(TNO) Trong phần trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay 11.6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải giải đáp những câu hỏi liên quan đến Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa.
>> Cần hơn 34 nghìn tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông
>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Đề án đổi mới giáo dục: Thiếu nội dung xứng tầm
>> Thủ tướng chủ trì cuộc họp về đề án đổi mới giáo dục
ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình khi Bộ Giáo dục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí trên 30 ngàn tỉ đồng làm xôn xao dư luận. Ở đây không kiểm soát được ở chỗ khi ra phát biểu Bộ trưởng nói rằng đây không phải là ý kiến của Bộ.
|
Thứ hai, trong đề án của Bộ không trình bày con số kinh phí thực hiện thì đó là một sai sót, chắc chắn đó là một đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ đã trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lý do giải thích của Bộ trưởng có lẽ cũng chưa có sức thuyết phục?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích khá cặn kẽ: "Trong đề án trình sang Ủy ban Thường vụ QH không có vấn đề kinh phí, tức là không có con số 34 nghìn tỉ đồng".
Vì sao lại như vậy, đây có phải là thiếu sót, một sự chuẩn bị sơ sài nội dung đề án hay không, ông Luận lý giải việc này thực hiện theo đúng cách làm của QH khóa 10 năm 2000.
"Trong Nghị quyết 40 của QH khóa 10 không có vấn đề kinh phí nên hồ sơ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và trình lên Thường vụ QH xem xét trước khi trình ra kỳ họp QH là không có vấn đề kinh phí.
Giống như năm 2000, sau khi QH có Nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa, Chính phủ sẽ phê duyệt các đề án triển khai Nghị quyết đổi mới chương trình sách giáo khoa của QH và mỗi đề án đó sẽ có vấn đề kinh phí. Trong các đề án đó sẽ có một đề án về sách giáo khoa. Phê duyệt đề án thì theo đúng thẩm quyền theo quy định hiện hành.
Cách tiếp cận chuẩn bị hồ sơ trình QH năm nay theo hướng đó, do vậy nên không có nội dung về kinh phí và không có con số 34 nghìn tỉ trong đó", Bộ trưởng Luận giải thích.
“Chúng tôi thì thấy chúng tôi không có khuyết điểm gì trong việc này cả - do không có quy định về văn bản pháp luật nên chỉ có cách là căn cứ vào lịch sử QH khóa trước ở cái nhiệm vụ tương tự như vậy thì Bộ làm như vậy”, Bộ trưởng Luận nói.
Vậy con số 34 nghìn tỉ xuất hiện ở lúc nào? Ông Luận đặt câu hỏi và trả lời: Khi Uỷ ban Thường vụ QH họp để cho ý kiến về đề án này, theo chương trình đối ngoại của Bộ, tôi với tư cách là Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á cần phải chủ trì phiên họp hội đồng ở nước ngoài không về kịp và Thường vụ QH cho phép linh động cử một đồng chí Thứ trưởng đi họp. Khi báo cáo chính thức trước Thường vụ, không có có con số 34 nghìn tỉ. Nhưng khi Thường vụ QH thảo luận, có ý kiến hỏi xung quanh vấn đề kinh phí, trong tay đồng chí Thứ trưởng cũng không có con số 34 nghìn tỉ mà một đồng chí cấp vụ ngồi ở phía sau trao lên một tờ giấy. Thưa QH cũng thông cảm cho là anh em dự một phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên bị… “khớp” nên đọc ra con số đó. Con số đó chúng tôi chưa có bàn bạc, chưa có thống nhất ở bên dưới", Bộ trưởng Luận diễn giải.
"Như vậy đây là lỗi kỹ thuật. Để xảy ra sai sót như thế tôi với tư cách là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thực hiện sự ủy nhiệm của Thủ tướng cũng chưa đầy đủ gây nên một lo lắng, băn khoăn trong nhân dân. Cái lo lắng nhất của người dân tôi biết là: “Mấy anh này hay chỉ vẽ ra để tiêu tiền, rồi để thất thoát tiền nong của đất nước, của nhân dân.
Tôi xin báo cáo tất cả sự việc như vậy và không có vấn đề gì khác để QH rõ", Bộ trưởng kết thúc phần trả lời về số tiền 34 nghìn tỉ từng “dậy sóng” dư luận thời gian vừa qua.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)