Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài

29/07/2024 16:27 GMT+7

Nguyễn Khánh Trang (26 tuổi) quê ở tỉnh Bình Thuận du lịch 30 ngày ở 2 quốc gia Kazakhstan và Kyrgyzstan (Trung Á) chỉ với 24 triệu đồng.

Du lịch và trải nghiệm văn hóa đi nhờ, ở nhờ

Từ năm 19 tuổi, khi còn là sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, Trang đã biết đến và trải nghiệm du lịch "bụi", dạng du lịch tự túc ở nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á. Trang tâm sự: "Mình muốn có thêm trải nghiệm về văn hóa ở các nước và những khu vực khác. Trong một lần tình cờ đặt được vé máy bay đến Kazakhstan và Kyrgyzstan với chi phí rẻ nên mình quyết định tới hai nước ở khu vực Trung Á này để trải nghiệm".

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 1.

Nguyễn Khánh Trang

NVCC

Đầu tháng 4.2024, Trang từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quá cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia), sau đó đến sân bay Almaty (Kazakhstan) bắt đầu cho chuyến du lịch "bụi". Điểm đến của Trang là 2 quốc gia ở khu vực Trung Á nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ.

Kazakhstan và Kyrgyzstan miễn visa cho người Việt. Trong đó, Kazakhstan miễn 30 ngày và Kyrgyzstan là 60 ngày. Hai quốc gia cạnh nhau nên Trang di chuyển bằng đường bộ. Ngoài sử dụng phương tiện công cộng thì việc đi nhờ cũng giúp cô nàng tiết kiệm chi phí. Trang cho hay trước khi khởi hành đến 2 quốc gia thuộc khu vực Trung Á, cô nàng cũng đã tìm hiểu và được biết đến văn hóa "after stop" hay còn gọi là đi nhờ (quá giang). Ở đây, nhiều khu vực không có taxi và các phương tiện công cộng khác, phần lớn người dân di chuyển bằng xe cá nhân.

Trong suốt 2 ngày từ Kazakhstan đến Kyrgyzstan, cô nàng đã đi hơn 10 chuyến xe với khoảng 500 km. Trong đó, có 4 lần trả phí với mức thấp hơn so với taxi bình thường và các chuyến xe còn lại đều được mọi người phát tâm hỗ trợ.

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 2.

Căn phòng "ở nhờ" ấm cúng, đầy đủ tiện nghi

NVCC

Đi nhờ xuyên biên giới từ Kyrgyzstan về Kazakhstan là một trải nghiệm thú vị với cô gái quê ở tỉnh Bình Thuận. Trang cho hay bản thân bị mệt do say xe, cộng thêm mang theo hai túi đồ làm quà và không có tiền mặt do thói quen sử dụng thẻ ATM. Trong khi chi phí rút tiền qua thẻ rất cao, cho nên cô nàng phải tìm cách đi nhờ.

Thật may tại biên giới, Khánh Trang gặp được một người đàn ông bế con 2 tháng tuổi cho cô nàng đi nhờ. Người đàn ông dừng xe ở trạm taxi, lấy ra tờ 5.000 tenge (khoảng 300.000 đồng) cho Trang. Trang tâm sự: "Dù với mình đó không phải là số tiền lớn nhưng trong tình thế đó, nó như 1 chiếc cầu vồng xuất hiện giữa cơn giông, xóa tan mọi mệt nhọc của cả ngày hôm ấy".

Trong ngày thứ hai của hành trình, Trang được một người đàn ông cho đi nhờ đến Charyn Canyon và kiêm luôn hướng dẫn du lịch cho cô nàng.

Ngoài đi nhờ xe, Trang cũng ở nhờ nhà người dân để tiết kiệm chi phí và trải nghiệm văn hóa. Trang thuê nhà nghỉ 3 ngày đầu và thời gian còn lại cô nàng ở nhờ nhà người dân địa phương. Trang cho biết muốn có cơ hội sống và sinh hoạt cùng người dân bản địa để biết thêm về văn hóa, nên cô quyết định chọn ở nhờ. Trang chia sẻ: "Người dân địa phương nơi đây rất sẵn lòng cho du khách ở nhờ bởi họ muốn được giao lưu và có thêm trải nghiệm về văn hóa các nước khác".

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 3.

Trang trải nghiệm đi chợ tại Osh bazzar

NVCC

"Mình tìm kiếm các chủ nhà trên ứng dụng Couchsurfing - một ứng dụng chia sẻ chỗ ở của dân du lịch toàn cầu. Từ khi còn ở Việt Nam, mình đã nhắn tin liên hệ với các chủ nhà. Mình trao đổi với chủ nhà về lịch trình du lịch của bản thân để họ sắp xếp và chuẩn bị những phần quà nhỏ cho họ. Họ đều thân thiện và mến khách". Trang nói. Trong thời gian sống cùng chủ nhà, Trang phụ giúp họ đi chợ và nấu ăn.

