Phấn son tô điểm sơn hà: Dược sĩ Đỗ Thị Thao - chẳng cần đổi phận làm trai

18/10/2022 07:08 GMT+7

Đầu thế kỷ 20, ở cả Đông Dương, chỉ có một vài nữ trí thức trẻ Tây học như bà Henriette Bùi Quang Chiêu - bác sĩ sản khoa đầu tiên, bà Đỗ Thị Thao (phu nhân Bộ trưởng Phan Anh), bà Hoàng Hương Bình (phu nhân nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi).

Cùng thời gian đó, nhiều tấm gương phụ nữ tham gia hoạt động cách mạng và trở thành những người lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đại biểu Quốc hội như bà Trương Thị Mỹ, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, bà Lê Minh Hiền, bà Tâm Kính, bà Như Quỳnh... Họ đã làm vẻ vang cho phụ nữ VN như hai câu thơ “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam” trên báo Phụ nữ Tân văn.

Kỷ niệm 92 năm ngày Phụ nữ VN (20.10), Thanh Niên xin giới thiệu một số gương mặt phụ nữ đã “tô điểm sơn hà”.

“Dục Tú có cây bồ đề/Có cô tiến sĩ đỗ về dược khoa”. Câu ca ấy của người dân làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội là bia đá bảng vàng ghi danh về một nữ trí thức trẻ trong làng đầu thế kỷ 20. Đó là dược sĩ Đỗ Thị Thao, con gái áp út của gia đình cụ Đỗ Trạc Nhu - Nghị viên Viện Dân biểu Bắc kỳ.

Bức họa bà Đỗ Thị Thao (1913 - 1952) du học bên Pháp

Tư liệu gia đình ông Phan Tân Hội

Từ nhỏ đã thông minh sáng dạ và học rất giỏi, xong bậc tú tài, Đỗ Thị Thao xin bố mẹ thi đại học. Mấy anh trai bảo con gái học thế là đủ, học nữa cũng chẳng làm gì. Chẳng cần đổi phận làm trai, cô cũng ra sức học hành, tranh khôi đoạt giáp. Thấy con gái quyết tâm, bố mẹ ủng hộ cho con thi vào Đại học Đông Dương, ngành dược.

Suốt mấy năm ròng miệt mài đèn sách, cô tốt nghiệp dược khoa hạng ưu, cả nhà đều mừng vui. Học xong, cô Thao xin phép thầy mẹ sang Pháp để lấy bằng tiến sĩ. Lại một cuộc đấu tranh và không khí căng thẳng trong gia đình. Các anh trai thấy bố mẹ chiều em gái quá. Trong thời gian học đại học Thao đã tiết kiệm được một số tiền, xin thêm mẹ một ít, được thầy ủng hộ, thế là cô quyết tranh đấu sang Pháp du học.

Với mức học bổng 60 đồng Đông Dương một tháng, Đỗ Thị Thao đội chiếc mũ rộng vành, mặc bộ váy liền áo màu vàng sẫm, tay xách hai chiếc va li kiểu cổ chuẩn bị bước xuống tàu sang Pháp, để bước vào một cuộc hành trình Tây du đầy thử thách và lãng mạn.

Cùng thời điểm đó, từ Hải Phòng, tàu thủy Pasquier nhổ neo đưa Phan Anh đi Sài Gòn, từ đó sang Pháp học. Trên chuyến tàu này, lần đầu tiên Đỗ Thị Thao gặp Phan Anh. Thời kỳ đó tên tuổi Phan Anh đã có tiếng vang trong giới sinh viên khiến cô đem lòng ngưỡng mộ người thanh niên dáng thấp đậm, đầu húi cua chững chạc mà nói chuyện có sức cuốn hút lạ thường. Trong thời gian du học, họ hoàn thành cả đại đăng khoa và tiểu đăng khoa.

Về nước, với bằng dược sĩ tại Pháp, bà Đỗ Thị Thao được chính quyền bảo hộ cấp phép mở cửa hàng dược tại nhà riêng, số 74 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Theo quy định của chính quyền thuộc địa lúc đó, chỉ những người có bằng tại Paris mới được mở hiệu thuốc tại Hà Nội. Còn những người dù tốt nghiệp Đại học Dược khoa Đông Dương cũng chỉ được mở cửa hàng dược ở những tỉnh lỵ, huyện lỵ khác như Hải Phòng, Hòn Gai…

Khi ông Phan Anh tham gia viết các bài trên báo Thanh Nghị (với các bút danh Phan Anh, P.A, Phan Quân) bàn luận về các vấn đề pháp luật, chính trị, bà Đỗ Thị Thao (với bút danh bà Phan Anh) cũng bàn đến các vấn đề chuyên môn của mình như chăm sóc thiếu nhi, nạn rượu ở các nước và VN.

Ngày 11.6.1945, tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), trước 300 phụ nữ, đại diện cho hàng triệu phụ nữ miền Bắc, cùng với các bà Nguyễn Thị Bính (bà Hoàng Xuân Hãn), bà Nguyễn Thị Thịnh (bà Đỗ Xuân Hợp)… bà Đỗ Thị Thao tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN chi nhánh Bắc bộ.

Cuối năm 1945, trả lời phỏng vấn báo Tiếng gọi phụ nữ về lý do không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội đại diện cho phụ nữ VN, bà cho biết không ra ứng cử vì đối với việc này bà còn bỡ ngỡ và cũng bận quá, chứ bà rất tán thành Quốc hội.

Kháng chiến toàn quốc, ông Phan Anh rời thủ đô lên non theo Chính phủ, bà cũng lên theo. Bà cùng gia đình ở tại cơ quan Bộ Kinh tế mà ông Phan Anh làm Bộ trưởng (1947). Sang năm 1950, phát hiện bệnh nặng, đoàn thể tạo điều kiện đưa bà Thao sang Trung Quốc điều trị. Dù được quan tâm chăm sóc nhưng năm 1952, bà qua đời tại Chiến khu Việt Bắc. Một số phận nữ trí thức đầu thế kỷ vinh quang song cũng có phần nghiệt ngã bởi số mệnh đã sớm tắt lịm khi mới chớm bước sang tuổi 40. (còn tiếp)

Sang Pháp với 2 mục đích, một là tiếp tục học luật để lấy bằng tiến sĩ và thạc sĩ đại học; hai là tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị, tìm con đường giải phóng đất nước, Phan Anh đã tham gia vào các hoạt động xã hội. Với nỗ lực miệt mài học tập, trong 2 năm 1938 và 1939, Phan Anh đã đạt được những kết quả ưu việt: Học được 3 bằng tiến sĩ về Công pháp, Tư pháp và về Lịch sử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.