Từ phụ trách hình ảnh đến tình yêu với áo dài len
Nói về khả năng đan móc len của mẹ mình, chị Uyên Trinh chia sẻ mẹ đã biết đan, móc len từ khi chị chưa được sinh ra. Trong một lần đến TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nhìn thấy một chiếc áo dài bằng len, bà Nguyễn Thái Vân Uyên (mẹ của Uyên Trinh) đã mê mẩn, nhưng thời điểm đó chưa phổ biến việc móc len. Mãi tới 4 năm trước khi có nhiều người làm, mẹ của chị Trinh mới bắt đầu tìm hiểu về kỹ thuật móc áo dài bằng len và làm ra những sản phẩm đầu tiên.
Chị Trinh cho biết trước đó bản thân không thích mặc đồ len. "Thời điểm mình còn đi học thì các sản phẩm len dệt công nghiệp được ưa chuộng nhiều. Các mẫu đan tay thủ công chỉ hợp ý một số người và mẫu mã chưa đa dạng như bây giờ. Vậy nên mình cũng không có nhiều hứng thú với bộ môn này", chị Trinh kể.
Mãi tới khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Trinh quay về Lâm Đồng giúp mẹ phụ trách hình ảnh cho các sản phẩm từ len. Ban đầu chỉ là mặc để quay chụp, sau này chị dần yêu thích và tìm tòi nhiều hơn. Đến thời điểm hiện tại, chị Trinh đã có một bộ sưu tập hơn 200 trang phục bằng len do chính tay mẹ làm. "Mình mang các sản phẩm mẹ làm và quay, chụp để đăng tải lên mạng xã hội. Mẹ cũng thường làm áo len theo số đo của mình. Cách đây 2 năm, mình cũng đan, móc len chung với mẹ, phụ trách tìm hiểu về những chất liệu, họa tiết, kiểu dáng mới. Từ đó, hai mẹ con sẽ trao đổi với nhau để tìm ra được mẫu mình ưng ý", chị Trinh cho biết thêm.
Thời gian để làm một áo dài bằng len dao động từ 10 - 20 ngày. Do tự lên ý tưởng nên mỗi sản phẩm của hai mẹ con chị Trinh làm ra đều là duy nhất nên cần phải tháo ra, chỉnh sửa rất nhiều lần khi không ưng ý và càng mất nhiều thời gian hơn. Nếu thuận lợi, mỗi chiếc áo dài sẽ được móc trong khoảng 10 ngày. Sản phẩm lâu nhất là áo dài mang tên Hỉ Điệp vì có hoa văn con bướm trên ngực, cần phải đính thêm đá và pha lê. Chị Trinh cho hay ban đầu chỉ nói với mẹ mình thích hoa văn con bướm trên ngực, nhưng không ngờ mẹ lại làm được và hai mẹ con cũng phải chỉnh sửa rất lâu mới cho ra được hoa văn phù hợp với chiếc áo dài cũng như phong cách của bản thân. Áo dài này tốn một tháng để hoàn thành, vì khi mặc thử thì phát hiện bị dư nên phải tháo ra.
Mỗi sản phẩm áo dài từ len là tâm huyết của mẹ con chị Trinh nên được đặt tên như: áo dài Hỉ Điệp, Bách Hoa, Bích Điểu, Nhật Hạ, Thiên Ý... Bản thân chị tự tay đan được áo dài phối màu theo phong cách đặc biệt. Chị Trinh cho hay áo dài móc sẽ dễ thực hiện và tốn ít thời gian hơn so với đan.
Có chiếc áo dài giá hơn 12 triệu đồng
Sợi và kích thước của từng loại được hai mẹ con chọn lựa rất kỹ càng. Chị Trinh nói: "Khi mẹ móc áo dài, chỉ sử dụng một số loại sợi, kích thước nhỏ khoảng 0,6 - 0,8 mm. Khác với áo dài vải sẽ cố định, không nhão; còn với len sẽ có độ co giãn nhất định nên khi chọn sợi cũng cần phải kỹ càng, tránh trường hợp giặt ủi sẽ bị nhão và không mặc được. Chỉ một số loại sợi có chất liệu như rayon, cotton, silk... với tỷ lệ phù hợp mới dùng để móc được áo dài, sợi phải đáp ứng yêu cầu nhẹ, mát, mềm, không bai dão, dễ xử lý và có độ bền". Từ trải nghiệm chọn sợi làm áo dài, chị Trinh cũng chia sẻ cách chọn loại sợi cho nhiều bạn có chung đam mê đan, móc.
Niềm vui lớn nhất của chị Trinh và mẹ là khi nhận được chia sẻ của những người đam mê đan móc. Nhiều bạn chia sẻ rằng không ngờ mình có thể móc được một chiếc áo dài. Một số người tự hào và sử dụng chiếc áo dài đó để diện trong ngày cưới của con mình, móc áo dài tặng chị gái để mặc trong ngày cưới. Chị Trinh cho hay bản thân và mẹ rất tự hào vì những sản phẩm áo dài thủ công từ đan, móc len có thể tham dự vào các sự kiện lớn trong cuộc đời của nhiều người.
Cũng theo chị Trinh, một chiếc áo dài thủ công thường có giá từ 10 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào độ phức tạp và thời gian hoàn thành để phù hợp với công móc cũng như nguyên liệu. Một số áo dài có giá bán tới 12 triệu đồng vì thời gian hoàn thành lâu. Hiện tại, hầu như áo dài hai mẹ con làm ra đều phục vụ đam mê cũng như để mọi người có thêm ý tưởng, tham khảo cùng nhau thảo luận, sáng tạo.
Trong quá trình tạo ra áo dài bằng len, chị Trinh cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng áo dài phải làm bằng vải mới đảm bảo sự thướt tha, mềm mại. "Mình và mẹ đều thích áo dài, yêu vẻ đẹp thướt tha, kín đáo nhưng đầy quyến rũ. Yêu sự mềm mại nhưng mạnh mẽ của tà áo dài. Dù xuất hiện với chất liệu như thế nào, áo dài đều thể hiện được tinh thần như vậy. Thế nên, làm áo dài bằng len sợi là cách mình và mẹ mong muốn để văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với mọi người và các bạn bè yêu len sợi trên thế giới", chị Trinh bộc bạch.
Bình luận (0)