“Nhìn vậy” tức là gầy nhom, cân nặng chắc chỉ chừng chưa tới bốn mươi ký. Đôi cánh tay khẳng khiu tưởng như khó có thể làm nổi việc gì. Tóc loe hoe cháy nắng, và cái nước da đặc trưng xứ đó thì không lẫn vào đâu hết. Được cái đôi mắt to và cặp chân mày khá nét. Chị chủ buông câu hỏi: "Con biết chữ không?", nhận lại cái gật đầu: "Con học gần xong lớp mười một rồi mới nghỉ".
Chị chủ nghe qua, khẽ buông một tiếng thở dài.
Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup) ở Sóc Trăng là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer |
thiên anh |
Đó là khoảng hơn mười năm trước, khi chị chủ nhà sinh đứa con thứ hai, và liên tục cần người phụ việc, ẵm em. “Tìm osin thời nay còn khó hơn tìm chồng” là lời cảm thán vừa đùa vừa thật của những ai bận bịu, vướng víu bởi việc nhà, trẻ nhỏ, người già đau ốm... Chỉ trong thời gian ngắn, chị chủ mệt mỏi vì phải đổi người giúp việc, bởi họ nghỉ ngang hoặc không thể đáp ứng nổi yêu cầu công việc.
Nói “yêu cầu” cho sang, chứ lên thành phố giúp việc nhà chỉ cần thành thật, chăm chỉ, chịu khó học hỏi vài thứ căn bản là được nhận lương, bao ăn ở rồi. Biết lau nhà, chạy máy giặt, cắm nồi cơm điện và bật bếp gas, đại khái thế. Vậy nhưng, không phải ai cũng trụ lại được. Vô số lý do để rời đi, có khi chỉ sau vài ngày, chưa kịp quen hơi quen chỗ. Cái áp lực mang tên gọi khó nghe “đi ở đợ” lớn quá, vận vào suy nghĩ của nhiều người. Kiểu như sợ bà con chòm xóm chê cười. Rồi thì lạ nhà, ăn không quen, khó ngủ, được bạn bè rủ rê chỗ khác lương cao hơn… Thậm chí là làm biếng lao động cũng có. Chị chủ trải nghiệm đủ các chiêu trò, hoàn cảnh rồi. Lại còn tình huống nhận tiền công xong liền xin về thăm quê, ở lì dưới đó, tận khi nào cạn sạch mọi đồng thì mới nghĩ tới đi làm trở lại, mặc kệ chủ nhà khốn khổ loay hoay xoay sở.
Nhưng cô bé Khmer tên Vui ấy là ngoại lệ. “Ở quê con toàn ngủ bụng đói”, là lời bộc bạch của nó khi được ăn bữa tối “thoải mái bới thêm cơm” đầu tiên ở nhà chị chủ. Vui hiền, ít nói, khi đi đứng hay nhìn xuống đất. Con bé rất ngoan, bảo ăn cơm trước để còn trông em, nó cũng ngại, không dám. Chưa từng tơ hào một món gì rơi rớt ở nhà chủ. Dặn cứ việc mở tủ lạnh ăn bánh ăn "da-ua" khi nào thèm, nó hầu như chưa bao giờ chủ động. Chị chủ cho nó mấy bộ quần áo đã mặc rồi, nó cũng xếp cất vô trong cái giỏ cũ: "Để dành tới tết mang về cho em của con mặc. Đồ còn mới quá chừng nè…".
Nó kể, nhà gần ngã ba Phú Lộc, tất nhiên là miết ở trong vùng sâu. Mỗi dịp tết của người Khmer đều rất náo nhiệt, đàn hát vui vầy. Nhưng bình thường thì người trẻ chẳng biết làm gì ra tiền. "Con được bà cò đến tận nhà rủ đi làm. Còn có mấy người khác, họ đi Bình Dương hay Long An nhiều lắm. Ba con hay thích nhậu miết, má con đi nhổ cỏ mướn đâu đủ mua rượu cho ba. Hồi đó con được nhà trường miễn tiền học, lại tặng thêm học bổng. Nhưng năm rồi ba con đổ bệnh, nên con muốn đi làm phụ mẹ để lo cho ba…", nó nói tiếp.
Sự cảm mến dành cho nhau ngày một tăng thêm khi chị chủ nhận ra con bé Vui thích đọc sách. Hễ rảnh rỗi là nó say sưa với sách báo. Nó mê mẩn với cái tủ sách be bé ở trên lầu. Chị chủ thi thoảng dành thời gian nói chuyện với Vui. Kể cho nó nghe vài điều có vẻ “cao siêu” như bình đẳng, ước mơ, tự lập, nghề nghiệp, nhân phẩm... Mắt con bé khi thì sáng lấp lánh, có lúc rưng rưng, nhằm hôm lại mang dáng vẻ suy tư, nghĩ ngợi.
