Quen nhau qua mai mối
Chị Lê Thị Kim Dung (37 tuổi, quê ở Nghệ An) có chồng là anh Kim Junil (50 tuổi, người Hàn Quốc). Chị Dung hiện là kinh doanh và sống cùng gia đình chồng ở TP.Uijeongbu, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
13 năm trước, chị từ Nghệ An vào TP.HCM làm việc, tình cờ lúc đó anh cũng đến Việt Nam công tác. Hai người quen nhau qua mai mối khi dì của chị quen biết với cậu của anh. Từ lời giới thiệu của những người thân quên, cả hai gặp mặt và có những cuộc trò chuyện đầu tiên.
Họ nhận ra đối phương có sức hút đặc biệt, mới mẻ qua những những cuộc gặp gỡ, dòng tin nhắn điện thoại. Một năm trôi qua, anh chị chính thức trở thành người yêu. 5 tháng sau, họ nên duyên vợ chồng.
Tuy nhiên, để có thể về chung một nhà như hiện tại, cả hai cũng gặp đôi chút khó khăn. Bố mẹ chị không thích con gái lấy chồng xa vì sợ vất vả nhưng không phản ứng gay gắt. Nhìn anh quan tâm và chăm sóc chị, gia đình dần đồng ý, chấp nhận để con gái theo chồng về Hàn Quốc.
"Anh ấy hiền còn tôi thì ngược lại, tính nóng như lửa. Tôi quyết đoán bao nhiêu thì anh lại trầm tính bấy nhiêu, cả hai bù trừ cho nhau. Lúc đầu tôi vẫn tính ở lại Việt Nam vì công việc nhưng khi mang bầu được 2 tháng, vợ chồng tôi quyết định về Hàn Quốc sinh sống", chị chia sẻ.
Người phụ nữ Việt chia sẻ, cuộc sống ở Hàn Quốc khá thoải mái, chị luôn là người chủ động trong sinh hoạt hằng ngày còn anh luôn hỗ trợ.
"Tuy nhiên có một điều mà tôi phải làm thay anh là lái xe. Bình thường công việc của anh rất bận rộn nên việc lái xe đường dài anh không muốn. Thêm nữa, anh không lãng mạn cho lắm. Trong gia đình tôi là người chủ động và quyết định mọi việc. Tôi rất tôn trọng nên muốn hỏi ý kiến chồng nhưng anh toàn đồng ý nên có lúc chán không muốn hỏi nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà tôi có thể rèn được tính mạnh dạn hơn", chị cười nói.
Bí quyết sống chung với mẹ chồng Hàn Quốc
Thời gian đầu khi sang Hàn Quốc sinh sống, chị khá chật vật vì những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống... Nhiều nàng dâu và mẹ chồng thường khó tìm tiếng nói chung. Chị Dung cũng gặp những vấn đề này nhưng luôn biết cách dung hòa để gia đình êm ấm.
"Mẹ chồng cũng muốn ăn thử đồ ăn Việt Nam nhưng có vẻ chỉ thích món cá kho, rau luộc còn những món đặc trưng mẹ chồng lại không ưng. Khẩu vị mọi người trong gia đình khác nhau nên nhiều khi mình nấu ăn một mình cũng không vui", chị bày tỏ.
Với việc nuôi dạy con cái, gia đình chị đã có những thỏa thuận trước khi về làm dâu, đó là con dâu được đi làm, bố mẹ chồng tôn trọng ý kiến trong vấn đề nuôi dạy con cái...
"Ngoài những điều chưa hợp ý thì bố mẹ chồng tôi khá tốt tính, chiều con dâu. Tôi vẫn nhớ lúc mang bầu, sợ tinh thần bị ảnh hưởng nên bà rất quan tâm, yêu thương. Tôi nhận ra, để gia đình luôn yên ấm thì lúc mẹ chồng nói mình lắng nghe trước rồi thể hiện ý kiến cá nhân sau. Vì cả hai cùng lên tiếng không khác gì mẹ con cãi nhau, tôi luôn dành sự tôn trọng với mẹ chồng", nàng dâu Việt bày tỏ.
Vợ chồng chị Dung có một con trai, năm nay học lớp 6. Lúc mới sang Hàn Quốc, chị bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Sau đó, vì lý do quản lý công nợ không được tốt và muốn dành nhiều thời gian cho con nên chị tập trung vào mảng giáo dục, nuôi dạy con cái.
Anh Kim Junil bày tỏ, chuyện lấy vợ người Việt Nam là duyên số. Thời gian trước anh không có ý định lấy vợ nhưng khi gặp chị Dung, hai người dường như có sợi dây kết nối với nhau từ trước.
"Vợ tôi rất thông minh, dù công việc khá bận bịu nhưng luôn chăm lo cho gia đình, con cái. Con trai tôi đã lớn nên cuộc sống khá nhẹ nhàng. Tôi vẫn thường xuyên phụ vợ làm việc nhà như sắp xếp quần áo, đồ đạc trong nhà... Tôi rất thích các món ăn Việt Nam như bún đậu mắm tôm, bún riêu…", anh nói thêm.
Bình luận (0)