Từng một thời, sân khấu lô tô nào có cái tên “Trang Kim Sa” trên những tấm áp phích quảng cáo là y như rằng đêm đó “cháy” vé. Nhưng rồi chỉ bằng một cơn tai biến ở tuổi 65, “bà hoàng” ngày nào đành trở về với cuộc sống không nhà cửa, không gia đình, không tiền bạc.
Điều duy nhất còn lại với phận đời “pê-đê” của Kim Sa là người tri kỉ cạnh bên đến hết kiếp này.
30 năm kiêu sa dưới ánh đèn xanh đỏ
Trưa, trong cái se lạnh của Sài Gòn cuối năm, bà Hai (tên thật là Lê Thị Kim Ngân, 66 tuổi) bồn chồn ra đứng trước căn trọ ở đường số 13 (Q. Thủ Đức) để đợi bạn mình về. Nhác thấy dáng đi khập khiễng, bà Hai đã lật đật chạy tới tay dắt tay dìu bà Sa (tên thật là Ngô Văn Sang, 74 tuổi) vào nhà. Vừa đi bà vừa lo lắng hỏi: “Nay ông về trễ quá, làm tui đợi nãy giờ”.
Thấy chúng tôi thắc mắc về cách gọi ấy, bà Hai cười: “Thì với tôi, ổng vẫn là ‘ông’ mà”. Người dân trong con hẻm cũng vậy, chỉ biết đến “ông Sang vé số”, chứ hỏi cái tên Trang Kim Sa thì chẳng ai còn nhớ. Câu chuyện đời thăng trầm của cô đào chuyển giới từng “cháy” hết mình trên nhiều sân khấu gần xa cũng đã được chôn vùi hàng năm tháng.
|
Cứ đến giờ là bà Hai ra cửa ngóng chờ người bạn mình đi bán về
|
Uống vội cốc nước sau buổi đội nắng gió bán từng tờ vé số, bà Sa ngồi trầm ngâm một lúc lâu. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn đẹp với nước da trắng ngần, sống mũi cao và đôi môi trái tim chúm chím. Người ta chỉ nhận ra đó là một “người đàn ông” khi bà cất giọng nói trầm đục, bắt đầu cho một câu chuyện dài: “Đang là chính mình, đang sống với đam mê, tự dưng phải bỏ ngang, cũng tiếc cũng buồn lắm chứ…”
Bà chia sẻ, từ lúc biết nhận thức cuộc sống, bà đã nhận ra giới tính thật của mình. Nhưng bà phải cố kiểm soát bản thân, giấu nhẹm gia đình và những người xung quanh. Ngày đó chẳng ai chấp nhận việc này, bà sợ người ta biết sẽ coi bà như một con người kì dị.
“Năm 14 tuổi, ba mẹ mất hết, tôi đi nghĩa vụ quân sự, đến khi về thì lang thang làm đủ nghề kiếm sống. Nhưng mê ca hát từ lâu, lại chỉ còn một thân một mình, tôi quyết định rời Sài Gòn theo các đoàn hát bấy giờ lang bạt khắp nơi. Thời đó không đại trà, chỉ có vài ba đoàn lớn như Bích Trâm, Mây Trắng, Hải Đăng,… Cũng vì lớn mà họ không cho giả gái này kia, nên về sau, tôi cùng một số bạn đồng tính quen biết khác chuyển sang các đoàn lô tô”, bà Sang kể về những ngày tháng đầu tiên sống phận người “bóng gió”.
Bà bắt đầu nuôi tóc dài, bỏ nghệ danh cũ là Nhật Huy và đặt cho mình cái tên Trang Kim Sa đầy kiêu sa. Đêm đêm, Kim Sa tô điểm phấn son, giả gái thướt tha say mê hát dưới ánh đèn đỏ xanh lấp lóa. Cứ vậy bà cùng các chị em sống rày đây mai đó, đem tiếng gọi những con cờ và phận “pê-đê” của mình tìm vui cho thiên hạ.
|
|
Bà Hai ân cần chăm sóc bà Sa
|
Không lâu sau, Kim Sa quyết định chuyển giới, vì quá “thèm được làm con gái”. “Mà ngày xưa làm gì hiện đại như bây giờ. Tự mấy chị em mua thuốc, mua kim về làm cho nhau. Rồi sức khỏe bị ảnh hưởng, có người… đã chết không lâu sau đó. Nhưng khát khao được sống với bản năng của mình lại lớn hơn nhiều, nếu không thì có khác gì chết đâu”, bà Sa bộc bạch.
Chuyển giới xong, bà Sa trở thành “bà hoàng” của các đêm nhạc vì nét đẹp lộng lẫy và giọng hát “chết người” của mình. Thời kì hoàng kim trong sự nghiệp, các đêm diễn “cháy” vé vì cái tên Trang Kim Sa. Cũng vì đó mà nhiều người con trai theo đuổi bà. Trải qua nhiều mối tình, nhưng khắc cốt ghi tâm với bà chỉ có duy nhất người con trai tên Tú.