Nghèo nhưng thơm thảo và lương thiện, là nhận xét âm thầm của chị chủ dành cho con bé giúp việc. Mùa hành tím mùa vú sữa ở quê, nó thắc thỏm nhắn người nhà gởi xe lên một thùng nho nhỏ “Để cho cô chú ăn thử”. Kèm theo đó là mấy trái quách nâu nâu mà chủ nhà bối rối không biết ăn làm sao, uống làm sao, trước sự hí hửng khen ngon của cô nhỏ giúp việc. Có dịp về thăm nhà, nó mua mang lên ít cốm dẹp, vài chục ba khía muối. "Con để dành cho cả nhà mình ăn chơi cho đỡ nhớ quê". Lời thật thà “cả nhà mình”, khiến chị chủ dưng không mà thấy lòng xúc động.
Năm tháng đi qua rất nhanh. Nhà cửa từ khi có Vui trở nên tươm tất, gọn gàng, ấm êm, ổn định thấy rõ. Con trai nhỏ của chủ nhà nay đã nói sõi. Khi chị chủ gò cho con gái lớn những nét sổ nét ngang đầu đời để chuẩn bị vào lớp một, thì con Vui quét nhà quanh đó cứ lần chần. Cuối cùng nó đánh bạo: "Hay cô để con kèm em cho! Hồi còn ở nhà con cũng hay dạy mấy đứa con nít xung quanh học chữ, đọc truyện tranh cô à".
Để một ngày kia, chị chủ nghe nó ngần ngừ đề nghị: "Cô à, con muốn xin cô đi học thêm buổi tối, để thi lấy bằng cấp ba. Con làm xong hết việc nhà rồi mới đi, được không cô? Nếu cô không ưng thì thôi cũng không sao nha cô!".
Khoảnh khắc ấy, chị chủ bỗng da diết nhớ về ấu thơ của chính mình. Cái thời ở trong bưng, trong ruộng, trời mưa thì đi bắt cá nhoi, mùa nắng thì đi nhổ năn, hái rau dừa rau ngổ về nấu canh. Chái bếp phía sau có nuôi kèm một con heo. Nó ăn cám ăn bèo tấm và chậm lớn, thịt chắc nịch. Đấy là ướm nghĩ thế thôi, chứ má chị đã gả bán “bé heo” vào một dịp nhà cần tiền mà chưa kịp đợi nó đủ khôn đủ lớn. Làm gì có cơ hội để nếm thử thịt nó cơ chứ! Hồi đó, thịt heo hầu như Vui chỉ được ăn thỏa thuê vào mấy ngày tết. Miền Tây không thiếu thức ăn, tôm cá đầy đồng, dễ dàng có thứ bỏ vào nồi. Nhưng tiền để đi chợ, mua sắm, đóng học phí… thì hiếm hoi lắm.
Nên con Vui mới chưa kịp lấy cái bằng tú tài thì đã nghỉ ngang. Chị chủ không khó để hình dung ra vùng đất ấy. Ngang qua Sóc Trăng, với những địa danh như Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, những nếp nhà, phum, sóc đều sơ sài, heo hút. Nghề nông quanh quẩn thiếu hụt. Nhưng một con bé lanh lợi đáng yêu và đầy tự trọng như này, phía trước của nó đâu thể tiếp tục với cái nghề giúp việc nhà mãi được!
Chị bàn với chồng, thu xếp cho Vui theo học lớp bổ túc gần nhà. Nó đòi đi bộ… cho khỏe, nhưng chị vẫn cương quyết đầu tư một cái xe cũ. Ngày con bé “khai giảng”, nhìn bóng nó hân hoan đạp xe đến trường, chị mỉm cười tin rằng, cô bé tên Vui rồi sẽ có một tương lai khác hẳn bây giờ.
Câu chuyện nho nhỏ này có hậu nhiều hơn bạn tưởng. Cô gái Khmer gầy gò da ngăm ấy cuối cùng đã thi xong cấp ba, dành dụm được chút tiền, quay lại quê để theo Trung cấp sư phạm. Ngày chia tay, cô bé mạnh dạn bảo, con sẽ về dạy các em nhỏ ở quê giống như mình.
Chị chủ tiễn Vui ra xe. Đâu phải cứ bà con họ hàng thì người ta mới thấy lòng quyến luyến. Thằng nhóc lon ton vẫy tay mãi, miệng liên hồi kêu lên “tạm biệt chị Vui, chị Vui”...
Bình luận (0)