Tuần qua, trên các phương tiện truyền thông rộ lên 2 câu chuyện. Một là ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi họ bác ý tưởng của Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT) xây Đài tưởng niệm những người đã hy sinh khi xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện 500KV quốc gia với mức đầu tư 108 tỉ đồng. Hai là ở Quảng Ninh, địa phương này đang thực hiện công trình "Cổng tỉnh và quần thể điểm dừng chân" ở địa phận giáp ranh với Hải Dương có tổng vốn đầu tư 198 tỉ đồng cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn và cả bất bình.
Chỉ sau khi có phản hồi của các cơ quan chủ quản, dư luận mới tường tận đầu đuôi sự vụ và có sự chia sẻ nhất định. Song, phải thừa nhận, sự lan tỏa của truyền thông chính thống và mạng xã hội ít nhiều đều có tác động nhất định để rồi qua đó đã được giải tỏa đi cái điều không đáng có kia.
Về chuyện EVNNPT có ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm những người đã hy sinh khi xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện 500KV, thực ra, đây mới là dự án đang trong thai nghén và được đưa ra hội thảo tại tỉnh Gia Lai. Dư luận không khỏi bức xúc khi công trình này có tổng vốn lên đến 108 tỉ đồng. Dư luận bất bình ở chỗ đây là một nguồn kinh phí khá lớn trong khi chúng ta đang tính toán làm mọi cách để không tăng giá bán điện nhưng rất khó khăn bởi bộ máy còn khá cồng kềnh, đầu tư đã có giai đoạn dàn trải, nay đang khắc phục dần thì cho dù nguồn tiền xây dựng từ đâu của các đơn vị trong EVN cũng là không nên.
Tôi cũng rất hiểu, cũng thầm cảm phục công trình 500 KV vĩ đại và chia sẻ với những người thợ đường dây đã ra đi vì nguồn điện cho đất nước. Tôi được biết, công trình đường dây 500 KV Bắc - Nam (mạch 1) được thi công từ năm 1992 và hoàn thành năm 1994, đi qua 14 tỉnh, thành phố, nhiều khu vực rừng rậm, núi cao hiểm trở… Để hoàn thành công trình được xem là kỳ tích của Việt Nam này, hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhiều lực lượng đã tham gia xây dựng, trong đó có hàng trăm người đã tử nạn. Công trình là mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển hệ thống truyền tải điện Việt Nam.
Trước việc dư luận tỏ ra bất bình, EVN đã buộc ra lệnh dừng vô thời hạn dự án trên. Đồng thời, EVN cũng phê bình EVNNPT vì triển khai công việc mà chưa có sự phê duyệt của tập đoàn. Nên xem cách xử lý nhanh nói trên của EVN cũng là cách làm phù hợp trong bối cảnh hiện nay cần ghi nhận. Nếu không, chỉ nội thiết kế một công trình có kinh phí hơn trăm tỉ đồng kia thì sẽ tốn bao nhiêu cho phần thuê thiết kế công trình? Tiền đó sẽ lấy từ các nguồn đóng góp nào dù là một phần được lấy từ quỹ phúc lợi đi nữa cũng rất không nên. Nếu có tấm lòng tri ân người đã khuất, nên chăng EVN sẽ khắc một tấm bia đá đặt trang trọng trong một mái nhà vừa phải là đủ. Hằng năm, nên tổ chức thăm hỏi thân nhân của người đã khuất cũng như người bị tàn phế do thi công công trình thật chu đáo thì ý nghĩa biết bao, cớ gì phải làm Đài tưởng niệm hoành tráng đến thế?.
Về chuyện dự án xây dựng “Cổng tỉnh và khu dừng chân” của Quảng Ninh, nếu chỉ nghe qua trên báo thì thật sự gây choáng khi nói rằng công trình hoành tráng này do UBND tỉnh cho xây dựng với tổng vốn 368 tỉ đổng trên diện tích 39.000 m2, trong đó “Cổng tỉnh” có mức đầu tư 198 tỉ đồng. Điều đáng lưu ý, ngân sách địa phương chỉ chi có 10 tỉ, còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Quyền lợi của họ sau khi tự nguyện xây dựng “Cổng tỉnh” thì nơi đây cũng là khu dừng nghỉ, mua sắm trước khi đi vào địa phận Quảng Ninh. Như vậy, đây cũng được xem là một trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm cần có của tỉnh. Nếu người đọc chưa biết đầy đủ thông tin như vừa nêu, hẳn ai cũng sẽ không hài lòng vì cho rằng ngân sách tỉnh phải bỏ ra, là tiền của dân đóng thuế (!). Theo tỉnh Quảng Ninh vừa thông tin thì “Cổng tỉnh” và khu dừng nghỉ giới thiệu sản phẩm du lịch tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) là công trình văn hóa mang ý nghĩa xã hội cao, sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới Quảng Ninh. Đồng thời, khối kiến trúc được thiết kế và dựng bằng thép này tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp quảng bá, phát triển tiềm năng du lịch và các đặc sản địa phương của tỉnh Quảng Ninh.
Qua 2 câu chuyện trên, tôi cho rằng cách xử lý thông tin của các cơ quan chủ quản như vậy là khá nhanh, phần nào dẹp tan dư luận không hay cho đơn vị hoặc địa phương mình.
Nên chăng, trước những thông tin trên mặt báo, có khi là trái chiều, gây bất lợi cho ngành hoặc địa phương chủ quản đang bị mạng xã hội "soi", chúng ta nên sớm chủ động thông tin hai chiều cho các cơ quan báo chí để giúp bạn đọc hiểu kỹ hơn, tường tận hơn, tránh đi những bình luận không hay nhưng lại bị kéo dài. Chỉ khi nào chúng ta chủ động thông tin, bảo vệ cái đúng, cái hợp lý và thừa nhận ngay cái sai, cái bất hợp lý đang được báo chí phản ánh thì khi đó, thông tin trên mặt báo và trên mạng xã hội mới lành mạnh lên. Vậy, cớ gì chúng ta lại chậm trễ phản hồi (?!)
Bình luận (0)