Cô gái F0 có 2 bệnh nền đã tự chiến đấu khỏi bệnh nhờ những điều này

26/08/2021 07:17 GMT+7

Vừa có bệnh nền bị suyễn và cả hở van tim, nên khi bị nhiễm Covid-19 , Đỗ Thị Thuỳ Dung đã vô cùng lo sợ. Nhưng vượt lên trên tất cả, cô gái F0 có 2 bệnh nền đã chiến đấu và khỏi bệnh khoẻ mạnh trở lại.

“Đến hôm nay là đã 30 ngày kể từ lúc mình khởi phát bệnh, cũng vừa có kết quả PCR âm tính và không có chỉ số CT. Tụi mình mừng vô cùng vì bản thân đã chiến đấu bằng hết sự cố gắng và tinh thần lạc quan. Mình muốn lan tỏa điều tích cực này đến tất cả những ai đang là F0, có một tinh thần thật tốt giữa những mệt mỏi, áp lực trong biết bao ngày qua”, Thuỳ Dung (27 tuổi, ngụ tại Q.6, TP.HCM), cô gái F0 có 2 bệnh nền đã tự chiến đấu tại nhà và chiến thắng được Covid-19, chia sẻ.

Video Dung tự quay lại nhật ký cách ly và điều trị Covid-19 tại nhà của mình để truyền năng lượng tích cực đến mọi người

Không hiểu vì sao mình bị nhiễm

Dung kể cô nàng khởi phát bệnh từ ngày 25.7. Tuy nhiên, cô nàng chỉ luôn nghĩ là bị cảm lạnh dù đầu đau buốt và sốt, do mấy hôm trời mưa. Mỏi cơ thì vẫn nghĩ là do tập thể dục. Vì Dung luôn tự tin rằng mình đã rất kỹ lưỡng vệ sinh đủ kiểu mỗi ngày, không tiếp xúc hàng xóm. Đi chợ trực tuyến, trả tiền chuyển khoản, thì làm sao bị nhiễm được.
“Nhưng chiều hôm 28.7, y tế phường xuống test toàn bộ hẻm nhà mình (gồm 12-13 nhà). Và kết quả là cả hẻm dương tính, trong đó nhà mình gồm mình, chồng và người anh sống cùng nhà đều dương tính. Cuộc chiến cách ly tại nhà đã bắt đầu từ đấy”, Dung kể.

Ngay từ lúc nhận kết quả dương tính, cả 3 đã chia đồ đạc riêng ra và sau đó mỗi người nghiêm túc tự cách ly tại phòng riêng

Lúc đầu khi đón nhận điều này, Dung vô cùng lo sợ vì bản thân đang có bệnh nền. Dung nhớ lại: “Vì mình bị bệnh suyễn di truyền từ nhỏ và hở nhẹ van tim 2 lá nên mình lo sợ sẽ có chuyển biến xấu, do Covid có ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Trước đó, mình có đọc các thông tin những bệnh nhân chuyển biến nặng gần như có bệnh nền liên quan đến hô hấp và cả tim. Nhưng vì thấy mọi người đang lo lắng nên mình cố gắng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và bắt đầu sắp xếp mọi thứ, tìm giải pháp cho bản thân. Mình liên hệ với người bác sĩ điều trị suyễn cho mình từ trước đến giờ, và làm theo những gì bác sĩ hướng dẫn”.
Vì có bệnh nền nên Dung là người duy nhất trong nhà trải qua đủ các triệu chứng từng ngày và có những ngày rất mệt mỏi. Dung kể: “Khoảng 3-4 ngày đầu là mệt mỏi nhất. Cơn đau buốt đầu, cảm giác như có luồng khí lạnh trong đầu. Tối đầu tiên mình sốt cao, dù có uống thuốc hạ sốt nhưng sau đó vẫn sốt lại. Toàn thân nhức mỏi, đau các cơ. Những ngày này mình gần như ăn cháo. Những triệu chứng sau đó lần lượt đến qua từng ngày, mình mất khứu giác, nghẹt mũi, sổ mũi, ho nhiều và có kèm đờm, đi vệ sinh mất kiểm soát. Và điều lo lắng hơn hết, mình luôn thấy nhói và tức ngực”.

