Chị Như tốt nghiệp ngành nông học Trường ĐH Cần Thơ. Ra trường có việc làm ổn định nhưng chị vẫn đam mê nghề làm bánh truyền thống. Năm 2018, sau khi lập gia đình và có con nhỏ, chị quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp với nghề làm bánh da lợn.
Chị Như cho biết thời gian đầu chị gặp không ít khó khăn vì bánh làm ra rất khó cạnh tranh, do khách hàng dễ dàng tìm mua ở các chợ truyền thống hoặc gánh hàng rong. Từ đó, chị mày mò nghiên cứu, cách tân loại bánh truyền thống này để tạo sự khác biệt.
Yếu tố tạo nên thương hiệu bánh da lợn của chị Như là nguyên liệu đều dùng làm bánh đều từ cây trái tự nhiên, như: lá dứa tạo màu xanh, lá cẩm tạo màu tím than, trái gấc tạo màu cam, đậu biết tạo màu tím… Đặc biệt, chị đã cách tân bánh da lợn truyền thống từ 3 - 5 lớp lên 30 lớp và làm nên bánh da lợn cuộn tròn, bánh da lợn bánh bò.
"Đổ bánh da lợn nhiều lớp rất kỳ công và tốn thời gian. Mỗi lớp bánh rất mỏng, cứ sau khoảng 2 phút thì đổ lớp tiếp theo. Việc canh thời gian để đổ lớp quan trọng, bởi nếu chín quá thì bánh bị rổ mặt, còn nếu chưa chín thì các lớp sẽ dính vào nhau", chị Như chia sẻ.
Một loại bánh đặc sắc khác của chị Như là bánh da lợn cuộn với nhiều lớp cuộn tròn, khi cắt khoanh ra nhìn rất đẹp mắt và độ ngon không kém bánh da lợn nhiều lớp.
Kỳ công hơn nữa là sáng chế bánh da lợn bánh bò, từng tạo ấn tượng tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ TP.Cần Thơ năm 2022. "Bánh da lợn bánh bò được đổ bằng chung uống trà nhỏ. Trên cùng, tôi đổ một lớp bánh bò. Sự kết hợp này làm nên loại bánh lạ, vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt", chị Như lý giải.
Mỗi tháng, chị Như xuất bán gần 800 kg bánh da lợn ra thị trường. Nhờ đó, chị có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Bánh được bán chủ yếu qua trang mạng xã hội và xuất sang Campuchia, Hàn Quốc. Gần đây, bánh cũng được xuất bán qua thị trường Macau với số lượng khoảng 20 kg/tuần.
"Bánh da lợn bán ra nước ngoài được cấp đông và chủ yếu qua trung gian. Hiện, tôi cũng thuê 3 thợ phụ để kịp làm giao theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước", chị Như cho biết.
Bình luận (0)