Câu chuyện nhận được nhiều bình luận tích cực từ cư dân mạng. Mọi người cho rằng đây là một trong những điều tử tế, dễ thương trong cuộc sống. Chủ nhân bài đăng hãy đối xử tốt với người khác như cách mà người lạ đã từng giúp đỡ không cần báo đáp.
Biết ơn những điều tử tế
Nhân vật chính trong câu chuyện trên là chị Bùi Thị Thanh Hiền (25 tuổi, ở Q.12, TP.HCM). Vụ việc xảy ra cách đây không lâu khi chị đang di chuyển trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1). Lúc đó, chị bỗng cảm thấy khó thở, xây xẩm mặt mày, cảm giác tê rần chạy dọc hết cơ thể. Trước đây, cô gái thường xuyên gặp tình trạng này nên tấp ngay vào lề, ngồi bệt xuống đường ôm xe chịu đau. Chân tay không cử động được, chị nói không ra hơi và xỉu đi một lúc.
Không lâu sau, một nam tài xế công nghệ đã chạy tới hỏi thăm nhưng chị không trả lời nổi vì quá mệt. Thấy vậy, người tài xế đã nhờ một người phụ nữ đang rút tiền cách đó không xa đến kiểm tra tình hình. Một người bảo vệ ở tòa nhà gần đó đã dìu chị vào chỗ mát, người khác lại mua trà đường để chị uống. Có người sẵn sàng đưa ly sinh tố của họ bảo cô gái uống cho lại sức.
"Sau khi thấy tình trạng của mình tệ hơn, người phụ nữ rút tiền và anh đồng nghiệp liền gọi taxi chở vào bệnh viện Q.1, không quên gọi báo cho ba mình. Vì ba đang ở xa nên chị thành "người nhà bệnh nhân", khai giấy tờ để đưa vào phòng cấp cứu. Chị ấy đã chi trả toàn bộ tiền viện phí, đợi đến khi mình khỏe mới rời đi và không để lại thông tin liên lạc. Lúc ốm đau đã quen việc không có ai bên cạnh nên khi được người khác giúp đỡ, bản thân thấy rất ấm lòng", chị Hiền chia sẻ.
Vì chỗ chị sống xa Q.1 và cũng bận đi làm nên hiện chưa sắp xếp được thời gian chạy đến tìm lại người giúp đi bệnh viện. Cô gái áy náy vì lúc cấp cứu không nói được gì nhiều, nhưng thật lòng biết ơn vì họ đã dành gần 2 tiếng ở cạnh và chăm sóc. Chị đăng bài lên mạng xã hội để lưu giữ kỷ niệm, kết nối được với ân nhân và mong mọi người luôn có niềm tin người tốt luôn quanh ta.
"Mình là người nhận diện mặt hơi kém, phải gặp nhiều mới nhớ được. Tuy nhiên, lần này mình nhớ rất rõ hình ảnh hai người đã đưa vào bệnh viện và cả những người đã quan tâm mình vào ngày hôm đó. Người phụ nữ khoảng 30 tuổi, mình muốn gửi lời cảm ơn chân thành vì hành động của họ quá đỗi tốt đẹp", cô gái nói.
Thay đổi tích cực
Sau khi đăng tải câu chuyện, chị Hiền đọc được những góp ý về việc chăm sóc sức khỏe. Cô gái nhận ra rằng nên để thông tin cá nhân, số điện thoại người thân bên cạnh để người đi đường liên lạc nếu gặp tình huống bất ngờ.
Bản thân sẽ đi khám tổng quát hoặc khám định kỳ để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, cần mua bảo hiểm y tế giảm thiểu các chi phí nếu không may phải điều trị ở bệnh viện.
Chị Hiền tâm sự, trước đây hơi e ngại với việc giúp đỡ người không hề quen biết. Tuy nhiên, khi nhận được sự quan tâm từ những ân nhân trong câu chuyện này, chị cảm thấy xấu hổ với chính mình và xem họ là những tấm gương để thay đổi bản thân.
"Có lẽ vì ngại, cảm thấy không tiện và nghĩ nếu không phải mình sẽ có người khác giúp đỡ nên mình bỏ qua các cơ hội giúp một ai đó trong đời. Môi trường sống và những trải nghiệm trước đó đã khiến mình mất niềm tin, nhưng nhờ có mọi người, mình vỡ lẽ hóa ra cuộc sống này chưa bao giờ tệ. Vì không thể thay đổi thế giới, mình sẽ chọn cách thay đổi bản thân theo hướng tích cực, giúp đỡ người khác" chị Hiền tâm sự.
Ông B.V.K., ba chị Hiền cho hay, bản thân nhận được cuộc điện thoại từ người lạ báo con gái bị mệt khi đang đi đường. Họ bảo sẽ bắt xe để con gái về trước rồi hôm sau quay lại Q.1 lấy xe.
"Sau đó vì sức khỏe con không tốt nên được họ đưa vào phòng cấp cứu ở bệnh viện. Vì lúc đó tôi đang ở Long An nên không thể về TP.HCM chăm sóc con gái. May mắn người đi đường đã làm thủ tục cho con, sức khỏe con ổn định lại, tôi không biết nói gì ngoài gửi lời cảm ơn chân thành đến họ", ông K. bày tỏ.
Bình luận (0)