Cô gái Huế diễn thuyết trước Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 17.8.1945

21/10/2022 07:03 GMT+7

Trong ký ức của GS Lê Thi lúc sinh thời, một thế hệ phụ nữ Hà Nội mới đã làm đại diện cho cả dân tộc hồi sinh. Một đại diện phụ nữ thường được nhắc đến là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng - cô gái Huế đã diễn thuyết, đọc lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 17.8.1945.

Một ngày thu Hà Nội, biết tôi đang tìm tư liệu về cụ bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, bà Đặng Minh Châu, con gái Phó thủ tướng Đặng Việt Châu (1914 - 1990) đã sẵn lòng chia sẻ phần tư liệu ít ỏi bà còn giữ được về người bạn đời của cha mình. Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng qua đời đã gần 20 năm, qua phần tư liệu bà Đặng Minh Châu cung cấp đã cho biết về chặng đường hoạt động cách mạng của cô giáo xứ Huế ngoài thủ đô.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), người cán bộ liên lạc của Xứ ủy Nam kỳ là Lý Chính Thắng ra Hà Nội nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, lúc trở về Nam, đi ngang qua Thanh Hóa, đã gặp cô giáo Diệu Hồng lúc này đang dạy học ở đây. Anh khuyên cô giáo Diệu Hồng nên ra Hà Nội. Ít lâu sau, từ Hà Nội một người em kết nghĩa của bà Diệu Hồng là Nguyễn Xuân Ngọc đã vào đón bà ra ở cùng vợ mình là bà Lê Tụy Phương. Hai chị em Diệu Hồng - Tụy Phương vốn thân thiết với nhau rồi trở thành chị em kết nghĩa khi học trường tư thục Thăng Long. Được một thời gian, em trai bà Tụy Phương là Lê Tất Thành đã liên hệ để bà Diệu Hồng gặp ông Minh Việt (sau này là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội).

Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (bìa phải) trò chuyện cùng chuyên gia quốc tế

Tư liệu bà Đặng Minh Châu cung cấp

“Đồng chí Minh Việt giới thiệu tôi vào Đội Tuyên truyền xung phong của Đảng Dân chủ do đồng chí Chu Văn Tích làm đội trưởng”, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng kể trong một cuộc trò chuyện cùng cán bộ Hội LHPN Hà Nội.

Về cuộc diễn thuyết chiều 17.8.1945, xin ghi lại sau đây lời kể của cụ bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng từ tư liệu bà Đặng Minh Châu cung cấp:

“Chiều ngày 16.8.1945, đồng chí Chu Văn Tích gặp tôi báo cho biết là ngày 17.8.1945 trước Nhà hát Lớn sẽ có cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức. Cấp trên quyết định biến cuộc mít tinh ấy thành cuộc mít tinh của Việt Minh. Đồng chí đưa cho tôi một mảnh giấy bằng bàn tay. Tôi đọc xong đề nghị cho chữa vài từ. Đồng chí đồng ý. Tôi nhận nhiệm vụ, trong đầu suy nghĩ: Nhật nó có thể chĩa súng vào bắn mình, mình có thể ngã xuống, nhưng chắc chắn sẽ có đồng chí khác tiếp theo. Mình phải hết sức bình tĩnh đọc cho dõng dạc lời kêu gọi thiêng liêng.

Sáng sớm 17.8, Đội Tuyên truyền xung phong chúng tôi vô cùng xúc động được ngắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc kính yêu. Đồng chí Trần Lâm nhận nhiệm vụ treo cờ. Cả sáng đến trưa ngày 17.8 trời vẫn mưa. Vào khoảng 14 giờ trời tạnh, hửng nắng, tôi mặc áo dài tím, quần trắng, tay cầm ví đi cùng đồng chí Chu Văn Tích đến Nhà hát Lớn.

Đồng bào đã tề tựu đông đúc. Tôi len vào giữa đồng bào qua hàng rào sắt ngôi nhà to bên phải đường Tràng Tiền trước mắt giặc Nhật tiến tới lễ đài. Có một anh đang phát biểu, micro đổ, anh ấy lẩn đi. Tôi bước nhanh đến lễ đài, vội đưa ví cầm tay cho một thanh niên đứng bên cạnh, không quen biết nhưng đinh ninh là người của mình nên tôi cứ giao giữ ví để nhỡ mình ngã trước viên đạn thì vẫn còn trong ví món tiền cụ Lê Tiến Nghiêm, thân sinh chị Lê Tụy Phương, vừa ủng hộ Việt Minh.

Tôi bước lên lễ đài, các anh giữ máy khẩn trương chữa cho vang rõ tiếng. Tôi cất giọng: “Xin đồng bào giữ trật tự”.

Cả biển người im phắc, tôi đọc rành rọt lời kêu gọi vắn tắt: “Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Thời cơ thuận lợi đã đến, đồng bào hãy ủng hộ Việt Minh đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc”.

Tôi vừa dứt lời thì tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh” vang lên như sấm rền. Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng nổi lên chạy tứ phía, trên gác hai Nhà hát Lớn đồng chí Trần Lâm đã buông lá cờ đỏ rực cả Nhà hát Lớn. Tôi lẫn vào đồng bào, vô cùng xúc động phấn khởi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Gần nửa thế kỷ sau, đầu tháng 10.1994, kỷ niệm lần thứ 40 ngày thủ đô giải phóng, ôn lại kỷ niệm với hàng nghìn cán bộ, hội viên Hội LHPN Hà Nội, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng vẫn giữ tác phong của người chiến sĩ cách mạng. Năm đó, giữa niềm hân hoan, vui mừng của nhiều thế hệ cán bộ Hội LHPN thủ đô vui mừng gặp nhau thì đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiên tai rất nặng. Cựu chủ tịch Hội LHPN Hà Nội suốt 1/4 thế kỷ Nguyễn Khoa Diệu Hồng đề nghị: “Chúng ta gom góp nhau kẻ ít người nhiều tùy khả năng có một món quà của chúng ta - những cán bộ công tác hội phụ nữ kháng chiến chống Pháp trong Hà Nội tạm chiếm và tiếp quản thủ đô gửi đến đồng bào”. (còn tiếp)

Bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (1914 - 2003) sinh tại làng An Cựu, H.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế trong một gia đình quan lại có truyền thống yêu nước. Bà là Đại biểu Quốc hội khóa II - III, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III (1964 - 1971), Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội từ 1954 - 1978…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.