Ý nghĩa cuộc đời
Hiền mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, chỉ một va chạm nhỏ cũng khiến cô bị gãy xương. Là con út, ba mẹ làm nông, cuộc sống vất vả nên Hiền mặc định bản thân là gánh nặng của mọi người. "Đó là động lực để mình cố gắng, mạnh dạn ngồi lên 2 cái ghế chuyền đi dù nhiều lần ngã xuống, gãy xương", cô gái 27 tuổi, nặng 15 kg nói.
Đến tuổi đi học, nhiều người khuyên gia đình ráng cho Hiền đến trường. Thậm chí chỉ cần học 1 năm để biết đọc, biết viết là đủ. Nhưng sợ ba mẹ vất vả khi phải bồng bế mình, Hiền tự học ở nhà. 12 tuổi, Hiền biết ngồi lên 2 cái ghế nhỏ để chuyền mình "đi lại" trong nhà. 2 năm sau, Hiền bắt đầu ghi nhớ mặt chữ, cách đánh vần từ việc học cùng người chị gái. Ba mẹ Hiền không biết chữ, lại là người Khmer nên ở nhà mọi người ít nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.
5 năm trước, khi bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh, vào mạng xã hội và kết nối bạn bè gần xa, cô gái mới có cơ hội rèn luyện cách giao tiếp, viết chữ. Bất ngờ hơn, mạng xã hội giúp cô tìm được ý nghĩa đời mình nhờ thấy video hướng dẫn cách thêu tranh chữ thập. Thấy công việc nhẹ nhàng, chỉ ngồi một chỗ nên Hiền xin mẹ mua về làm thử. Dù đôi tay biến dạng sau nhiều lần gãy xương, thao tác khó khăn hơn người thường nhưng Hiền không bỏ cuộc. Hoàn thiện bức tranh, Hiền nhờ mẹ đóng khung treo trang trọng trong nhà.
Đến bức tranh thứ 2, có người hàng xóm biết đến và mua lại, nhờ thế mà Hiền kiếm được số tiền đầu tiên trong đời. Suy nghĩ thêu tranh để bán nhen nhóm trong đầu, rồi Hiền quyết tâm theo đuổi. "Từ nhỏ đến lớn chỉ biết ở trong nhà, chịu những đau đớn bởi bệnh tật, lần đầu tiên mình thấy bản thân là người có ích", Hiền chia sẻ.
Kể từ đó, cô gái thường chia sẻ nhiều video làm việc nhà, thêu tranh hay thỉnh thoảng viết ra những dòng tâm sự với tinh thần tích cực, lạc quan lên trang cá nhân. Quen nhiều bạn đồng cảnh, Hiền nhận ra cuộc sống này không chỉ có mỗi bản thân mình chịu nhiều thiệt thòi. Thấy nhiều bạn khuyết tật nhưng luôn truyền năng lượng đến cộng đồng, cô tự nhủ bản thân phải cố gắng.
Ước mơ của Hiền
Nhà Hiền nằm giữa cánh đồng, chỉ có lối mòn nhỏ dẫn vào. Mới đây, ba mẹ Hiền quyết định sửa nhà, lót nền gạch men thay cho nền đất để con gái đi lại dễ dàng hơn. Mỗi bức tranh thêu chữ thập mất từ 1 - 2 tháng mới hoàn thiện, chưa kể mất thêm vài tháng chờ mới có khách mua nhưng cô gái bé nhỏ vẫn luôn cố gắng. Ngoài thêu tranh bán trên mạng xã hội, cô gái còn nhận tranh của khách gửi để thêu và nhận tiền công. Số tiền đó Hiền đưa mẹ để đi chợ mua thức ăn hoặc mua thuốc chữa bệnh.
Bà Tu (57 tuổi), mẹ của Hiền, cho biết 2 năm trước gia đình đã cấm không cho con gái thêu tranh vì thấy vất vả, đôi lúc Hiền còn ngất xỉu. "Nhưng con thuyết phục, nếu không được vận động làm việc thì cơ thể sẽ ngày càng yếu hơn. Khi đó chỉ biết nằm một chỗ, lại thêm gánh nặng cho ba mẹ", bà Tu nói và yên lòng để con làm điều mình thích, chỉ dặn khi nào mệt thì phải nghỉ ngơi.
Lớn lên, dù những chuyến "du lịch" cũng chỉ là bệnh viện hay đi bưu điện gửi hàng nhưng Hiền chưa bao giờ ước được đi chơi xa. "Ước mơ duy nhất và lớn nhất của mình là được làm việc phụ giúp ba mẹ. Ngày nhỏ thì giúp việc nhà. Lúc biết thêu tranh thì khao khát kiếm tiền dù chỉ là số tiền nhỏ nhoi", Hiền nói.
Cũng là một cô gái xương thủy tinh, Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, ở Đồng Tháp) cho biết bản thân khâm phục Hiền về mọi mặt. Quen biết Hiền qua mạng xã hội mấy năm nay, qua những video chia sẻ cảnh làm việc nhà, thêu tranh… Trang cảm nhận Hiền là một cô gái gan dạ, chăm chỉ và tự lập. Hiền luôn chủ động trèo lên xe, lên ghế, hiếm khi cần người giúp, dù té ngã rất nhiều. "Chị Hiền có nhiều bệnh vặt, sức khỏe kém nhưng ý chí thì không có gì để bàn", Trang nói.
Bình luận (0)