"Tôi chỉ trả lời được vế đầu tiên. Còn phần còn lại thì không biết nói như thế nào. Cảm giác rất bất lực", Nguyễn Kim Ngọc, người vừa đạt điểm IELTS 7.5 hồi tưởng.
Đã từng buồn, thất vọng rất nhiều
Kim Ngọc (25 tuổi), cử nhân ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), sinh ra và lớn lên ở một huyện của tỉnh Bến Tre. Việc học thêm tiếng Anh từ nhỏ là một điều xa lạ với Kim Ngọc.
"Ở bậc THCS, học tiếng Anh chủ yếu là ngữ pháp, ghi nhớ từ vựng nên tôi vẫn có thể đạt 6, 7 điểm và không mấy áy náy gì. Nhưng cú sốc đến với tôi vào năm lớp 10, khi đó tôi là học sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Bến Tre. Bài kiểm tra tiếng Anh đầu tiên tôi chỉ được 5 điểm, trong khi các bạn ở lớp đều học môn này rất giỏi. Tôi hiểu rằng tình trạng với tiếng Anh của mình rất tồi tệ và đã khóc rất nhiều", Kim Ngọc hồi tưởng.
Sau đó, cô gái sinh năm 1998 được học cùng gia sư nhưng không thể cải thiện được trình độ tiếng Anh gần như mất gốc của mình. "Năm đó, tôi cảm thấy rất may mắn là mình đã xét tuyển bằng học bạ với tổ hợp khối A và đã trúng tuyển. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp khối D (toán, văn, tiếng Anh) của tôi điểm không cao", cô gái nhớ lại.
Năm thứ nhất ĐH, theo quy định của trường, các sinh viên phải làm bài kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào để xếp lớp môn tiếng Anh thương mại (được chia thành các cấp độ 1-2-3-4). Ngọc đã trượt ngay lần thi đầu tiên, không đủ để vào lớp tiếng Anh thương mại cấp độ 1, cấp độ thấp nhất.
Ngọc rất thất vọng về bản thân mình và tiếp tục phải học thêm khóa tiếng Anh tăng cường trong khoảng 4 tháng trong trường trước khi thi lại thêm một lần nữa. Cô học cùng những người bạn đến từ những vùng sâu, xa, gần như không biết một chút gì về ngoại ngữ.
Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời
Sau lần ôn tập đó, Ngọc thi và đủ điểm để vào lớp tiếng Anh thương mại 2, cô cũng cố gắng học thật chăm chỉ ở trên lớp, luyện nhiều hơn về phát âm, tuy nhiên vẫn chưa có phản xạ tốt trong kỹ năng nói. "Điều này khiến tôi rất chán nản, tự ti. Tôi nghĩ là mình không thể học tiếng Anh được rồi", Ngọc nhớ lại.
Nhưng một điều bắt buộc là sinh viên như Ngọc muốn tốt nghiệp được ĐH phải có điểm IELTS 5.5. Nếu không thì mọi nỗ lực trong suốt 4 năm đều đổ sông đổ biển.
Một buổi chiều, cô đi cà phê, gặp Phan Huỳnh Thảo, người bạn thân học cùng trường THPT chuyên ở Bến Tre. Đó là một cô gái học tiếng Anh rất giỏi và luôn có một niềm say mê tuyệt vời với tiếng Anh.
"Khi tôi nói với Thảo rằng mình đang rất nản, học hoài tiếng Anh nhưng không thấy khá hơn, không biết có ra trường được không. Thảo ngay lập tức nói cô ấy sẽ dạy tôi. Thảo khi ấy là sinh viên ngành kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM và có việc làm thêm là gia sư. Tôi gật đầu ngay", Ngọc kể.
Mỗi tuần 2 buổi, Ngọc đi 2 chặng xe buýt từ ký túc xá khu B, ĐH Quốc gia TP.HCM (giáp ranh Bình Dương) và tiếp tục đi bộ một chặng nữa để xuống tới khu tự học của sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, Q.Bình Thạnh, TP.HCM để học cùng người bạn của mình.
Buổi đầu tiên, Ngọc được học nói (speaking) chứ không phải ngữ pháp hay từ vựng. Được bạn động viên, nhận xét rất kỹ sau từng phần nói, Ngọc tự tin dần. Cô chợt nghĩ "ồ, vậy là mình cũng nói được tiếng Anh". Lần đầu tiên cô thấy le lói một chút niềm tin về việc học ngoại ngữ của mình.
