Chiều 22.5, nêu ý kiến góp ý dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Dương) cho rằng quy định cấm tuyệt đối hay có ngưỡng nào đó với nồng độ cồn khi lái xe đều "có mặt đúng, có cái chuẩn của nó”.
“Theo tôi biết, trên thế giới chỉ hơn 20 nước cấm tuyệt đối. Khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn dường như chúng ta chưa đánh giá tác động ảnh hưởng tới vấn đề truyền thống, phong tục tập quán. Thậm chí, nhiều khi muốn uống một chút rượu, bia để đảm bảo tập tục rất hay nhưng một chút lại không được”, ông Phàn nói.
Từ đó, ông Phàn đề nghị ban soạn thảo hết sức cân nhắc, chọn phương án nào cho phù hợp thực tiễn. Và nếu cần thiết thì thiết kế 2 phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tranh luận nảy lửa chuyện nồng độ cồn bằng 0
“Phương án nào đa số thì làm theo, còn phân tích thì mỗi cái đều có lý lẽ của nó”, ông Phàn đề nghị.
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng dẫn số liệu trên thế giới chỉ 23 quốc gia cấm tuyệt đối, còn các nước xung quanh Việt Nam vẫn cho phép lái xe trong ngưỡng nồng độ cồn nào đó.
“Có đại biểu dẫn số liệu từ báo cáo cho thấy 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông chứ không phải do uống rượu, bia. Say xỉn lái xe mới không làm chủ được tay lái, còn có hơi chút xíu rượu thì làm gì mà không làm chủ được. Đa phần người dân ở nông thôn đều chạy bằng xe máy, họ làm gì có tiền đi xe dịch vụ. Nên cho phép có ngưỡng nào đó với lái xe máy theo quy định của luật Giao thông đường bộ năm 2008 là phù hợp, còn cấm tuyệt đối thì quá cứng nhắc”, ông Phạm Văn Hòa nhìn nhận.
Uống ly rượu không ảnh hưởng hành vi, còn giúp cường tráng cơ thể
Tương tự, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận bày tỏ đồng tình với quy định cấm nồng độ cồn với lái xe với mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông do không điều khiển được hành vi mà bia rượu gây ra.
Tuy nhiên, ông Hận cho rằng, trong thực tế trà, rượu từ lâu đã thành một văn hóa ứng xử của người Việt. Nhưng không phải bất cứ nơi đâu, đặc biệt là các vùng quê hẻo lánh đều có phương tiện giao thông công cộng như xe ôm, grab hay taxi.
Ông Hận cũng phản ánh thực trạng khác là nhiều người uống bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở. Thậm chí, ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn.
"Có những người mặc dù uống ly rượu nhưng không làm ảnh hưởng đến hành vi mà còn có thể giúp cường tráng thêm cơ thể, như mỗi ly rượu trong bữa ăn giúp các cụ ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, khỏe mạnh hơn", ông Hận nói.
Khẳng định không có ý dung túng các hành vi lạm dụng rượu, bia gây mất trật tự an toàn giao thông, song đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị quy định tại dự thảo luật điều chỉnh thế nào để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội, từ văn hóa ứng xử đến phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hận cũng dẫn chứng việc Ủy ban châu Âu khuyến nghị các thành viên áp dụng mức cho phép thông thường không vượt quá 0,5 mg cồn/ml máu. Mỹ, Pháp thì khuyến cáo cụ thể là mỗi ly rượu làm tăng nồng độ cồn trung bình từ 0,2 - 0,25 mg, do đó, 2 ly rượu là đủ để đạt 0,5 mg cồn/ml máu, để người tham gia giao thông biết mình có thể uống được bao nhiêu ly rượu là vừa.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên ông Hận cũng đề nghị xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Cảnh (đoàn Bình Định) thì đồng tình với quy định đã uống rượu bia thì không lái xe. Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng, việc xử lý nồng độ cồn vừa qua bức xúc là bởi Nghị định 100 phạt rất nặng. "Uống một chút xíu rượu, bia cũng bị thu bằng", ông Cảnh nói.
Quốc hội thảo luận: Có nên trích phần trăm tiền xử phạt cho lực lượng CSGT?
Từ đó, đại biểu Cảnh đề nghị, sau khi luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua thì Chính phủ sửa Nghị định 100 để xử phạt nồng độ cồn theo hướng xử lý hành chính để nhắc nhở chứ không thu bằng lái. "Tôi nghĩ như vậy sẽ giải quyết được cái bất cập hiện nay", ông Cảnh nói.
Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn là vấn đề gây tranh luận kể từ khi Chính phủ trình dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cuối năm ngoái. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, luật quy định ngưỡng là 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở.
Tuy nhiên, luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019 quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm tất cả các phương tiện nói trên) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Bình luận (0)