Cô gái digital nomad chính hiệu

Nguyên Trang
Nguyên Trang
10/02/2018 18:00 GMT+7

Bắt đầu “lên đường” từ năm 2007 cho những chuyến du lịch ngắn ngày, và rồi cô gái trẻ quyết định đi vòng quanh thế giới như một digital nomad - dân du mục kỹ thuật số chính hiệu.

Tính đến thời điểm này, Huyền Trang đã đi qua 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, có những nơi chỉ dừng lại 1 ngày như Luxembourg, có những nơi ở lại đến 3 tháng như Thụy Điển, 2 tháng ở Mexico và 2 tháng ở Chile…
Gần 9 tháng rời khỏi “vùng an toàn” là nhà, đi khắp nơi nhưng lại khiến Trang cảm thấy mình được sống cuộc đời khác, tự tại, có thời gian nhiều hơn cho bản thân.
Cuộc sống digital nomad đầy cám dỗ
Vừa du lịch và vẫn có thể kiếm tiền đủ cho chuyến đi chơi, “digital nomad” trở thành phong cách sống mà nhiều người trẻ hướng tới.
“Digital nomad” là khái niệm chỉ dân du mục kỹ thuật số - những người sử dụng công nghệ để làm việc ở bất cứ đâu và không gắn bó với nơi nào cụ thể. Nhờ internet và tiếng Anh, khoảng cách địa lý, biên giới không còn là rào cản. Mọi người có thể đi khắp nơi, vừa khám phá, học hỏi vừa kết hợp làm việc. Trước khi quyết định “đi lang thang”, Huyền Trang có hơn 10 năm (2005 - 2016) làm trong lĩnh vực quản lý nhân sự cho các công ty đa quốc gia như P&G, Sonion, Unilever, Total... Sau 4 năm ấp ủ giấc mơ khám phá thế giới, Trang quyết định nghỉ việc. Cô chuẩn bị hành trang lên đường. Tháng 3.2017, Trang khởi hành chuyến đi như một du mục đây đó khắp nơi.
Đừng nghĩ một người làm nghề tự do, sống kiểu digital nomad có thể xuề xòa. Đây là cuộc sống đầy cám dỗ nhưng cũng đòi hỏi mỗi người phải có tính kỷ luật cao. Huyền Trang chia sẻ: “Mình bắt đầu làm việc từ 9 hoặc 10 giờ sáng, có hôm làm tại nhà hoặc đến co-working space hoặc ra quán café, bãi biển… Trở về nhà khi chiều tối, có lúc mình phỏng vấn ứng viên kéo dài đến 10 giờ đêm cũng là chuyện bình thường. Sau giờ làm việc, mình nói chuyện với người nhà qua Facebook hoặc đi ăn tối với các bạn ở cùng nơi co-working space hoặc cộng đồng couchsurfing (những “di dân”) tại địa phương. Mình chỉ đi chơi và khám phá xung quanh vào cuối tuần, còn lại là làm nhiều việc cùng một lúc, miễn sao phù hợp và có nguồn thu nhập để tiếp tục thực hiện ước mơ”.
Cô gái digital nomad chính hiệu 1
Cô gái digital nomad chính hiệu 2
Ảnh: NVCC
Trang cũng liệt kê những việc có thể làm online rất đa dạng, vừa đi vừa làm như: thiết kế web, lập trình viên, tư vấn (hỗ trợ IT, phát triển nguồn nhân lực…), dạy tiếng Anh online, blogger du lịch, start-up cho những sản phẩm công nghệ…
“Những cuộc gặp gỡ kỳ lạ” ở đất nước Chile
Trong những ngày ở Chile, Huyền Trang có những cuộc gặp gỡ lạ kỳ. Chỉ vì mê ăn, Huyền Trang tìm đến quán VN ở thủ đô Santiago và bất ngờ có cuộc hạnh ngộ với chị Mai, chủ quán Rico Saigon Café ở thành phố này.
“Chị Mai cũng có cuộc đời nhiều người mơ ước. Một cô gái VN sau khi du lịch khắp nơi, đến Nam Mỹ, thấy thích khí hậu ở Santiago, thế là ở lại đây định cư 8 năm rồi. Quán café mới mở hơn 1 năm và kinh doanh rất tốt. Gần 55 tuổi mà lúc nào chị Mai cũng đầy năng lượng, từ tiếp khách, nấu ăn đến phục vụ... Công việc ở Rico Saigon Café chỉ có chị và 1 người phục vụ đảm trách nhưng dịch vụ vẫn rất tốt. Chị Mai được lên truyền hình ở Chile 4 lần, không hề trả tiền marketing gì hết. Cũng nhờ thế mà khách đến thử và yêu thích món Việt ngày càng nhiều”, Trang hào hứng kể.
Cô gái digital nomad chính hiệu 3

