Sống giàu tình nghĩa
Nhiều năm qua, những ai thường qua lại hẻm 51, đường 3.2 (P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) hẳn đều quen thuộc với xe bánh cam của ông Thế. Chiếc xe đạp cũ với tủ bánh nhỏ chở thêm nhiều phụ kiện như bình nước, áo mưa, giỏ xách, ghế ngồi. Những ngày trưa nắng, dòng người vội vàng lướt qua, ông Thế ngồi bó gối trong bóng mát nhỏ nhoi của cột điện, kiên nhẫn chờ khách đến mua. Bánh làm từ bột nếp, nhân đậu xanh, giá 4.000 đồng/cái.
Bánh cam có giá 4.000 đồng/cái |
THANH DUY |
Ông Thế kể, ông có 2 người vợ. Chung sống với người vợ đầu được 2 mặt con, bỗng dưng bà phát bệnh tâm thần. “Tự nhiên bả hốt hoảng, hét lên một tiếng thất thanh rồi tinh thần bất ổn từ đó. Tiền của tích cóp tiêu tan theo những lần điều trị, chạy chữa đủ đường vẫn không khả quan. Cảm giác hụt hẫng lắm khi người bạn đời nếm mật nằm gai với mình mấy chục năm từ minh mẫn bỗng hóa khù khờ. Sự thay đổi đó diễn ra nhanh quá nên tôi bị sốc. Tôi luôn tin là vợ sẽ khỏi, vì vậy khi tia hy vọng cuối cùng cũng vụt tắt thì vô cùng suy sụp”, ông Thế buồn bã kể.
Ông Thế đã theo nghề hơn 15 năm |
THANH DUY |
Khi vợ đầu bị bệnh, các con còn nhỏ, một mình ông Thế phải vừa làm cha vừa làm mẹ. Sáng ra đường bươn chải kiếm tiền mưu sinh, chiều về lo chuyện cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm con. Vợ không tỉnh táo, nhiều lúc tự ý bỏ đi, ông phải gác lại mọi việc để tìm. Cuộc sống xáo trộn nhưng ông luôn đồng cảm, hết lòng chăm lo, không một lời thở than. Gia đình bên vợ thấy ông khổ cực nên khuyên ông lấy vợ mới để có người bầu bạn nhưng ông từ chối. Cứ thế, họ chung sống gần 11 năm.
Nhiều sinh viên gọi ông Thế một cách thân thương là ‘ngoại’ |
THanh duy |
Ông bén duyên với người vợ thứ 2 trong một lần chạy xe ôm ở bến xe Hùng Vương. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi nhưng tâm đầu ý hợp nên cả 2 quyết định đến với nhau để chia sẻ, bầu bạn lúc tuổi già. Ông bà và người vợ bệnh tâm thần sống cùng nhau dưới một mái nhà hơn 2 năm trong sự tử tế và hết lòng cảm thông lẫn nhau. “Bệnh tình của vợ ngày càng nặng, không chủ động được hành vi, ảnh hưởng nhiều đến mọi người xung quanh. Chính quyền gợi ý nên để bả cho nhà nước nuôi, gia đình bên vợ cũng đốc thúc vô nữa. Tôi đắn đo suy nghĩ nhiều lắm mới chịu đưa bả vô Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.Cần Thơ. Tình xưa nghĩa cũ, hiện giờ tôi vẫn thường vào thăm bả vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần”, ông Thế nói.
Dãi nắng dầm mưa chờ khách ghé mua |
THANH DUY |
Nhờ xe bánh cam có thêm hiểu biết
Ông Thế cho biết, nhờ gia đình người vợ thứ 2 truyền nghề ông mới biết cách làm bánh cam. Ông tự hào vì nhờ nghề này mà có điều kiện vượt qua cảnh nghèo, về già có thể sống tự lập sống, không trở thành gánh nặng của các con. Mỗi ngày, ông làm từ 150 - 200 cái bánh. Để tiết kiệm, ông mang theo bình nước, trưa kiếm quán cơm phần. Theo ông, so với một số nghề lao động khác, nghề bán bánh cam ít nhọc nhằn nhưng phải dãi nắng dầm mưa. Bánh đã ra lò thì thời tiết xấu đến đâu cũng phải mang đi bán.
