộ cho người làm trong ngành y hệ thống công lập lại chưa tương xứng là nhận định của nhiều bác sĩ khi nói về chế độ tiền lương.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, nhận định nghề y, đặc biệt bác sĩ, là một công việc lao động phức tạp, vì thế nếu cơ cấu lương cho ngành y như các ngành khác thì bất hợp lý.

Bác sĩ Tùng phân tích: "Nghề y liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, công việc gặp rất nhiều rủi ro. Các bác sĩ khi đi học đã phải học gấp đôi thời gian người khác, học phí càng ngày càng cao do chi phí cho đào tạo nghề này lớn, cần có hạ tầng cơ sở, bệnh viện thực hành, trung tâm mô phỏng… Ra trường đi làm thì tiếp xúc với môi trường bệnh tật, phải trực đêm thường xuyên, áp lực về việc chữa bệnh… Nghề bác sĩ và ngành y nói chung rất cần được trả một mức lương tương xứng. Thế nhưng cơ cấu lương của nước ta đang bị sai do nhìn nhận sai về tính chất của lao động, do đó hệ số lương của người mới tốt nghiệp quá thấp, ngang với các lao động thông thường".

Theo bác sĩ Tùng, tại Mỹ, học phí của sinh viên ngành y khoa khoảng 70.000 - 80.000 USD/năm (tương đương 1,8 - 2 tỉ đồng/năm), tuy nhiên mức lương của bác sĩ nội trú là 100.000 - 150.000 USD/năm (tương đương 2,5 - 3,7 tỉ đồng/năm). Trong khi đó tại VN, học phí ngành y thấp nhất là 30 triệu đồng/năm, cao nhất là 180 triệu đồng/năm, nhưng khi tốt nghiệp đi làm, mức lương cơ bản ban đầu ở các cơ sở y tế công lập chỉ khoảng 42 triệu đồng/năm. Phụ cấp hay tiền trực đêm thêm cũng không nhiều.

Cơ cấu lương ngành y như các ngành khác là bất hợp lý- Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM chuẩn bị buổi thực tập trong bệnh viện

ẢNH: PHẠM HỮU

Bác sĩ Võ Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM, cũng khẳng định y bác sĩ là nghề lao động phức tạp do tính chất nặng nhọc thậm chí độc hại, thời gian học tập dài, vất vả và chi phí cao, nhà nước nên có cách tính lương khác biệt so với đa số ngành nghề khác. "Khi tâm trí phải lo nghĩ nhiều về thu nhập thì sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho chuyên môn", bác sĩ Tiến nhận định.

Một hệ lụy khác, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng là: "Do lương quá thấp, không ít bác sĩ muốn tăng thu nhập bằng cách ép bệnh nhân, kê thuốc bậy hoặc một số cách tiêu cực khác vô cùng nguy hiểm đến tính mạng".

Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão (công tác tại một trường ĐH tại TP.Đà Nẵng) nêu quan điểm: "Để trở thành một bác sĩ, phải trải qua rất nhiều khó khăn vất vả từ lúc học cho tới lúc ra trường, khám chữa bệnh. Chưa kể có những tình huống rất nguy hiểm như bị người nhà bệnh nhân hành hung. Do đó, tôi mong có sự thay đổi về lương, đãi ngộ và phụ cấp cho những người làm trong ngành y, để họ có thu nhập tương xứng với đóng góp của họ".

"Ngành nào cũng vất vả và mong muốn có mức lương tốt, tuy nhiên ngành y khác biệt hơn, vì thế mong nhà nước quan tâm hơn đến thu nhập của ngành y. Các y bác sĩ phải đủ sống trước đã mới có thể có tâm, có sức để chữa bệnh cho người khác", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.