Cô gái đau bụng kinh bị sốc thuốc nguy kịch do bác sĩ tiêm... kháng sinh trị dạ dày

Đình Tuyển
Đình Tuyển
16/12/2020 19:23 GMT+7

Nữ bệnh nhân 16 tuổi đau bụng kinh đã bình phục, sắp ra viện, không hiểu sao bác sĩ (BS) lại tiêm thêm liều kháng sinh trị viêm dạ dày mà không hỏi ý kiến người bảo hộ bệnh nhân. Hậu quả, bệnh nhân sốc thuốc nguy kịch.

Chiều 15.12, Ths.BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), thừa nhận bệnh viện đã có những sai sót trong điều trị dẫn đến tình trạng sốc kháng sinh ceftazidim cho nữ bệnh nhân D.L.H.D (16 tuổi, ngụ P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Cụ thể, BS của bệnh viện đã tiêm kháng sinh ceftazidime (thường được chỉ định dùng điều trị nhiễm khuẩn nặng - PV) cho bệnh nhân dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý của người giám hộ, không thử thuốc, không điều tra gốc phản ứng dị ứng của bệnh nhân...

Đau bụng kinh… tiêm kháng sinh trị dạ dày

Ngày 16.12, chị Lê Hồng Uyên Thảo (41 tuổi, ngụ P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã gửi đơn phản ánh tắc trách của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long trong điều trị cho con là bệnh nhân D.L.H.D. Vụ việc xảy ra ngày 30.11, khi D. bị đau bụng hành kinh, tụt huyết áp. Do lo lắng cho con nên, vợ chồng chị Thảo đã gọi cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đến để sơ cứu và đưa cháu vào viện.
“Lúc làm hồ sơ, tôi đã khai rõ cháu bị đau bụng kinh, tụt huyết áp nên khi uống sữa vào bị nôn ói. Cách đây 2 năm cháu đã gặp chuyện tương tự và chỉ cần uống thuốc theo dõi là ổn. Sau đó chẳng hiểu sao, các bác sĩ đã đưa thẳng con tôi vào Khoa Tiêu hóa với chẩn đoán viêm dạ dày mặc cho tôi ra sức giải thích là cháu chỉ đau bụng kinh”, chị Thảo kể.
Tối 30.11, sau khi được truyền nước, sức khỏe D. ổn định và xin cha mẹ về nhà để kịp đi học hôm sau. “Vợ chồng tôi đã chủ động xin xuất viện từ sáng sớm 1.12. Đến khoảng 8 giờ, chúng tôi đi ra ngoài ăn sáng và chuẩn bị xe đón cháu về. Lúc này một cô y tá còn gọi điện cho chúng tôi để xác nhận gia đình xin xuất viện, chúng tôi đồng ý. Thế nhưng, chỉ khoảng 30 phút sau, y tá bỗng gọi điện báo là con tôi bị sốc khi tiêm thuốc kháng sinh điều trị dạ dày, gia đình phải vào gấp. Chúng tôi hoảng loạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tại sao sắp xuất viện lại tiêm kháng sinh?”, chị Thảo bức xúc.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long Thừa nhận bệnh viện đã có những sai sót trong điều trị dẫn đến tình trạng sốc kháng sinh ceftazidim cho nữ bệnh nhân D., 16 tuổi

Ảnh Đình Tuyển

Khi cha mẹ bệnh nhân tức tốc chạy vào phòng bệnh thì lúc này cháu D. đang nằm co giật, không còn nhận ra mẹ nữa. “Khi BS Phạm Hữu Dũng, Khoa Tiêu hóa, là người điều trị xuất hiện, tôi hỏi sao lại chích thuốc kháng sinh thì BS bảo: Vấn đề là bây giờ tôi đã giải quyết bằng cách tiêm thuốc giải rồi đó. Tôi hỏi, sao BS tiêm thuốc cho trẻ em khi không có thân nhân bên cạnh, thì BS trả lời: Thấy nó lớn rồi, hỏi nó có dị ứng gì không, nó bảo không thì tôi tiêm. Tôi hỏi sao cháu đã khỏe, gia đình xin xuất viện rồi mà lại đi tiêm kháng sinh thì BS bỏ đi”, chị Thảo uất ức.
Chị Thảo cho biết chị khiếu nại không phải để bồi thường mà để các BS phải nghiêm túc nhìn nhận sai sót chuyên môn của mình, vi phạm nghiêm trọng Luật Khám, chữa bệnh và để những trường hợp sai sót tương tự không còn xảy ra.