Trần Huyền Trang
- Sinh năm 1983.
- 10 năm làm việc trong lĩnh vực quản lý nhân sự cho các công ty đa quốc gia như P&G, Sonion, Unilever, Total…
- Đi qua nhiều quốc gia như: Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italia, Argentina. Cuba… Hiện đang ở Chile.
- Bắt đầu sống đời digital nomad từ 3.2017.
Thêm một dấu ấn để nhớ về những ngày ở thủ đô Santiago, Huyền Trang tình cờ được đài truyền hình Chile mời thực hiện phóng sự hướng dẫn cách pha và thưởng trà của người Việt. Từ chương trình này, hình ảnh tà áo dài và văn hóa thưởng trà của người Việt cũng được giới thiệu đến người dân Chile như một nét văn hóa đặc biệt đáng tự hào.
Không lên kế hoạch quá 6 tháng
Những kế hoạch luôn có thể thay đổi bất ngờ. Có những điểm đến dễ thương khiến người lữ hành dừng chân dài hơn so với kế hoạch. Do đó, những người viễn du như Trang thường không nghĩ xa hơn 6 tháng.
“Mình đã 2 lần đón tết ở nước ngoài, 1 lần ở Ấn Độ, 1 lần ở Đan Mạch. Tết này, mình sẽ về nhà với gia đình khoảng 1 tháng rồi đi tiếp sang châu Âu, từ đó đi Morroco, Israel, Ai Cập và Kenya…”, Huyền Trang chia sẻ về kế hoạch sắp tới.
Trong 9 tháng vừa qua, Trang đã đi qua 10 nước. Chị cũng thường xuyên trang bị thêm cho mình những kĩ năng, kiến thức mới trên đường đi. “Mình đã đi học lặn, học tiếng Tây Ban Nha, khám phá các hang động, leo lên những ngọn núi, tận mắt thấy các tảng băng trôi cùng nhiều thứ hữu ích khác. Hồi ở nhà, mình luôn tự hỏi sao thời gian trôi nhanh quá, mình chưa làm được gì. Bây giờ vừa du lịch vừa làm việc, mình thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn và đáng sống hơn rất nhiều”, Trang cho biết.
Dù đi một mình nhưng trên hành trình của Huyền Trang luôn có những người bạn mới.
“Một lần đến Santorini, Hy Lạp, ở đó các thành phố chủ yếu nằm trên núi, mình gặp đôi vợ chồng người Nhật đi du lịch cùng 3 đứa con, đứa nhỏ nhất đang còn ẵm ngửa. Hy Lạp mùa hè khoảng 38oC, mọi người phải leo từ cảng thuyền (sau khi đi tour tham quan các đảo) và leo lên núi để tham quan thành phố. Nhiều người phải thuê la chở đi dạo nhưng cả gia đình ấy vẫn nắm tay nhau, bế con nhỏ đi bộ. Thấy vậy, mình cũng không dám lười biếng hay viện dẫn lý do mà cố gắng đi hết hành trình. Một chuyến đi khác đến Đài Loan, mình gặp một bà mẹ người Malaysia đi cùng 4 con nhỏ. Đứa con trai lớn nhất 9 tuổi, con gái kế 8 tuổi, bé gái tiếp theo 5 tuổi và đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Họ đi du lịch hơn 1 tháng ở Đài Loan và Thái Lan. Các con của họ đều học tại nhà, tham gia những cuộc thi trên mạng. Các em tự học là chính, giờ rảnh thì đọc sách tiếng Anh, đi khám phá khắp nơi. Quá là ngưỡng mộ tinh thần đi trải nghiệm và dạy con của những gia đình mê phượt”, những câu chuyện trong các chuyến đi của Trang luôn nhiều thông tin và rất thú vị.
Mọi thứ không quá khó như mình vẫn nghĩ
Cô gái digital nomad chính hiệu 4
Cô gái digital nomad chính hiệu 5
Với Huyền Trang, nếu thích du lịch thì cứ đi thôi. Còn muốn làm một digital nomad thì cứ sẵn sàng để lên đường, không nhất thiết phải là hành trình 1-2 năm mà cứ bắt đầu với 3 hoặc 6 tháng. Làm được như vậy là đã rất tốt. Đó là những khoảng thời gian làm thay đổi cả hệ tư tưởng và cá tính của bạn.
Một khi đã thử và ở trong hoàn cảnh mới, bạn sẽ tự động biết cách xoay xở để phát triển. Có thể sau vài tháng sống theo phong cách mới, bạn sẽ nhận ra thực sự mọi thứ không quá khó như mình vẫn từng nghĩ. Hầu như không có rào cản nào khi du lịch và làm việc, thậm chí với phụ nữ cũng thế. Mọi thứ chỉ là ở tư tưởng của chính mình thôi.
Việt Nam đến gần với thế giới
Hiện nay, hộ chiếu VN đã có thể đến 45 nước mà không cần visa. Ngoài 10 nước thuộc khối ASEAN đã dần trở nên quá quen thuộc, có những nước châu Mỹ Latinh như Chile, Bolivia, Ecuador, Panama, Cuba… Nếu có thêm visa Mỹ (không khó xin), bạn có thể đi thêm một số nước nữa và được miễn thị thực: Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Costa Rica, Columbia… Những điều này đủ để các bạn có nhu cầu du lịch, khám phá có thể yên tâm và không cần lo lắng về việc nhập cảnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.