Có đề xuất học lại chương trình năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT nói gì?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/05/2022 16:29 GMT+7

Trong kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cử tri của một tỉnh cho rằng cần mạnh dạn quyết định cho học lại chương trình của năm học 2021-2022 đối với các đối tượng không đảm bảo chất lượng do yêu tố khách quan.

"Mạnh dạn cho các em học lại chương trình"

Cử tri tỉnh Bạc Liêu lo lắng chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng do học trực tuyến kéo dài trong năm học 2021-2022, và kiến nghị: “Trong trường hợp cần thiết, mạnh dạn quyết định cho các em học lại chương trình của năm học 2021 - 2022 đối với các đối tượng xét thấy không đảm bảo chất lượng do yêu tố khách quan”.

Trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận quá trình dạy học trực tuyến tại một số cơ sở giáo dục hiệu quả chưa cao do nhiều học sinh chưa tập trung, kỹ năng quản lý của giáo viên và sự phối hượp của phụ huynh trong quá trình tổ chức dạy học còn nhiều hạn chế. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng việc tổ chức chức dạy học trực tuyến.

Bộ trưởng GD-ĐT cũng nêu nhiều giải pháp đã được triển khai để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến đã áp dụng trong năm học này đồng thời nêu các yêu cầu, chỉ đạo về việc tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện tình hình mới.

Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục dành thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp trong những ngày đầu học sinh quay lại học tập tại cơ sở giáo dục; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh…

Bộ GD-ĐT cũng cho biết khi học sinh trở lại trường, Bộ tiếp tục yêu cầu không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng tránh dịch bệnh.

Theo Bộ GD-ĐT, đến tháng 2.2022, 100% các tỉnh, thành phố đã hoàn thành kế hoạch học kỳ 1 năm học 2021-2022. Như vậy, về cơ bản các địa phương đã đáp ứng được kế hoạch triển khai học kỳ 1 năm học 2021-2022.

“Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo các quy định của Bộ GD-ĐT, nếu học sinh không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu sẽ phải học lại chương trình”, văn bản trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Đề xuất kéo dài năm học

Cử tri tỉnh Vĩnh Long băn khoăn việc học trực tuyến chưa đảm bảo các em học sinh nhận được đầy đủ kiến thức mà giáo viên truyền tải. Do đó, cử tri kiến nghị có thể kéo dài thời gian năm học và cần có phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng vùng, miền.

Cử tri TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo thống nhất về việc giảng dạy, ôn tập, thi cử cuối năm học 2021-2022.

Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng cho biết khung kế hoạch thời gian năm học đã giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định kế hoạch thời gian năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương (bao gồm cả thời gian tựu trường và thời gian kết thúc năm học).

"Đối với những địa phương không thể hoàn thành trước ngày 30.6.2022 vì lý do bất khả kháng cần kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022", Bộ GD-ĐT nêu đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.