Tại Karakol (Kyrgyzstan), Trang ở nhờ nhà người dân địa phương gần hai tuần. Chủ nhà dành một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi và tin tưởng giao chìa khóa cửa cho Trang. Nói về hành trình 4 tuần du lịch bụi, Trang tâm sự: "Mình thật sự may mắn khi được rất nhiều người tử tế giúp đỡ trên suốt hành trình. Mình mãi nhớ chiếc bánh mì nóng hổi của chú đầu tiên cho mình đi nhờ, lần quá giang gần 2 giờ từ một người lạ dù không chung đường và vô số lần gặp gỡ thú vị khác".

Những điều cần lưu ý khi du lịch… bụi

Bên cạnh những trải nghiệm thú vị về văn hóa, Trang cũng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở hai quốc gia này. Cô nàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp Charyn ở Kazakhstan, dãy núi đá đỏ tuyệt đẹp với địa chất độc đáo dựng đứng giữa đồng bằng. Trang còn có cơ hội trải nghiệm cưỡi ngựa vô cùng thú vị và được chiêm ngưỡng ngôi làng bao bọc giữa rừng thông và núi tuyết.

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 4.

Trang trải nghiệm cưỡi ngựa đi qua rừng gai

NVCC

Cũng trong hành trình này, Trang gặp được những người bạn đồng hành từ nhiều quốc gia khác. Trang tâm sự: "Mình gặp được vợ chồng người Thụy Sĩ và được anh, chị chia sẻ về hành trình đi "bụi" trên campervan xuyên Mỹ, Canada, Trung Quốc… Anh, chị khen cà phê Việt Nam ngon, lối sống nhộn nhịp, đồ ăn đường phố phong phú và rất nhiều điều đáng trải nghiệm".

Cũng từ trải nghiệm của mình, Trang khuyên những bạn có dự định du lịch ở các quốc gia Trung Á, đặc biệt là 2 nước này nên đổi USD trước ở Việt Nam rồi đổi sang đơn vị địa phương ở Trung Á bởi chi phí rút tiền ATM ở đây rất cao. Trang tâm sự: "Dù tiết kiệm và hạn chế rút bằng thẻ ATM nhưng mình cũng phải chi ra hơn 500.000 đồng cho phí rút tiền".

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 5.

Gặp gỡ vợ chồng người châu Âu trên đường leo núi

NVCC

Cũng trong hành trình này, Trang gặp vấn đề về sức khỏe do chênh lệch nhiệt độ. Cuối tháng 3.2024, Trang lên chuyến bay kéo dài gần 11 giờ đồng hồ để đến sân bay quốc tế Almaty (Kazakhstan). Thời điểm này là mùa xuân ở Trung Á nhưng nhiệt độ tại Almaty giảm sâu, có khi chỉ 5 độ C. Với nhiệt độ xuống thấp, Trang khuyên những du khách tới đây nên mang theo đầy đủ áo phao, đồ ấm, khăn choàng, mũ len, găng tay khi du lịch vào mùa đông hoặc đầu xuân.

Một trong những khó khăn mà Trang gặp phải trong hành trình 4 tuần ở Trung Á là bất đồng ngôn ngữ. Người dân địa phương trong trung tâm nói tiếng Nga, vùng ngoại ô dùng Kazakh hoặc Kyrgyz, tiếng Anh chỉ một ít bạn trẻ có thể hiểu được. "Việc các bạn cần chuẩn bị trước khi khởi hành là tải app dịch thuật không cần sử dụng internet bởi những đoạn đường cao tốc hay ngoại ô mạng rất kém. Nếu không sử dụng được app dịch thuật, các bạn cũng có thể dùng ngôn ngữ cơ thể", Trang bật mí.

Đồ ăn ở Kyrgyzstan chủ yếu là thịt bò, cừu, ngựa nên tìm một địa điểm bán thực phẩm chay vô cùng khó. Là một người ăn chay, Trang "dở khóc dở cười" bởi nhiều lần "lên bờ xuống ruộng" để tìm đồ ăn chay ở đây. Có một lần cô nàng bị đuổi khỏi nhà hàng vì muốn ăn đồ chay nhưng bị họ từ chối.

Cô gái kể về văn hóa 'đi nhờ, ở nhờ' chuyến du lịch ‘bụi’ ở nước ngoài- Ảnh 6.

Cô nàng ghi lại cảnh đẹp trong chuyến du lịch... bụi

NVCC

Trang bộc bạch: "Là con gái cần cẩn thận khi đi du lịch một mình và khi tiếp xúc với đàn ông. Dù đã có nhiều du lịch bụi từ trước nhưng mình vẫn thấy hơi sợ khi có những trải nghiệm không mấy vui vẻ khi bị "gạ gẫm". Lúc đó mình phải nói dối đã lập gia đình để từ chối họ". Là một giáo viên dạy tiếng Anh tự do, chỉ cần với 1 chiếc máy tính và bất kỳ nơi nào có mạng internet, Trang đều làm việc được để kiếm thêm thu nhập.

Một tháng du lịch "bụi", Trang chi ra 24 triệu đồng. Trong đó, vé máy bay khứ hồi quá cảnh ở Kuala Lumpur khoảng 11 triệu đồng, nhà nghỉ 1 triệu đồng, ăn uống đi lại, vé vào cổng điểm du lịch khoảng 8 triệu đồng, quà và chi phí quá cảnh ở Kuala Lumpur (Malaysia) khoảng 4 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.