Những hành vi phi văn hóa, phản giáo dục trong clip cô giáo “Bọ Cạp” đang 'gây bão' dư luận. Theo tôi, đó không chỉ là hậu quả từ một nền giáo dục chứa đựng nhiều bất cập, mà đó là một biểu hiện của sự thất bại trong việc quản lý cơn nóng giận.
Những cơn nóng giận chỉ làm tổn thương bạn và những người xung quanh - Ảnh: Shutterstock
|
Nếu tắt hình ảnh và chỉ nghe mỗi phần âm thanh, chúng ta dễ lầm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa cô giáo và học sinh trong clip mang đầy âm hưởng “chợ búa” đó hẳn không thể nào diễn ra trong môi trường lớp học. Lý giải cho những hành vi kém văn hóa này chính là những cơn nóng giận.
Một cách khách quan và công bằng, tôi cho rằng không chỉ cô giáo – nhân vật trung tâm trong cơn bão chỉ trích của dư luận - mà chính cậu học sinh cũng có cách ứng xử không đúng mực ở vị trí của mình. Chính cả hai người đã lần lượt trở thành ngòi kích hoạt cơn nóng giận cho nhau.
Chính sự kích động của cơn nóng giận đã khiến cả hai đã quên mất tâm thế và vị trí mình đang đứng. Họ quên mất mình đang ở trong không gian luôn có những đòi hỏi nhất định về chuẩn mực đạo đức ứng xử giữa thầy và trò, mà như thể trong một cuộc giao dịch mua - bán chốn chợ búa, không cần quan tâm đến sự chuẩn mực của ngôn từ. Họ đã trút lên nhau những thái độ và lời nói xấu xí thường chỉ xuất hiện trong những cơn nóng giận.
Quản lý cơn nóng giận đã trở thành một kĩ năng cần thiết đối với bất kì cá nhân nào trong thời đại này, từ môi trường công việc, gia đình, mối quan hệ cá nhân đến ngoài xã hội. Một thống kê nghiên cứu của ba trường đại học của Mỹ là Duke, Harvard and Columbia hồi tháng 4.2015 đã chỉ ra rằng, cứ 10 công dân Mỹ trưởng thành thì 1 người có quá khứ sử dụng súng liên quan đến những cơn nóng giận kích động. Việc này có thể chịu tác động từ nhiều nguyên nhân, do đời sống công nghiệp căng thẳng và bận rộn, do môi sinh, thời tiết, do gien, ẩn ức tâm lý, nhân cách, đạo đức hay liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần.
|
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi liệu một cơn bột phát giận giữ là tín hiệu của một căn bệnh tâm thần hay chỉ là một biểu hiện hành vi thông thường thì những hậu quả và tác hại mà nó gây ra là không thể phủ nhận.
Trở lại với câu chuyện trên, tất nhiên, người bị dư luận “ném đá” nhiều nhất là cô giáo. Đáng lẽ đối diện với tình huống căng thẳng, cô cần có cách ứng xử đúng mực phù hợp với tuổi đời, tuổi nghề và tư cách nhà giáo của mình, nhưng cô đã không chiến thắng được cơn nóng giận.
Chúng ta đã có những câu chuyện về thầy giáo đánh học sinh ở Bình Định, về những bảo mẫu bạo hành trẻ em... Tất cả những hình ảnh phi sư phạm, phi đạo đức đó đều có nguyên do từ những tính huống nóng giận. Phải chăng đã đến lúc quản lý cơn nóng giận cần phải được chú ý và đề cao hơn trong giáo dục ở các trường sư phạm, bởi có lẽ đó là một trong những lý do chính làm hao khuyết đi hình ảnh đẹp của nhà giáo trong mắt dư luận xã hội?
Học sinh, sinh viên, những người đang trong độ tuổi dễ kích động tâm lý, cũng nên được giáo dục kiềm chế những cơn nóng giận để tránh những hành vi không đúng mực với thầy cô giáo của mình và ngoài xã hội?
Điều cuối cùng, tôi không biện minh cho hành vi thiếu đúng đắn của cô giáo. Nghề giáo có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn về đạo đức. Nhưng tôi hiểu rằng với một nền giáo dục vẫn còn mịt mờ về triết lý giáo dục, vẫn còn bao phủ bởi truyền thống Khổng giáo, nhiều vinh dự đã được xã hội đặt lên vai các thầy cô đồng thời cũng quàng lên vai họ những trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức mà chính họ không thể nào gánh vác.
Trước khi xem họ là những nhà giáo, hãy xem họ như những con người bình thường. Trước khi coi nghề giáo như một nghề cao quý, hãy xem nghề giáo cũng chỉ là một nghề để mưu sinh. Đó là cách nhìn nhận công bằng nhất dành cho nhà giáo. Vậy nên tôi nghĩ không nên quá khắt khe đến mức cực đoan với cô giáo trong clip đó, khi so sánh nó với bất cứ sự cố xuất phát từ cơn nóng giận của bất cứ cá nhân nào trong các lĩnh vực ngành nghề khác của xã hội.
Bình luận (0)