Tôi dự định mua căn nhà với giá thực tế là 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, bên bán nhà đề nghị ghi trong hợp đồng mua bán để ra công chứng với giá chỉ 700 triệu đồng, mục đích để họ được giảm tiền thuế thu nhập cá nhân.
Tôi không an tâm với lời đề nghị trên, nhưng lại rất thích căn nhà. Để tránh rủi ro sau này nếu bị tranh chấp, tôi có thể mời thừa phát lại đến lập vi bằng về việc mua bán nhà trị giá 2 tỉ đồng được không? Nếu bị kiện ra tòa án, tôi nộp vi bằng mua giá thực tế 2 tỉ đồng, thì có bị xử lý tội trốn thuế? Chi phí cho lập vi bằng là bao nhiêu?
Bạn đọc Mạnh Đức.
Chuyên gia tư vấn
Ông Hoàng Đức Hoài, Phó trưởng văn phòng Thừa phát lại Miền Nam, tư vấn: Theo thông tin bạn cung cấp, các bên dự định xác lập hợp đồng mua bán nhà "giả tạo về giá" nhằm trốn tránh một phần nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ cho nhà nước. Căn cứ điều 124 bộ luật Dân sự, thì giao dịch giả tạo về giá 700 triệu đồng sẽ bị vô hiệu.
Nếu cơ quan thuế nhận thấy số tiền trên hợp đồng mua bán đã công chứng "không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường", thì bên bán có thể bị cơ quan thuế ấn định tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp (điều 14 và điều 15 Nghị định 126 năm 2020 của Chính phủ).
Trường hợp cơ quan thuế có căn cứ xác định giá thực tế mua bán là 2 tỉ đồng, bên bán có thể bị xử phạt 1 - 3 lần số thuế thu nhập cá nhân đã trốn, và phải nộp bổ sung số tiền thuế đã trốn (điều 17 Nghị định 125 năm 2020). Nếu số tiền trốn thuế từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế…, thì có thể bị xử lý tội trốn thuế theo điều 200 bộ luật Hình sự.
Cũng theo ông Hoài, việc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, gây thiệt hại cho nhà nước, nên căn cứ vào khoản 6 điều 37 Nghị định số 08 năm 2020 của Chính phủ, thừa phát lại sẽ từ chối lập vi bằng.
"Nếu bạn giao dịch với 2 mức giá chênh lệch nêu trên, dễ dẫn đến tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Việc ghi giá thấp trên hợp đồng cũng chủ yếu giúp bên bán được hưởng lợi, theo tôi bạn không nên làm vậy", ông Hoài nhấn mạnh.
Trên thực tế việc giao dịch nhà đất hiện nay, hợp đồng công chứng chỉ chứng nhận những nội dung ghi trong hợp đồng, chứ không chứng nhận bên mua đã giao đủ tiền cho bên bán nhà.
Do đó, để tránh phát sinh tranh chấp về sau này, bạn và người bán có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên hoặc thanh toán qua ngân hàng.
Khi ấy, vi bằng được lập sẽ là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi các bên kiện nhau ra tòa. Chi phí lập vi bằng do người yêu cầu và văn phòng thừa phát lại thỏa thuận (điều 64 Nghị định số 08).
Bình luận (0)