Mỗi ngày ông Thế bán được 150 - 200 cái bánh cam |
THANH DUY |
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, ông Thế được thực nhiều khách đặt nickname là “ông bánh cam”, còn các sinh viên gọi thân tình là “ngoại”. “Mấy ngày kẹt công chuyện không ra bán là có người hỏi thăm. Có nhiều khách ăn từ nhỏ tới giờ vẫn ghé ủng hộ, dặn tôi ráng giữ gìn sức khỏe, đi ngang vẫy tay chào dễ thương lắm. Khách thương nhớ, dành tình cảm cho mình cũng là động lực để mình gắn bó với nghề. Như quán cà phê tôi đậu nhờ nè, thấy tôi ngồi khó khăn nên cho mượn luôn cái ghế dựa để đỡ mỏi lưng”, ông Thế cười tít mắt.
Ông Thế bắt đầu bán lúc hơn 8 giờ sáng |
THANH DUY |
Ông Thế kể, nơi bắt đầu bán bánh là một bến phà, sau đó bán dạo ở KCN Trà Nóc (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Hằng ngày, xe cộ không ngớt, công nhân qua lại liên tục nên bánh bán rất chạy. Buôn bán ở Cần Thơ ổn định nhưng khi còn trẻ, thỉnh thoảng ông quyết định đi TP.HCM, Long An, Kiên Giang, Cà Mau. Không phải đến đất khách bán được nhiều hơn mà vì ông thích xê dịch, muốn trải nghiệm đó đây.
Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm trong nghề, ông Thế cho biết vui nhất là những ngày vợ chồng lên TP.HCM bưng mâm bánh bán cho những công nhân làm việc trong xí nghiệp ở Q.Bình Tân. Lúc đó cực mà vui, vì TP.HCM có quá nhiều điều thú vị, học mãi không chán. “Người ta có tiền thì khác, mình không có điều kiện thì du lịch theo cách riêng của mình. Mình đi với hành lý là chiếc xe bánh cam, được tham quan nhưng vẫn không sợ đói. Cái nghề này hay ở chỗ đi đến đâu cũng được ủng hộ. Bánh cam rất phổ biến, người miền Tây hầu như ai cũng biết nên không sợ ế. Do đó đầu óc mình được thoải mái, muốn ở lại mười bữa nửa tháng trải nghiệm cho đã cũng không sao”, ông Thế nói.
Ông Thế rất yêu quý chiếc xe bánh cam của mình |
THANH DUY |
Xe bánh đã quá quen thuộc với những ai thường qua lại hẻm 51, đường 3.2, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ |
THANH DUY |
Trước đây muốn đi đâu, ông gói dụng cụ làm bánh gửi xe đò, còn ông chạy chiếc Dream “cà tàng” để tiện tìm những nơi tá túc giá rẻ. Sắp xếp ổn thỏa thì lựa mua chiếc xe đạp cũ để đi bán, thong dong đến những địa điểm ông thích. Nhờ nghề bán cam mà ông được nhìn ngắm nhiều cảnh đẹp ở miền Tây, mở mang kiến thức về đời sống, sinh hoạt, văn hoá, phong tục nhiều nơi. Đặc biệt, ông có cơ hội quen biết, tiếp thu nhiều điều hay từ những người bạn giỏi hơn mình. Khi có dịp gặp lại, họ cùng mời nhau ly cà phê vỉa hè, ngồi ôn lại chuyện cũ. Đối với ông, đó là niềm vui tuổi già, nhờ xe bánh cam mà có.
Nghề cũng vất vả, bấp bênh |
THANH DUY |
Khi có tuổi, ông Thế thôi đi bán ở các tỉnh thành khác, 10 năm nay neo đậu ở đầu hẻm 51. Với ông, nghề bán hàng rong có thú vị riêng. Lúc vắng khách, nhìn xe chạy ngược xuôi, mọi buồn phiền như quên đi hết. Mỗi buổi sáng, ông đều đạp xe một vòng thành phố để nhìn nhịp sống yên bình, hít thở không khí trong lành của ngày mới. Điều đó đã trở thành một thói quen để ông tìm thấy sự khuây khỏa, thư giãn cho bản thân. Vì vậy, chỉ những ngày ông nghỉ thì con hẻm mới vắng bóng hình ảnh chiếc xe bánh thân quen.
"Ông bánh cam” có rất nhiều khách mối |
THANH DUY |
“Công việc nào cũng vậy, mình xuất phát từ tình yêu, dồn hết tâm trí dành cho nó thì sẽ làm được. Nghề bán bánh cam phải thức sớm, vất vả nhưng không đến nỗi. Trời thương nên cho tôi sức khỏe dẻo dai, rắn rỏi, ít khi bệnh. Xe bánh cam có ý nghĩa với mình như vậy thì đâu có lý do gì mà nghỉ được, hễ còn sức là tôi còn làm”, ông Thế bày tỏ.
Bình luận (0)