Cô gái làm nức lòng người dân

04/11/2013 03:05 GMT+7

Những sáng kiến của Hà Thị Ánh Tuyết (đang làm việc tại Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam) luôn gắn liền với những lợi ích của người nông dân.

Những sáng kiến của Hà Thị Ánh Tuyết (đang làm việc tại Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Nam) luôn gắn liền với những lợi ích của người nông dân.

 Cô gái làm nức lòng người dân
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Hà Thị Ánh Tuyết luôn gắn liền với lợi ích của nhà nông - Ảnh: Hoàng Sơn

Thành công lớn nhất của dự án “Ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” do Hà Thị Ánh Tuyết chủ nhiệm là giúp người nông dân có thể tự làm phân bón. Với lợi thế có thể tận dụng những phế phẩm nông nghiệp tưởng phải bỏ đi, công thức làm loại phân này đã làm nức lòng nhiều người. Nhưng ít ai biết rằng để phổ cập quy trình sản xuất, Tuyết đã âm thầm thiết kế thêm một nội dung nằm ngoài dự án, đó là hướng dẫn trực tiếp cho nông dân tự làm phân bón vi sinh ở quy mô hộ gia đình.

Để có thể tìm ra chế phẩm sản xuất phân bón vi sinh, chị thường xuyên ngửi mùi hôi và không ít lần trực tiếp “vọc” các loại phân động vật như heo, bò, gà, vịt… Trong 2 năm kiên trì như thế, các thành viên dự án đã thiết kế và đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho 2 sản phẩm gồm: chế phẩm vi sinh vật chức năng FBP và phân hữu cơ vi sinh chức năng FMF (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyết định đăng ký nhãn hiệu độc quyền ngày 6.3.2012). Sau khi sản xuất được phân vi sinh, nhóm nghiên cứu đã đem khảo nghiệm hiệu lực trên 3 mô hình: ớt ở Điện Bàn, ngô ở Duy Xuyên và tiêu ở Tiên Phước.

 

Cách sản xuất phân hữu cơ vi sinh

Theo Ánh Tuyết, để ủ 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, người dân cần gom trước các loại phân lợn, bò, gà, rơm rạ, lá cây... Tiếp đó, người làm phân bỏ thêm 3 kg chế phẩm phân hữu cơ vi sinh FBP, đồng thời bổ sung thêm các loại phân khoáng, chất mồi để tạo môi trường dinh dưỡng cho vi sinh vật hoạt động, phân giải. Để đống phân tơi xốp, phải đảo trộn nhiều lần trong khoảng thời gian từ 20 - 25 ngày. Sau khi phân đã hoai mục, người dân chỉ cần bỏ thêm chế phẩm vi sinh vật đậm đặc là có thể đem bón cho cây trồng.

Thí nghiệm trên 1 ha cây trồng (1 mô hình), chị Tuyết đã cho bố trí một nửa diện tích bón phân theo kỹ thuật của địa phương, nửa diện tích còn lại bón phân kết hợp với phân vi sinh. Kết quả cho thấy, kiểu bón phân truyền thống tốn 100 kg phân khoáng, còn nếu bón theo thí nghiệm với phân hữu cơ vi sinh, người dân chỉ bỏ thêm 70 kg phân khoáng. Như vậy, trên diện tích nhất định đã giảm được 30% phân khoáng. “Phân hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo, tăng cường lượng lớn vi sinh vật cho đất, ngược lại, nếu bón nhiều phân khoáng sẽ gây các tác động xấu đến môi trường đất. Giảm được 30% phân khoáng không chỉ tiết giảm một lượng kinh phí lớn trên quy mô toàn tỉnh mà còn giúp đất canh tác phục hồi tốt hơn”, Tuyết phân tích.

Cũng trong quá trình thực hiện tiểu phần này, Tuyết phát hiện ra rằng, người nông dân cũng có thể tự làm phân bón hữu cơ mà không mất nhiều thời gian và kinh phí. Tuyết tâm sự: “Việc sản xuất chế phẩm tại phòng thí nghiệm thì người dân không thể thực hiện nhưng sản xuất phân theo quy mô nhỏ lẻ thì họ hoàn toàn có thể tự làm được. Do đó, dự án phát sinh thêm nhiệm vụ: kết hợp các hội thảo đánh giá hiệu lực của loại phân này để hướng dẫn người dân cách sản xuất”.

Tuyết luôn suy nghĩ, công việc chuyên môn của mình là gắn liền với ngành nông nghiệp nên những dự án của mình hướng đến người nông dân thì không có gì lạ. Dù không muốn nói nhiều về mình nhưng ai cũng hiểu, Tuyết luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người nông dân. Hơn thế nữa, những dự án của Tuyết đang theo đuổi đều gắn liền với lợi ích thiết thực của người nông dân.

Đầu năm 2013, Tuyết tiếp tục chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm đặc trưng tỉnh Quảng Nam”. Đây là đề tài thực hiện việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý và phát triển cho 4 sản phẩm nhãn hiệu tập thể, gồm: Tiên Phước cho sản phẩm tiêu, Cửa Khe cho sản phẩm nước mắm, Đại Bình cho sản phẩm bưởi và Bàu Tròn cho sản phẩm rau.

Tuyết được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của vào tháng 9 vừa qua.

Hoàng Sơn

>> Phân bón giả tràn lan
>> Dùng kim cương chế tạo phân bón
>> Dồi dào nguồn cung phân bón
>> TP.HCM đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài
>> Nông dân nắm giá hồ tiêu xuất khẩu
>> Thành lập Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.