Cổ Cò vẫn đang 'tắc'

Hữu Trà
Hữu Trà
29/10/2018 10:54 GMT+7

Dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua TP.Hội An và TX.Điện Bàn (Quảng Nam) đang xúc tiến, nhưng các cơ quan liên quan lại 'đau đầu' vì chuyện giải tỏa đền bù...

Dự án nạo vét sông Cổ Cò đã được lãnh đạo 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam xúc tiến từ nhiều năm trước với mục tiêu mở một tuyến đường thủy để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Từng là tuyến giao thông huyết mạch trải nhiều thế kỷ, con sông này từng có tên Lộ Cảnh giang.
Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, cho biết dự án nạo vét giúp mở tuyến đường thủy quan trọng kết nối Đà Nẵng - Hội An nên lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo rất sát. “Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hay liên vùng cũng cần dự án này sớm triển khai, hoàn thành để các địa phương hoạch định chiến lược, quy hoạch, đầu tư cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại…”, ông Đạt nói.
Thế nhưng, đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Phía TP.Đà Nẵng mới cơ bản hoàn thành cắm mốc, nạo vét. Ở Quảng Nam thì đang bế tắc chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Khó “quy chủ”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay TP.Hội An rất quyết liệt để dự án triển khai nhanh nhất có thể.
Dưới lòng sông bây giờ có đất vòng 1 là đất nằm trong sổ đỏ, đất vòng 2 là đất canh tác từ lâu nhưng không nằm trong sổ đỏ. Rồi thêm đất đã khai hoang, đất hoang hóa chưa ai khai hoang. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét sông Cổ Cò cực kỳ khó khăn.

Ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn


Tuy nhiên, hiện tại nhiều nơi vẫn chưa thể cắm mốc giới để tiến hành các thủ tục kiểm định, áp giá, đền bù, giải phóng mặt bằng. Còn ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND P.Điện Dương (TX.Điện Bàn), thông tin địa phương đã phối hợp với phía Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai kiểm tra sơ bộ và đã xác lập có trên 600 hồ sơ đất đai của người dân tại phường bị ảnh hưởng khi dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai.
“Phường liên tục tổ chức họp dân để thông báo về dự án cũng như công khai từng hồ sơ đất đai để người dân xác định đất có thuộc của mình hay không, nhằm tránh chuyện tranh chấp, kiện tụng sau này”.
Sông Cổ Cò bị bồi lấp từ nhiều thế kỷ, nên tại địa bàn TX.Điện Bàn, người dân 2 phường Điện Dương, Điện Ngọc tiến hành canh tác thời gian qua. Thực tế này làm phát sinh những hệ lụy về sở hữu.
“Dưới lòng sông bây giờ có đất vòng 1 là đất nằm trong sổ đỏ, đất vòng 2 là đất canh tác từ lâu nhưng không nằm trong sổ đỏ.
Rồi thêm đất đã khai hoang, đất hoang hóa chưa ai khai hoang. Công tác giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét sông Cổ Cò cực kỳ khó khăn”, ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, nhận xét về việc quy chủ (đất của ai, ai mới thực sự khai hoang) đang trở nên rất phức tạp.
Theo ông, có người khai hoang 5 - 7 năm trở thành đất nông nghiệp phụ thuộc, có người khai hoang cách đây vài năm; nhưng cũng có người khai hoang, canh tác nhưng thấy không hiệu quả lại bỏ để người khác “nhảy” vào khai thác…
So bì về mức giá đền bù, hỗ trợ
Thêm lý do khác khiến cơ quan quản lý “đau đầu” là chuyện áp đơn giá để đền bù. Bởi người dân có tâm lý so bì về mức đền bù, hỗ trợ của nhà nước rất chênh lệch, thường thấp hơn so với các dự án kinh doanh bất động sản triển khai trên cùng địa bàn.
Dự án nạo vét sông Cổ Cò, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ cùng 4 cây cầu qua sông đoạn 19 km thuộc tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư 850 tỉ đồng, trong đó T.Ư hỗ trợ 341 tỉ đồng từ Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành nạo vét sông Cổ Cò.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.