Bác tài GrabCar khóc cười cùng F0 xuất viện trên những chuyến xe miễn phí

Hành trình vượt qua như thế nào?

Việc đầu tiên trong hành trình để cô gái F0 có 2 bệnh nền vượt qua Covid-19 đó chính là sự đón nhận. Dung bày tỏ: “Mình chấp nhận việc mình bị dương tính, và đối mặt với nó để cùng chiến đấu. Mình đón nhận cả sự bực tức đến một cách hiển nhiên, là tại sao mình lại bị nhiễm chứ. Cảm xúc khó chịu xuất hiện, hằn học lên từng hành động của mình. Thật ra, đó là phản ứng tự nhiên của cảm xúc chúng ta. Không ai có thể vui vẻ, lạc quan lúc ấy được cả. Với mình, mình đón nhận từng thứ một nó đến với bản thân, cơ thể. Và thậm chí, mình còn nghĩ đến trường hợp xấu nhất nếu chết thì sao? Nhưng mình biết, mình không đầu hàng dễ như vậy. Khi gia đình, chị gái, bạn bè và các bác sĩ hỗ trợ, động viên từ xa mỗi ngày. Và thế là, trong căn nhà nhỏ, 3 tụi mình vẫn luôn cố gắng từng ngày”.

Mỗi ngày, Dung luôn cố gắng nấu những món ăn khác nhau để đổi khẩu vị và ăn được nhiều hơn để có sức đề kháng chống lại dịch bệnh

Tiếp đến là sự bình tĩnh: “Mình cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể. Có loạn cào cào lên cũng không giải quyết được gì, mà khiến cho 2 người đàn ông còn lại thêm áp lực. Tụi mình gọi cho gia đình được biết để có thể sắp xếp hỗ trợ thuốc, và thực phẩm”.
Trong quá trình cách ly và điều trị tại nhà, Dung yêu cầu mỗi người ở một phòng riêng, toilet riêng. Hạn chế tiếp xúc, gần nhau nhất có thể. Vì lượng vi rút mỗi người mỗi khác, kháng thể phục hồi cũng sẽ khác nhau. Luôn mang khẩu trang khi ra khỏi phòng và phải thay khẩu trang 2 lần/ngày.
Dung chia sẻ: “Đồ đạc thì mình chia làm 3 phần riêng biệt gồm các thứ như ly, chén, đĩa, muỗng, đũa. Ai dùng xong thì tự rửa ở nhà vệ sinh riêng của mỗi người. Vệ sinh toilet, bồn rửa mặt thường xuyên. Xịt cồn lên cả tay nắm cửa toilet, vòi sen các kiểu…”.

