Có đến 40 nhãn thuốc lá dưới 10.000 đồng, tiêu thụ thuốc lá tiếp tục tăng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
25/07/2024 16:51 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng, thuế thuốc lá tăng nhanh hơn mức thu nhập sẽ làm giảm tỉ lệ người hút thuốc lá tại Việt Nam.

Giá thuốc lá thuộc nhóm thấp nhất

Theo thông tin tại hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là về chính sách thuế do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức vào ngày 24.7, với 15,6 triệu người hút thuốc (GATS 2015), Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất.

Mỗi năm, cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong toàn quốc nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỉ đồng (tương đương 1,14% GDP, năm 2022).

Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16.400 tỉ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5.900 tỉ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỉ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra, hàng năm còn phải kể đến 49.000 tỉ đồng cho mua thuốc lá hút.

Có đến 40 nhãn thuốc lá dưới 10.000 đồng, tiêu thụ thuốc lá tiếp tục tăng- Ảnh 1.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam

HOÀNG SƠN

Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.

ThS Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện HealthBridge Việt Nam, cho biết thuế thuốc lá Việt Nam tính theo phần trăm giá bán lẻ rất thấp với 38,8% (2020), trong khi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (59% giá bán lẻ); khoảng một nửa so với khuyến cáo của WHO (75% giá bán lẻ).

Mức thuế này đưa Việt Nam vào số các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trong khu vực Thái Bình Dương.

Hiện thị trường Việt Nam tồn tại nhiều loại thuốc lá giá quá rẻ với khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá trong nước có giá bán dưới 10.000 đồng/gói.

Bà Nguyên nhận xét: Việt Nam hiện áp dụng hệ thống thuế tỷ lệ tính trên giá bán của nhà sản xuất (giá xuất xưởng). Hệ thống thuế này tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, tạo kẽ hở để thao túng cơ sở tính thuế (ví dụ chuyển giá), dẫn tới giảm doanh thu thuế và tiêu thụ thuốc lá tiếp tục tăng.

Làm tăng khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá nên người hút thuốc có thể dễ dàng chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn thay vì bỏ thuốc lá, tiêu thụ thuốc lá tiếp tục tăng.

Hạn chế nữa là tạo điều kiện khuyến khích các nhãn hiệu thuốc lá rất rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương về giá như thanh niên và người nghèo.

Cần tăng mạnh mức thuế thuốc lá

ThS Nguyễn Hạnh Nguyên đánh giá: Đặc điểm chung các lần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá là mức tăng thuế thấp; tăng không thường xuyên; khoảng cách giữa các lần tăng thuế xa.

Từ năm 2006 - 2024, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuốc lá chỉ tăng 20%, tương đương mức tăng trung bình gần 1,1%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 4-5%.

Giá thuốc lá ngày càng rẻ đi so với thu nhập, sức mua thuốc lá gia tăng. Chỉ số giá thuốc lá tính theo % thu nhập (RIP - còn gọi là phần trăm thu nhập cần thiết để mua 100 bao thuốc lá) có xu hướng giảm đều từ 2010-2020, phản ánh giá thuốc lá đang ngày càng dễ chi trả, sức mua thuốc lá gia tăng.

Có đến 40 nhãn thuốc lá dưới 10.000 đồng, tiêu thụ thuốc lá tiếp tục tăng- Ảnh 2.

Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mức giá chi trả cho 1 bao thuốc lá hầu như không thay đổi sau 10 năm

HOÀNG SƠN

Đơn cử từ năm 2021-2022, sản lượng thuốc lá đã tăng đáng kể từ 6,4 tỉ bao lên 6,8 tỉ bao. 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022.

"Thuế thuốc lá ở Việt Nam còn rất thấp, nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể. Để thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành xuống dưới 36% vào năm 2030, cần áp dụng hệ thống thuế hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới", bà Nguyên nói và đề xuất, cần bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ (cơ cấu thuế hỗn hợp); tăng mạnh mức thuế thuốc lá, tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; thuế thuốc lá cần được tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng đồng quan điểm rằng thuế thuốc lá tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010-2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019). Thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.

Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá; chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc (50% còn lại là từ các biện pháp khác, như: thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…).

Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

Vì thế, bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển đổi sang phương thức áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là hết sức cần thiết nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.