“Tôi và Tú thương nhau, lúc tôi vẫn còn trong thân xác đàn ông. Tú đưa tôi về nhà ở, nhưng mọi người chỉ nghĩ chúng tôi là bạn bè. Trớ trêu thay, em gái Tú lại thương tôi. Tôi đành phải ra đi…”, nói đoạn, đôi mắt buồn sâu hoắm của bà bỗng xôn xao. Rồi bà cao giọng cất lên một bài “tủ” năm nào: “Thật đớn đau trái ngang lòng tôi mang/Cùng cội đá tôi chết giữa ngàn khơi/ Giọt đắng cay thấm tan vào không gian/Hồn ta vỡ chẳng tan đời ngả nghiêng…”
Giọng hát đã từng vẫy vùng 30 năm từ Nam chí Bắc, giờ sao đứt quãng, trôi tuột vào khoảng không bé nhỏ của căn trọ đầy đồ đạc.
Mỗi ngày, bà Hai đi giúp việc, sau đó về nhà lo cơm nước
|
Thương bạn cưu mang, bà Sa đi bán vé số kiếm đồng ra đồng vào
|
Vẫn còn tri kỉ bên đời
Cái nghiệp lô tô gắn với cô đào Trang Kim Sa cũng hơn nửa đời. Cho đến một ngày, cơn tai biến ập đến ngay lúc bà đang đi diễn. Căn bệnh đột ngột làm bà bị liệt nửa người, đành ngậm ngùi giã từ sân sấu ở tuổi 65.
Ở lại đoàn nhưng chẳng phụ giúp thêm được gì, chỉ nằm một chỗ làm vướng tay vướng chân mọi người, nên bà Sa báo về cho người chị dâu ở Sài Gòn. Bấy giờ, bà Hai ở cạnh nhà mới nghe tin, liền tức tốc đón người bạn mình về, thuê căn nhà nhỏ chỉ độ đâu 4 mét vuông ở ngoại ô Sài Gòn để sống.
“Nhà sát vách, chơi với nhau từ hồi ở truồng tắm mưa, chia nhau từng cái kẹo. Hồi ổng đi lính, tôi lên thăm, ổng cự nự thăm chi mà thăm miết. Mà hễ gặp là bảo thèm ăn này thèm uống kia, hỏi coi tôi không lên sao đặng. Vậy đó mà về chưa bao lâu, ổng bỏ Sài Gòn đi biệt xứ, mãi cho tới lúc bệnh tôi mới hay tin. Giờ tôi không chồng con, ổng không gia đình, thôi thì thân già nương nhau mà sống vậy”, bà Hai bồi hồi nói chuyện xưa và quyết định của mình.
Cũng đã đi quá “60 năm cuộc đời”, chật vật mưu sinh trong trăm nỗi khó khăn, vậy mà bà Hai vẫn “cả gan” nhận người bệnh về ở cùng. Ban đầu, bà vẫn tiếp tục phụ bán quán ốc ở Phú Nhuận để kiếm sống, 1 tháng về thăm bà Sa có 1 – 2 lần.
Hai “ông bà” quây quần bên nhau trong căn trọ nhỏ
|
Chú chó này đã theo chân cô đào Trang Kim Sa gần chục năm đi hát
|
Phận đời “pê-đê” của Kim Sa cuối cùng chỉ còn lại người tri kỉ cạnh bên đến hết kiếp này
|
Cho đến một lần, bà nghe hàng xóm rỉ tai nhau là “ông Sang ngày nào cũng đi bán vé số”, nước mắt bà tự rớt không ngưng được. “Kêu ổng nghỉ mà ổng quyết không nghỉ, tôi bỏ việc về đây luôn. Lo cho ổng bữa cơm, bữa cháo, để ổng một mình tôi không tài nào an tâm được”, bà Hai hạ giọng.
Giờ đây mỗi ngày, khi trời tờ mờ sáng là 2 “ông bà” đã lục đục dậy. Bà Hai tranh thủ đi phụ việc cho 1 nhà gần đó, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Còn bà Sa chân thấp chân cao chậm chạp đi khắp nơi bán vé số, cao lắm 1 hôm cũng chỉ 100 tờ. Ấy là chưa kể cứ bị đám cướp giật lấy mất vé số hoài.
Trưa trưa chiều chiều, “ông bà” lại trở về căn nhà ọp ẹp. Bà Hai nấu cơm, bày trên ghế xếp, 2 người vừa ăn vừa thủ thỉ. Cạnh bên là chú chó già được xem như một thành viên trong gia đình.
Chú chó ấy đã từng theo chân bà Sa rong ruổi kêu cờ khắp nơi. “Bệnh về không xách nổi cái gì hết, vậy mà vẫn ráng ôm nó theo đó”, bà Hai lắc đầu cười. Chắc bà Sa muốn nhìn nó mà nhớ ngày xưa…
Suốt cả câu chuyện, chúng tôi chỉ nghe bà Hai nói về “bạn thân”, “bạn già”, “thương ổng như tri kỉ vậy thôi”. Cho đến cuối cùng, như cảm thấy chẳng giấu được lòng mình nữa, bà Hai mới gật đầu: “Ừ thì ngày xưa tôi yêu ổng mà. Còn ổng yêu ai thì Trời định, ổng chỉ sống đúng con người mình thôi…”
Vậy đó, cũng là tình yêu.
Bình luận (0)