Các nước thành viên Liên đoàn Ả Rập vừa nhất trí về nguyên tắc việc thành lập quân đội chung. Ai Cập và Ả Rập Xê Út là những nước hăng hái nhất trong chuyện này.
Qua đó có thể thấy được tác động của cuộc chiến ở Iraq và Syria lẫn Yemen tới lợi ích an ninh - địa chính trị khu vực của họ. Lực lượng chung không chỉ được sử dụng vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mà cả can thiệp quân sự trực tiếp vào khủng hoảng ở các quốc gia khu vực.
Đối với Liên đoàn Ả Rập và nhiều nơi khác trên thế giới, ý tưởng lập quân đội chung không phải mới nhưng chưa được thảo luận sâu rộng đủ để trở thành định hướng chính sách. Cho tới nay, ngoài những liên minh quân sự thực thụ như NATO thì chưa có những hình thức và cấp độ liên kết quân đội của các quốc gia thành một lực lượng thực thụ. EU đã nhiều lần thất bại với ý tưởng này. Liên minh châu Phi (AU) cũng chỉ mới đạt được mức liên quân nhất thời nhằm thực thi những sứ mệnh quân sự riêng lẻ.
Ý tưởng có khả năng thuyết phục cao nhưng cả tính khả thi lẫn hiệu quả thực tế thường lại rất hạn chế. Vì thế, đối với Liên đoàn Ả Rập, việc có được lực lượng quân đội chung không có nghĩa là sự đảm bảo giúp tổ chức này giải quyết được những vấn đề chính trị an ninh đặt ra. Đồng thuận về chủ trương rồi đây sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho bất đồng về đóng góp tiền của và vật lực cho lực lượng chung, về xác định nhiệm vụ cụ thể và vai trò chỉ huy. Xưa nay, Liên đoàn Ả Rập vẫn lực bất tòng tâm như thế nên thường hữu danh vô thực.
Bình luận (0)