Kết quả hạnh phúc khi cả 3 cùng khỏi bệnh

Dù mệt nhưng ngày nào Dung cũng cố gắng duy trì việc tập thể dục. Hôm nào mệt Dung tập thể dục nhẹ nhàng, và nhất định là không quên tập thở. Dung cho biết không nhất thiết là phải tập 30 phút mỗi sáng, chiều. Mà tùy vào sức khỏe, thể trạng của bản thân và tập cho thích hợp.
“Mình hay tập thể dục 15 phút mỗi sáng chiều, và có chạy bộ tại chỗ để tốt cho tim. Tập thở theo bài hướng dẫn của bác sĩ. Phòng mình luôn có nắng sáng, sẵn tiện mình ngồi phơi nắng. Vitamin D trong lúc này đóng vai trò cải thiện về cảm xúc của mình. Đây là hướng dẫn của một bác sĩ ở Anh đã chỉ cho mình. Về phần ăn uống thì mình không thấy mệt khi nấu ăn, mà chỉ có một suy nghĩ duy nhất trong đầu rằng cả 3 cần phải ăn ngon, ăn thật đủ dinh dưỡng để mau chóng lấy lại sức khỏe, tăng kháng thể. Thực phẩm từ cứu trợ phường cho khu cách ly, mình mua trước đó và của mẹ gửi thêm qua. Nhà có gì ăn đó, mình cố gắng thay đổi món ăn mỗi ngày. Cho các gia vị có tính chữa lành, giải cảm vào trong món ăn như gừng, sả, các lá thảo mộc, những thứ mà vườn nhà mình có trồng”, Dung kể.
Về phần uống thuốc thì Dung cho biết cô nàng may mắn vì nhà mẹ là tiệm thuốc tây, bạn bè là bác sĩ và một người bác sĩ thân quen đã điều trị suyễn cho Dung từ nhỏ đến nay. “Mình vẫn theo dõi Facebook của bác sĩ Trương Hữu Khanh với các hướng dẫn cho người cách ly tại nhà. Qua những chia sẻ của bác sĩ Khanh, mình thấy lạc quan hơn. Tuy nhiên, bản thân mình cũng phải tự trang bị những kiến thức cơ bản như vitamin C uống khi nào, Panadol, thuốc ho… Hiểu cơ thể mình đang mỗi ngày ra sao và có triệu chứng gì thì mình uống đó. Mình luôn đo SpO2 mỗi sáng chiều. Do mình bị suyễn mà, nên cũng sợ lắm. Và xịt thuốc suyễn theo hướng dẫn của bác sĩ”, Dung chia sẻ.

F0 là điều không ai muốn, nhưng…

Và cuối cùng, niềm vui đã đến khi ngày 14.8 cả 3 thành viên gia đình Dung test nhanh lần 1 ở nhà cho kết quả âm tính, ngày 18.8 y tế phường xuống test và lúc này cả 3 có kết quả âm tính lần 2. Đến ngày 21.8 thì kết quả PCR của cả 3 đều âm tính. Ngày 23.8, y tế phường test nhanh lần nữa cho cả con hẻm, tất cả đều âm tính và được tháo dây phong tỏa.

Dung muốn truyền nguồn năng lượng tích cực từ câu chuyện của chính mình để mọi người có thể bình tĩnh chiến đấu và chiến thắng được dịch bệnh

Từ hành trình vượt qua Covid-19 với 2 bệnh nền của mình, Dung cho rằng bằng cách nào đó, tùy vào mỗi người mà hãy cố gắng lạc quan, vui vẻ: “Với mình, mình hạn chế dùng mạng xã hội, trừ khi xem thông tin của bác sĩ Khanh. Vì thật sự mà nói, các tin tức, sự mất mát nó khiến cho tinh thần mệt mỏi hơn. Thay vào đó, mình xem phim, coi hài, đọc sách, video call với gia đình, bạn bè. Tám chuyện thị phi vậy mà cười đến rớt nước mắt rồi quên hết mệt mỏi”.
“Nỗi sợ là thứ không thể tránh né. Sợ rồi thì đi ăn, đi coi phim cho quên cái sợ. Rồi bình tĩnh nó đến, rồi cố gắng cũng vì vậy mà tới theo cùng với sự lạc quan. Sẽ thấy ăn ngon, ngủ sâu hơn. Thì mình tin mọi thứ tốt đẹp sẽ sớm đến với mọi người. F0 là điều không ai muốn nhưng F0 không có gì phải buồn. Thay vì tìm lý do vì sao bị F0, tức tối. Thôi ăn uống ngủ nghỉ, sinh hoạt nhiều vào bạn nha. Chúc mọi điều may mắn và tốt lành với tất cả mọi người”, cô gái F0 có 2 bệnh nền đã chiến thắng được Covid-19, gửi lời nhắn nhủ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.