Bệnh viện nhận sai do bác sĩ chưa nắm luật

Sau bị sốc với kháng sinh ceftazidime, tối 1.12, bệnh nhân D. bất ngờ lại sốt cao, co giật rồi bất tỉnh. Sau đó, D. được đưa vào phòng Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Tới ngày 4.12, bệnh nhân được xuất viện nhưng chỉ 3 ngày sau lại tiếp tục phải nhập viện cấp cứu vì sốt rồi phải chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để điều trị tới ngày 9.12.
“Bây giờ không BS nào dám cho thuốc uống vì sợ cháu dị ứng nữa. Vợ chồng tôi cũng bị khủng hoảng vì tới nay, đã hơn 10 ngày, tinh thần còn tôi vẫn hoảng loạn, cháu liên tục bị ác mộng mất ngủ, sợ hãi khi nhắc lại chuyện bị sốc kháng sinh”, chị Thảo nói.
Cũng theo phụ huynh này, điều khiến gia đình chị bức xúc thêm là khi cho cháu D. xuất viện, bệnh viện còn đưa ra một bảng kê chi phí điều trị nội trú, trong đó đã kê khống nhiều bệnh lý kèm theo. “Họ ghi con tôi bị viêm dạ dày, ruột, đại tràng, rối loạn về cân bằng điện giải và nước, các tình trạng liên quan đến cơ quan sinh dục nữ và chu kỳ kinh nguyệt, và hàng chục bệnh lý như suy nhược thần kinh, đái tháo đường. Trong khi đó, các kết quả xét nghiệm con tôi đều bình thường”, chị Thảo nói.
Ths.BS Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, thừa nhận BS đã sai sót và phân trần: “Bệnh viện nhận thấy cái sai của bác sĩ điều trị là chưa nắm quy định trong khám chữa bệnh đối với bệnh nhân dưới 18 tuổi thì phải hỏi ý kiến và có sự đồng gia đình bệnh nhân. BS sơ sót một phần vì bệnh nhân 16 tuổi được xếp nằm điều trị ở khoa người lớn, nếu bệnh nhân dưới 16 tuổi, nằm ở Khoa Nhi thì ở đó các BS nắm rất rõ về các quy định về điều trị cho trẻ em”.
BS Hùng cũng giải thích, sở dĩ phải kê khai cho cháu nhiều bệnh lý khác nhau là do “bên bảo hiểm ràng buộc”. Ông Hùng cho rằng khi cho bất cứ thuốc, hay chỉ định nào chưa rõ ràng thì bảo hiểm yêu cầu bác sĩ phải có chẩn đoán cho chỉ định đó, thuốc đó nếu không thì bảo hiểm sẽ không thanh toán.
“Như trường hợp bé này cho sử dụng những thuốc dạ dày, viêm loét dạ dày thì phải chuẩn đoán viêm dạ dày. Hoặc là cho một xét nghiệm sốt siêu vi thì cũng phải có chẩn đoán gì đó rồi mới cho xét nghiệm. Tương tự bé hạ đường máu thì mình cho xét nghiệm đánh gia đường máu phải chẩn đoán theo dõi tiểu đường, không ghi thì bảo hiểm không cho thanh toán”, BS Hùng nói.
Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cũng lý giải việc vì sao bệnh nhân bị đau bụng kinh lại đi tiêm kháng sinh trị dạ dày. Ông cho biết. “Cái này đúng là có lấn cấn, bữa đó bé vô bị đau bụng kinh nhưng kèm theo có các triệu chứng nôn ói, ớn lạnh và xét nghiệm bạch cầu tăng nên bác sĩ nghi ngờ nhiễm trùng tiêu hóa. Tôi cũng nhìn nhận với gia đình là BS hơi vội. Nếu coi kỹ lại một chút thì có thể không phải sử dụng liều kháng sinh này ngay từ đầu hoặc có thể phải làm thêm vài xét nghiệm nữa rồi mới quyết định sử dụng hay không”, ông Hùng.
Ông Hùng cũng lý giải về việc gia đình bệnh nhân xin về rồi mà còn tiêm kháng sinh là vì BS khám bệnh và cho thuốc từ sáng sớm. Tới khi tiêm bị sốc thuốc, BS mới biết là gia đình đã xin xuất viện qua điện thoại, từ một điều dưỡng.

Bác sĩ đã vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh 

 
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho biết, theo Khoản 1 Điều 13 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về quyền của người bệnh là người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, theo đó: “người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh”. Trong trường hợp này, mặc dù chưa hỏi ý kiến của người đại diện hợp pháp của bệnh nhân nhưng bác sĩ đã tự ý chích thuốc kháng sinh là không đúng theo quy định của pháp luật, bởi lẽ đây không phải là trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Chỉ những trường hợp nêu trên, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới có thể tự ý quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.

 

Sốc phản vệ khi sử dụng ceftazidim hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng

 
Theo Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (thuộc trường Đại học Dược Hà Nội), sốc phản vệ là phản ứng tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng khi sử dụng ceftazidim. Bác sĩ cần dự phòng bằng cách khai thác kỹ tiền sử dị ứng và chuẩn bị sẵn bộ cấp cứu sốc phản vệ là nguyên tắc cơ bản cần đảm bảo để làm giảm tối đa các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra khi sử dụng ceftazidim hay bất kỳ thuốc nào cho bệnh nhân.
 

Để phòng ngừa và giảm tối thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra, phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh như: hen phế quản, chàm, mẩn ngứa, phù quincke... các dị nguyên như thuốc, thức ăn, côn trùng... gây ra dị ứng và sốc phản vệ. Không được dùng lại các thuốc đã gây dị ứng và sốc phản vệ cho người bệnh.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.