Cô gái đỗ tiến sĩ trước hạn với 6 bài báo quốc tế

07/11/2015 14:21 GMT+7

(TNO) Đó là Đặng Quỳnh Giao (34 tuổi), giảng viên trẻ Trường ĐH Cần Thơ. Cô gái này cũng là người duy nhất được xướng tên trong danh vị nghiên cứu sinh xuất sắc nhất, trước sự ngưỡng mộ của cả nghìn người tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chiều 6.11.

(TNO) Đó là Đặng Quỳnh Giao (34 tuổi), giảng viên trẻ Trường ĐH Cần Thơ. Cô gái này cũng là người duy nhất được xướng tên trong danh vị nghiên cứu sinh xuất sắc nhất, trước sự ngưỡng mộ của cả nghìn người tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chiều 6.11.

Nữ tiến sĩ trẻ Đặng Quỳnh Giao - Ảnh: Hà ÁnhNữ tiến sĩ trẻ Đặng Quỳnh Giao - Ảnh: Hà Ánh
Luôn "đi trước một bước"
Đặng Quỳnh Giao đã xuất sắc hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ chỉ trong 2 năm thay vì thời hạn 3 năm.
“Dù mục tiêu tốt nghiệp trước hạn đã được đặt ra ngay khi bắt đầu, nhưng nhiều lúc nghiên cứu bế tắc khiến mình thực sự chán nản. Nhưng, giờ đây, đứng tại chỗ này, mình cảm thấy tự hào vì đã chiến thắng chính bản thân mình”, nữ tiến sĩ chia sẻ trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp.
Sau nhiều lần kết quả không đạt như mong muốn, Giao phải tìm cách chuyển hướng nghiên cứu. Vì vậy, thực tế, dù thời gian hoàn thành chương trình là 2 năm nhưng trong đó cô phải mất 1 năm đầu để chuyển hướng nghiên cứu. Do vậy, thực sự thì Giao chỉ có đúng 1 năm dành cho nghiên cứu.
Một điều thú vị nữa, trước đó, cái tên Quỳnh Giao đã từng một lần được Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xướng lên trong vị thế học viên cao học tốt nghiệp xuất sắc trước hạn. Với điểm tốt nghiệp 9,48, Quỳnh Giao tốt nghiệp thạc sĩ đầu ngành công nghệ hóa học theo phương thức nghiên cứu chỉ trong 1 năm rưỡi (thay vì 2 năm).
7 bài báo quốc tế
Thành tích đáng ngưỡng mộ của nữ tiến sĩ này phải kể đến những kết quả nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Theo quy định, để hoàn thành chương trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải có tối thiểu 2 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận. Nhưng, với cô gái quê Vĩnh Long này, chỉ trong 2 năm, cô đã có tới 6 bài quốc tế. Đáng nói, tất cả 6 bài báo này đều được xếp vào danh sách ISI với chỉ số trích dẫn trên 3.0. Đặc biệt, trong đó, có 1 bài chỉ số trích dẫn lên tới trên 6.0 bởi phản ứng lần đầu tiên được tìm thấy trên thế giới.
Trước đó, khi đang trong thời gian theo học cao học, Đặng Quỳnh Giao từng có 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và 3 bài đăng trong tạp chí trong nước. Như vậy, tính đến thời điểm này, Quỳnh Giao đã có 7 bài báo quốc tế, 9 bài báo trong nước được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận và tham dự 3 hội nghị khoa học quốc tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm đáng nể này, Quỳnh Giao nói rằng điều quan trọng là luôn tiếp cận với kiến thức mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Mỗi ngày, Giao đọc ít nhất 50 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế.
“Suốt 2 năm qua, thời gian mình ở lab nhiều hơn cả ở nhà. Thông thường, mình bắt đầu một ngày vào lúc 6 giờ 30 sáng tại lab và kết thúc một ngày làm việc vào 9 giờ tối”, Quỳnh Giao tâm sự.
Quay về Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục công việc giảng dạy nhưng cô gái trẻ cho biết vẫn dành thời gian tiếp tục nghiên cứu về những ứng dụng vật liệu làm chất xúc tác cho phản ứng hữu cơ, ứng dụng vào lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và nông nghiệp.
 Đặng Quỳnh Giao rạng ngời cùng bạn bè trong ngày nhận bằng tiến sĩ - Ảnh: Hà Ánh
Cô gái trẻ nhận phần thưởng nghiên cứu sinh xuất sắc nhất  - Ảnh: Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.