Lan tỏa trên mạng xã hội:

Cô gái xúc động nâng niu bút tích của ông ngoại để lại

25/02/2023 09:18 GMT+7

Đọc những dòng trong đơn đề nghị xác nhận nhập hộ khẩu ông ngoại viết cho mình, chị Lệ Thu xúc động rơi nước mắt.

Trong lá đơn đề nghị viết vào ngày 17.7.2006, người ông viết do hoàn cảnh nhà con gái ruột khó khăn nên từ năm 2001, ông đã đón cháu ngoại về nuôi, cho cháu ăn học đầy đủ. Tuy nhiên vì cháu chưa được nhập hộ khẩu vào nhà (thời điểm chưa bỏ hộ khẩu) nên ông viết đơn, xin xác nhận của tổ dân phố. Những dòng chữ được ông viết nắn nót, cẩn thận khiến người cháu rưng rưng. Ông ngoại vừa mất cách đây không lâu nên nỗi nhớ lại càng da diết.

Cô gái xúc động nâng niu bút tích của ông ngoại để lại - Ảnh 1.

Gia đình chị Thu quây quần bên ông ngoại

NVCC

"Tất cả những gì của ông lại hiện về !"

Người cháu trong câu chuyện trên là chị Trần Thị Lệ Thu (28 tuổi, hiện ở Hà Nội). Ông ngoại chị tên là Bùi Xuân Đản. Chia sẻ với Thanh Niên, chị cho biết hoàn cảnh gia đình có chút đặc biệt. Ngày chị bé, nhà bố mẹ nghèo, thấy con gái khổ quá nên ông đón cháu từ nhà con gái ở Ninh Bình lên TP.Phủ Lý (Hà Nam) ở cùng ông từ lớp 1.

"Ông có thói quen giữ gìn đồ đạc rất cẩn thận. Trước khi ông mất, mình có xin ông bộ giấy tờ để mang lên Hà Nội làm giấy đăng ký kết hôn. Ngoài tờ giấy xin xác nhận nhập hộ khẩu, ông còn giữ sổ liên lạc, học bạ. Mình nhanh chóng nhận ra chữ của ông, mới đọc qua mấy câu là không kìm được nước mắt, tất cả những gì của ông lại hiện về", chị bộc bạch.

Quãng thời gian ở với ông, chị được chăm sóc từng chút một, ngày ngày đưa chị đi học. Thấy con gái ở quê làm ruộng vất vả, ông cũng cho đi học may và làm công nhân.

Cô gái xúc động nâng niu bút tích của ông ngoại để lại - Ảnh 2.

Chị Thu hồi nhỏ (bé bên phải) cùng chị họ, ông ngoại và mẹ

Sau lá đơn nói trên, chị Thu được nhập vào hộ khẩu gia đình ông và vào lớp 6. Ngày đi học, ông dắt chị vào tận trường cấp 2. Trước đây, ông quê gốc ở Ninh Bình, từng đi học rồi dạy ở Trường trung cấp Bưu điện Hà Nam. Về sau ông chuyển sang làm kế toán - thủ quỹ cho đến khi nghỉ hưu. Năm chị Thu học lớp 7, ông Đản về lại Ninh Bình, hai mẹ con vẫn tiếp tục ở lại Phủ Lý, Hà Nam học.

Năm 2012, ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và phải nằm viện liên tục. Ông vừa mất cách đây không lâu. Khi được chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội, ông đã không còn nói chuyện được dù vẫn tỉnh táo. Thấy chị khóc, ông cứ nắm tay như bảo "đừng khóc!". Chị hỏi: "Ông có nhận ra con không?", ông chỉ thều thảo nhỏ: "Có, Hà" (tên gọi khác của chị Thu). Sau đó một ngày, ông chị rơi vào hôn mê rồi qua đời.

Cô gái xúc động nâng niu bút tích của ông ngoại để lại - Ảnh 3.

Chị Thu xúc động khi nhận ra bút tích của ông

"Ông lúc nào cũng nhẹ nhàng"

"Đến bây giờ mình vẫn chưa tin ông đã mất. Mỗi lần về quê vẫn nghĩ ông đang lúi húi trong nhà như mọi lần và hỏi: "Đứa nào đấy? Hà à? Thế mẹ con có về không?". Mình vẫn luôn hình dung dáng ông ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài đăm chiêu", chị nói. Với chị, ông là người cẩn thận, tỉ mỉ, có lối sống rất tân tiến. Ông thích nghe những chuyện của giới trẻ hiện đại và rất chiều mẹ chị. Dù có tuổi nhưng lần nào con gái về nhà cũng cặm cụi trong bếp nấu nướng.

Cô gái xúc động nâng niu bút tích của ông ngoại để lại - Ảnh 4.

"Ngày bé mình ở với ông nhưng rất ít khi bị ông mắng. Ông chỉ nhắc một vài lần gây tội tày trời như gọi điện linh tinh trên điện thoại, cuối tháng tiền điện thoại hơn 100.000 đồng (hồi xưa rất to), làm hỏng ti vi và lấy lọ che đi chỗ hỏng… Còn lại ông lúc nào cũng nhẹ nhàng", chị Thu nhớ lại.

Bà Bùi Thị Lan (46 tuổi, mẹ chị Thu) chia sẻ bà không thể quên tất cả những ký ức về bố. Bà thương bố cả một đời vất vả, thương con, thương cháu. Bà đọc lại bút tích rồi không ngủ được vì nhớ bố. "Bố thấy vợ chồng tôi bươn chải, vất vả nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá nên muốn cháu gái ở cùng, lo học hành để sau này có tương lai tốt đẹp hơn. Bố là người mẫu mực, không rượu chè, cờ bạc. Con gái tôi trưởng thành, có được như ngày hôm nay là nhờ bố", bà bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.