Cô gái Hà Nội làm cố vấn chiến lược ở New Zealand

10/11/2015 10:08 GMT+7

Cách đây hơn chục năm, Trần Tú Diễm Hằng vẫn còn là vận động viên trẻ của bóng bàn Hà Nội, nhưng hiện cô đã trở thành cố vấn chiến lược của Hội đồng TP.Auckland (New Zealand), khi mới 27 tuổi.

Cách đây hơn chục năm, Trần Tú Diễm Hằng vẫn còn là vận động viên trẻ của bóng bàn Hà Nội, nhưng hiện cô đã trở thành cố vấn chiến lược của Hội đồng TP.Auckland (New Zealand), khi mới 27 tuổi.

Trần Tú Diễm Hằng và con gái - Ảnh do nhân vật cung cấpTrần Tú Diễm Hằng và con gái - Ảnh do nhân vật cung cấp
Auckland (New Zealand) là thành phố có chỉ số chất lượng cuộc sống đứng thứ 3 thế giới sau Vienna (Áo) và Zurich (Thụy Sĩ). Để trở thành cố vấn chiến lược của Hội đồng TP.Auckland, Trần Tú Diễm Hằng đã trải qua một cuộc thi tuyển gắt gao với yêu cầu người tham gia phải có 10 năm kinh nghiệm, trong khi Hằng mới có 5 năm làm việc.
Miệt mài với bóng bàn vẫn học giỏi
Con đường đến với vinh quang này của Hằng không ít bất ngờ, bởi Hằng vốn là thành viên tuyến năng khiếu của bóng bàn Hà Nội. Cách đây hơn chục năm, cô mới quyết định đi theo con đường học vấn, sau nhiều ngày cân nhắc. Trước đó, để con mình có thể trở thành tay vợt được đánh giá cao, bố mẹ cô không tiếc công sức, tiền của để cho con “tầm sư học đạo”. Học từ các CLB chưa đủ, cô bé còn đến học riêng các ngón đòn của các tay vợt nổi tiếng. Quá trình tập luyện miệt mài đã mang lại cho cô những thành tích đáng kể: HCV Hội khỏe Phù Đổng khu vực phía Bắc; vô địch giải trẻ Hà Nội. Không chỉ có vậy, việc học văn hóa của cô học sinh chuyên Toán trường THCS Trưng Vương này, còn ấn tượng hơn khi năm nào cũng đạt học sinh giỏi, thi tốt nghiệp đạt 60/60 điểm.
Rồi Hằng trở thành học sinh chuyên lý của Trường ĐH Tổng hợp (cũ) và nhận được học bổng của trường Bosworth ở London (Anh). Sang Anh theo học, Hằng “tỏa sáng” với nhiều thành tích: giải nhất môn toán 2 năm liên tiếp dành cho học sinh THPT toàn nước Anh; giải nhất phân tích thí nghiệm hóa học các trường phổ thông toàn nước Anh; giải nhì cuộc thi hóa Olympic quốc tế lần thứ 38 (vòng thứ nhất) của Hội Hóa học Hoàng gia Anh. Bên cạnh đó, Hằng vẫn dành thời gian gây dựng CLB bóng bàn cho trường. Nhờ đó, lần đầu tiên đội tuyển bóng bàn trường Bosworth với sự góp mặt của Trần Tú Diễm Hằng, đã giành giải nhì trong cuộc thi bóng bàn các trường THPT ở London (Anh).
Ban giám hiệu nhà trường không tiếc lời khen ngợi, khi Hằng rời ghế nhà trường để chuyển tới Học viện Kinh tế Chính trị London (LSE), với suất học bổng toàn phần cho cả 3 năm ĐH ngành kinh tế. Trong thư giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Trường Bosworth gửi các trường ĐH ở Anh có đoạn viết: "Về mặt học vấn, Diễm Hằng luôn đứng đầu, nhưng tôi còn muốn nhấn mạnh về lòng quyết tâm và ý chí của cô học trò nhỏ này. Ít ai biết được rằng, Diễm Hằng đã làm rất nhiều công việc bán thời gian để tự trang trải chi phí cuộc sống. Thật khó diễn tả cảm xúc của tôi trong 30 năm dạy học, khi thấy một cô học trò đạt điểm tuyệt đối trong mọi kỳ thi, lại là người cuối cùng nộp chi phí nội trú với một túi các cuộn tiền mặt cùng đồng xu. Cô ấy đã cười rạng rỡ và nói rằng: em đã kiếm đủ số tiền!".
Làm “quan” vẫn không quên bóng bàn
Tại một trong những trường ĐH lớn nhất ở Anh, cô gái Hà Nội lại tiếp tục sở hữu bảng thành tích học tập đạt loại xuất sắc và cũng là đầu tàu của CLB bóng bàn ở trường. Trong cả 3 năm Trần Tú Diễm Hằng theo học, năm nào đội bóng bàn nữ của Học viện Chính trị - Kinh tế Luân Đôn cũng giành huy chương tại các giải ĐH toàn nước Anh.
Trở thành cử nhân xuất sắc của Học viện Kinh tế - Chính trị London, Trần Tú Diễm Hằng được nhiều công ty đề nghị nhận thẳng mà không cần qua thi tuyển. Cuối cùng cô lại chọn thi vào "Bank of American"(Ngân hàng Mỹ) và trúng tuyển trong đợt thi chỉ lấy 5 người. Đến năm 2013, gia đình cô chuyển đến New Zeeland, nơi chồng cô làm việc. Chính tại đây, cựu tay vợt của tuyến năng khiếu Hà Nội năm xưa, đã trúng tuyển vào vị trí Cố vấn chiến lược, nhằm xây dựng chiến lược trung và dài hạn để đưa Auckland trở thành thành phố đáng sống nhất thế giới. Đối với Hằng, đó là sự tự hào lẫn trách nhiệm. Để có thành công như vậy, cô không quên những năm tháng tập bóng bàn. Hằng tâm sự: “ Tôi phải cảm ơn những ngày tháng tập bóng bàn tại CLB Hà Nội. Bóng bàn với những kỹ năng tỉ mỉ, khả năng tự xoay trở tình huống mang lại sự hòa nhập, tự tin và cả bản lĩnh để tôi khẳng định mình nơi đất khách quê người".
Hiện nay, dù làm việc vất vả và tiếp tục theo học tiến sĩ của ĐH Edinburgh (Anh) nhưng cô gái này vẫn không quên bóng bàn. Ở nơi định cư mới, cô phải thi đấu với các tay vợt nam để cho…cân tài cân sức. “Chuyện thắng thua không quan trọng, mà quan trọng là để luôn nhớ về một môn thể thao đã mang lại cho tôi nhiều điều có giá trị khó đo đếm, trong những năm qua”, Hằng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.