Người bạn cho Ngọc nhiều bài tập về nhà, những tài liệu cần đọc, những từ vựng cần học, cấu trúc câu. Điều đặc biệt, cách giải thích một từ vựng đầy cảm xúc từ bạn giúp Ngọc không chán học.
"Bạn bè ở ký túc xá thời gian ấy đã quen với việc tôi thức dậy, ăn sáng và học tiếng Anh từ 7 giờ sáng tới 11 giờ trưa, nghỉ một chút rồi lại học tiếng Anh từ 13 giờ tới 17 giờ. Mỗi tối, lại ngồi học tiếp từ 19 giờ tới 23 giờ đêm. Tôi học thuộc nhiều trang từ vựng, nhiều cấu trúc câu, có thể học thuộc cả một đoạn rất dài những câu mới", cô kể.
Sau thời gian học 1 kèm 1, Ngọc chuyển sang học nhóm cùng với 5 người bạn. Sau khi kỹ năng nói đã tốt, cô được học, rèn sang các kỹ năng nghe-đọc-viết. Mục tiêu ban đầu của cô chỉ là điểm IELTS 5.5 để đủ tốt nghiệp ĐH, nhưng sau 1 năm nỗ lực, chăm chỉ, cô đã đạt 6.0 IELTS là lần thi đầu tiên (điểm nói 6.5; nghe 6.0; đọc 6.0; viết 6.0). Ngọc cảm nhận được khi người học tiếng Anh cởi bỏ được nỗi tự ti bên trong rằng "mình không thể học được ngoại ngữ", việc học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
"Từ zero tới hero"
Không bằng lòng với 6.0 IELTS, Ngọc tiếp tục tự học thêm tiếng Anh. Tốt nghiệp ĐH, Ngọc có thi lại vài lần nhưng chưa vượt được mốc 6.0 IELTS. Cô quyết tạm dừng các việc làm thêm trong một khoảng thời gian chỉ để ôn luyện. Đúng ngày chào đón năm mới 1.1.2020, Ngọc òa khóc nức nở khi nhận được email thông báo kết quả, cô đã đạt 7.0 IELTS.
Tới nửa cuối năm 2022, ở lần thi mới nhất, Ngọc đạt 7.5 IELTS - một điều mà 3 năm trước đây chưa bao giờ cô dám mơ tới. Từ người học trò của bạn thân mình, Ngọc đã trở thành đồng nghiệp, cô đang cùng với bạn mình dạy tiếng Anh cho nhiều người còn đang khó khăn với ngoại ngữ này.
"Từ là một người mất gốc, học không hiệu quả, bây giờ tôi như người mới yêu, luôn tìm thấy những điểm hấp dẫn ở tiếng Anh. Tôi có thể đọc sách, xem phim tiếng Anh cả ngày không chán - điều kinh hoàng với tôi trước đây. Tôi có thể đồng cảm với nhiều người học mãi nhưng chưa thể tự tin sử dụng tiếng Anh và giúp họ khơi gợi được đam mê với môn học", Ngọc nói.
Nhận xét về Ngọc, Nguyễn Thị Thùy Dương, tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bạn thân và là đồng nghiệp tại một trung tâm tiếng Anh, cho hay: "Việc một người đi từ con số 0 thì tới ngưỡng 5.0-5.5 IELTS là phổ biến, dù phải học rất vất vả. Từ 0 tới 6.0 IELTS thì nặng nề hơn".
"Những ai đã từng học, luyện qua IELTS đều hiểu nếu từ ngưỡng 6.0 IELTS mà thi được tới 6.5, rồi 7.0 và 7.5 IELTS thì phải đòi hỏi một sự chăm chỉ thời gian dài, ý chí, nỗ lực rất tuyệt vời. Tôi luôn nói với những người bạn, Ngọc từ số 0 tới 7.5 IELTS, như từ "zero tới hero", từ số 0 trở thành anh hùng, từng bước nhỏ một chinh phục nỗi sợ hãi trong mình, chiến thắng chính mình, biến ước mơ thành sự thật", Thùy Dương chia sẻ.
Bình luận (0)