Cô gái đoạt giải Nobel Hòa bình nói gì về phát biểu của Donald Trump?

21/12/2015 16:45 GMT+7

'Bạn càng lên tiếng phản đối đạo Hồi và chống lại tất cả những người Hồi giáo thì sẽ chỉ càng tạo ra nhiều phần tử khủng bố'.

'Bạn càng lên tiếng phản đối đạo Hồi và chống lại tất cả những người Hồi giáo thì sẽ chỉ càng tạo ra nhiều phần tử khủng bố'.

Ảnh chụp màn hình The Huffington PostẢnh chụp màn hình The Huffington Post
Theo The Huffington Post, Malala Yousafzai - người trẻ nhất đoạt giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17 vào năm ngoái - đã lên tiếng gửi tới Donald Trump và các chính trị gia khác đang phản đối, tấn công hệ thống đức tin Hồi giáo.
“Bạn càng lên tiếng phản đối đạo Hồi và chống lại tất cả những người Hồi giáo thì sẽ càng tạo ra nhiều phần tử khủng bố”, Malala trả lời phỏng vấn của Channel 4 tại Anh, khi được hỏi về “những phát biểu bừa bãi về Hồi giáo và những người theo đạo Hồi” theo như phát biểu của Donald Trump, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa (Mỹ), về việc ngăn chặn tất cả người Hồi giáo vào Mỹ.
Điều quan trọng là các chính trị gia hoặc bất cứ phương tiện truyền thông nào là họ nên ý thức và phải thận trọng về những gì họ đang nói. Nếu ý định của họ là ngăn chặn khủng bố thì cũng không nên đổ lỗi cho toàn bộ người theo đạo Hồi, bởi vì điều này không giải quyết được vấn đề gì mà còn tạo ra nhiều phần tử cực đoan, khủng bố hơn, Malala nói thêm.
Cũng trong một phỏng vấn riêng của AFP, Malala đã gọi những quan điểm của Donald Trump là đầy “thù hận” và “mang tư tưởng phân biệt đối xử với người khác”.
“Chính giáo dục, chứ không phải sự phân biệt, mới là chìa khóa để ngăn chặn khủng bố. Một nền giáo dục chất lượng sẽ đánh bại những lối suy nghĩ của chủ nghĩa khủng bố và tinh thần hận thù”, Malala phát biểu tại buổi lễ được tổ chức tại Anh để tưởng niệm 134 trẻ em bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của Taliban vào một trường học ở Pakistan.
Malala được cả thế giới biết đến sau khi một tay súng thuộc lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban bước lên xe buýt vào ngày 9.10.2012, hỏi: “Ai là Malala?”, và bắn vào đầu nữ sinh này.

Đối với Taliban, nữ giới không được quyền đi học. Và Malala dũng cảm đấu tranh giành quyền được đi học cho nữ giới nên Taliban muốn thủ tiêu cô bé. Nhưng Malala may mắn thoát chết, được đưa sang Anh điều trị và hồi phục. Kể từ đó, Malala trở thành một biểu tượng quốc tế, một ngôi sao toàn cầu nhờ vào nỗ lực đấu tranh đòi quyền được đi học cho nữ giới. (Phúc Duy)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.