Cô gái 25 tuổi tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ: Quyết định đụng 'dao kéo' cần lưu ý gì?

07/12/2022 09:39 GMT+7

Cô gái 25 tuổi tử vong khi đi phẫu thuật thẩm mỹ đã khiến cho dư luận hoang mang. Vậy các bạn trẻ có dự định phẫu thuật thẩm mỹ, trước khi đưa ra quyết định đụng đến “dao kéo” cần phải lưu ý những điều gì?

Báo Thanh Niên ngày 6.12 có đưa tin: "Cô gái 25 tuổi tử vong sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ" nêu trường hợp một cô gái tên N.T.P. (25 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center.

Sau khi vụ việc xảy ra cơ sở trên đã nhanh chóng “bốc hơi” khiến nhiều người hoang mang, đặc biệt là các bạn trẻ có dự định phẫu thuật thẩm mỹ.

Nếu có ý định phẫu thuật thẩm mỹ người trẻ nên đến các bệnh viện lớn, uy tín để được các bác sĩ trực tiếp thăm khám, tư vấn.

KIM NGỌC NGHIÊN

Người trong cuộc kể gì?

TikToker Bánh Cam tên thật là Nguyễn Ngọc Quyên (25 tuổi) cho biết cô từng trải qua một cuộc phẫu thuật mũi để cải thiện ngoại hình hồi năm 2020. Ngọc Quyên cho biết bản thân cô không tìm hiểu quá nhiều địa chỉ thẩm mỹ mà được sự giới thiệu của một người bạn từng có trải nghiệm sửa mũi trước đó thành công.

Cơ sở thẩm mỹ tháo biển hiệu, 'biến mất không dấu vết' sau vụ cô gái 25 tuổi tử vong

“Khi tìm đến bác sĩ mình không yêu cầu phải làm dáng mũi như thế nào mà phải làm sao tương thích với mũi thật và cân đối với gương mặt. Mình không đi tìm sự hoàn hảo mà chỉ tìm sự phù hợp. Hãy đến gặp bác sĩ để được trực tiếp tư vấn dáng mũi, sụn…Nếu bạn còn lo lắng, sợ đau thì hãy tạm gác lại việc phẫu thuật thẩm mỹ bởi vì khi bản thân thật sự thoải mái, thật sự đón nhận thì mới đạt được kết quả tốt nhất”, Ngọc Quyên chia sẻ.

Cũng từng trải qua việc phẫu thuật mũi hồi năm 2019, Lương Thị Ngọc Quý (32 tuổi) nhân viên làm việc tại cửa hàng đồ chơi My Kingdom trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) cho biết đã tìm đến bệnh viện để gặp trực tiếp bác sĩ thăm khám trước khi tiến hành phẫu thuật. Quý cho biết cô phải mất khoảng 1 tuần để nghỉ dưỡng tại nhà để cơ thể ổn định, việc thở bằng miệng và những cơn đau ở tai do lấy sụn là điều không thể tránh khỏi.

Theo Ngọc Quý, việc phục hồi sau phẫu thuật mất nhiều thời gian và cần một nền tảng sức khỏe tốt trước đó mới có thể chịu đựng nổi. Rồi Quý đưa ra lời khuyên: "Hãy lựa chọn những bệnh viện lớn để được làm các xét nghiệm, thăm khám sức khỏe thật kỹ nhằm loại bỏ những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau".

Đã có nhiều ca tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ

DUY TÍNH

Tại sao các ca tử vong đều diễn ra ở các cơ sở thẩm mỹ nhỏ, lẻ?

PGS-TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), nói: "Hiện nay, có một số trung tâm thẩm mỹ, spa… có đội ngũ nhân viên không phải là bác sĩ, nhân viên y tế… được đào tạo chuyên môn và không đủ kinh nghiệm để làm phẫu thuật. Người dân thường tìm đến những nơi này từ những lời quảng cáo phi thực tế, đến nơi lại bị thao túng tin vào lời mời gọi, hứa hẹn để rồi đánh đổi sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, hiện nay quá trình quản lý của nhà nước còn lỏng lẻo khiến một số điểm làm đẹp, spa không đủ các thiết bị máy móc, kiến thức biến tướng thành nơi phẫu thuật thẩm mỹ".

Theo ông Hùng, người dân trước khi có mong muốn thực hiện một ca phẫu thuật thẩm mỹ thì phải tìm hiểu kỹ về người thực hiện phẫu thuật cho mình phải là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và phải chính bác sĩ đó tư vấn cho mình, không chấp nhận một nhân viên tiếp thị nào tư vấn cả.

PGS-TS Đỗ Quang Hùng cũng cho biết các phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, các phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ chỉ được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật ở vùng mặt theo danh mục kỹ thuật đã được ngành y tế duyệt và chỉ thực hiện gây tê tại chỗ chứ không được dùng thuốc tiền mê hoặc gây mê toàn thân.

"Các phẫu thuật phức tạp hơn và việc tiền mê hoặc gây mê cục bộ chỉ được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình. Sở dĩ các cơ sở thẩm mỹ, spa không được gây mê bệnh nhân vì đây là khâu quan trọng trong một cuộc phẫu thuật, nếu như không kiểm soát đường thở tốt thì sẽ gây nguy kịch cho bệnh nhân", ông Hùng cảnh báo.

Cũng theo PGS-TS Đỗ Quang Hùng, một bác sĩ thẩm mỹ phải có kinh nghiệm trong nghề từ 10 đến 15 năm thì mới đủ kinh nghiệm và kỹ năng để thực hiện những cuộc phẫu thuật lớn. Ngoài ra, lương tâm nghề nghiệp của một người bác sĩ thẩm mỹ là phải biết từ chối đối với những trường hợp không đủ sức khỏe để phẫu thuật... biết khuyên ngăn bệnh nhân tìm đến những phương pháp phù hợp, đề cao sự an toàn trước khi đạt được cái đẹp.

PGS-TS Đỗ Quang Hùng cho rằng trước khi phẫu thuật thẩm mỹ thì người dân phải biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Tại các bệnh viện uy tín được nhà nước cấp phép trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật cho khách hàng các bác sĩ phải thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra chức năng, gan thận, phổi, điện tim, tim mạch… Những người có bệnh lý về máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch… thì phải xem xét thật kĩ mới có quyết định tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.

Làm đẹp nhưng phải an toàn

PGS-TS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Hiện tại do sự phát triển của mạng xã hội nên số đông thường có xu hướng chạy theo những tiêu chuẩn làm đẹp như đã quảng cáo hay trên phim, đó là mũi cao Tây, đầu mũi phải bay… mà bỏ qua việc nó có phù hợp với gương mặt của người châu Á hay người Việt Nam hay không. Với một người có nhiều năm làm việc trong ngành thẩm mỹ tôi luôn luôn khuyên khách hàng của mình làm đẹp nhưng phải an toàn. Ví dụ khách hàng đến yêu cầu một cái mũi cao Tây mà khi qua thăm khám tôi nhận thấy nếu làm như vậy thì phần khung mũi sẽ không chịu đựng nổi dẫn đến những tổn thương về sau thì tôi sẽ khuyên ngăn bệnh nhân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.