Hơn 130 năm qua, hàng chục Cố Đạo Chủ, những người được thần linh 'tin cẩn' và nhân dân tín nhiệm, đã thay nhau gìn giữ an toàn những bảo vật do vua Hàm Nghi ban.
Lễ rước vua Hàm Nghi và thay Cố Đạo Chủ để giữ gìn bảo vật vua ban - Ảnh: Nguyên Dũng |
Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi may mắn được Cố Đạo Chủ đương nhiệm, người đang gìn giữ những bảo vật vua ban cho người dân xã miền núi Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), đồng ý tiếp chuyện. Cố Đạo Chủ năm nay đã gần 80 tuổi, nói rằng vì quý mến và tin tưởng chúng tôi nên ông mới tự thắp lên bàn thờ 3 nén hương và dùng 2 đồng xu bỏ trên một chiếc đĩa sứ, khất quẻ âm dương để “xin” thần linh mở bảo vật của vua Hàm Nghi cho khách chiêm ngưỡng.
Bảo vật vua ban
Vừa cho chúng tôi xem từng bảo vật, Cố Đạo Chủ vừa kể: “Theo truyền thuyết, sau thất bại cuộc binh biến kinh thành Huế (1885), trong một lần bị quân giặc truy đuổi, vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng vào ngủ lánh nạn tại đền Trầm Lâm, xã Phú Gia ngày nay. Tối ấy, vua nằm mơ, được thần linh báo mộng, chỉ cách tránh được kiếp nạn bị giặc bắt. Tỉnh giấc, vua truyền tướng Tôn Thất Thuyết và các triều thần chuẩn bị sắc phong, các lễ vật quý để tạ lễ. Sáng hôm sau, vua sắc phong đền Trầm Lâm danh hiệu “Thượng thượng đẳng tối linh thần” và ban cho người dân Phú Gia nhiều bảo vật”.
Các bảo vật vua ban, theo cụ Trần Kim Tăng (90 tuổi, ngụ xã Phú Gia), gồm: 40 đạo sắc phong, 8 bộ áo mũ triều thần và cờ lộng, 20 chiếc quạt, 2 thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thếp vàng, 1 con nghê màu đen, 1 tấm áo bào có gắn 35 lục lạc bằng đồng đen, 1 con voi bằng đồng và đặc biệt có 2 con voi bằng vàng ròng (một con nặng 2,7 lượng, con còn lại nặng 1,7 lượng).
“Theo lời kể của nhiều bậc tiền bối Phú Gia thì hơn một thế kỷ qua, những bảo vật quý của vua Hàm Nghi đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân nơi đây, ví như việc làm ăn thuận hòa, cuộc sống ngày càng ấm no và gặp nhiều may mắn”, cụ Tăng nói.
Hai thanh kiếm lưỡi sắt có cán gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thếp vàng vua ban - Ảnh: Nguyên Dũng
|
Giữ bảo vật như giữ sinh mạng mình
Ông Võ Văn Trình, Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Khê, cho rằng trải qua 130 năm nhưng bảo vật vua ban vẫn còn nguyên vẹn, không bị thất lạc là do cách làm “độc” và “lạ” của người dân Phú Gia, khi giao trọng trách này cho những Cố Đạo Chủ.
Theo ông Trình, thông lệ từ xưa tới nay, cứ 2 năm, người dân Phú Gia lại bầu Cố Đạo Chủ mới để giữ bảo vật vua ban. Cố Đạo Chủ được người dân bầu phải là người có uy tín trong cộng đồng, có đạo đức tốt, gia đình trên dưới đồng thuận, con cháu ngoan hiền. Ngoài ra, Cố Đạo Chủ còn phải là người được thần linh “tín nhiệm” bằng kết quả gieo quẻ âm dương. Cụ thể, khi gieo quẻ, nếu 2 đồng xu cùng ngửa hoặc cùng sấp trên đĩa sứ tròn, tức là thần linh không “hài lòng” thì người được giữ báu vật của vua vẫn là Cố Đạo Chủ cũ. Còn khi gieo quẻ, một đồng xu nằm ngửa, đồng xu còn lại nằm sấp trên đĩa sứ hoặc ngược lại, thì đồng nghĩa với việc được thần linh “tín nhiệm” và năm ấy sẽ có Cố Đạo Chủ mới. Người dân xã Phú Gia quan niệm, năm nào bầu được Cố Đạo Chủ mới, năm đó dân chúng làm ăn thuận hòa, ấm no và gặp nhiều may mắn hơn.
Cụ Trần Văn Chư (95 tuổi, ngụ xã Phú Gia) cho biết, trong 130 năm qua đã có 50 bô lão ở Phú Gia được người dân và thần linh “tín nhiệm” trao cho chức Cố Đạo Chủ. “Mỗi Cố Đạo Chủ có cách riêng để giữ bảo vật và đây là những bí mật “sống để dạ, chết mang theo”, người thân trong gia đình cũng không được biết”, cụ Chư nói.
Là người từng được bầu giữ chức Cố Đạo Chủ, cụ Lê Tùng (81 tuổi, xã Phú Gia) nói rằng được giao giữ bảo vật vua ban là niềm tự hào của bản thân và gia đình nên các Cố Đạo Chủ phải lao tâm khổ tứ để hoàn thành sứ mệnh. “Chúng tôi giữ gìn những báu vật này như gìn giữ chính sinh mạng của mình vậy. Không chỉ tự răn mình, những Cố Đạo Chủ như tôi còn phải răn dạy con cháu trong gia đình về ý thức gìn giữ bảo vật vua ban, giảng giải cho người thân hiểu về giá trị tâm linh, văn hóa của bảo vật để thêm tự hào về mảnh đất quê hương”, cụ Tùng nói.
Người dân xã Phú Gia vẫn kể nhau nghe về chuyện một Cố Đạo Chủ đã phải trả giá cho lòng tham của mình. Được giao trọng trách giữ bảo vật vua ban, Cố Đạo Chủ này mang con voi bằng vàng ròng nặng 2,7 lượng sang Lào đổi lấy 10 con trâu, bò. Trên đường dắt trâu, bò về nhà, ông này bị trâu húc chết. Nghe chuyện chẳng lành, sau đó người dân bên Lào đã đem voi vàng trả lại cho người dân Phú Gia.
|
Bình luận (0)